Hội chứng “sốt mạng”

23/05/2011 14:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày nay Internet đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông tin. Từ các diễn đàn, các mạng xã hội… có thể đưa thông tin đến hàng triệu người trong một thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên, sự nhanh chóng và sự “xuất bản” thông tin quá dễ dàng cũng có thể sẽ đưa lại nhiều hệ lụy nếu chúng ta không tỉnh táo để xử lý các thông tin từ mạng Internet. Đã có nhiều “tai bay vạ gió”, nhiều cơn “sốt ảo” từ Internet trong thời gian qua mà đáng ra không nên có...

Quyền lực của “nghi án” và dấu chấm hỏi (?)

Hai sự kiện ồn ào trên rất nhiều báo giấy xuất phát từ mạng Internet đáng nói nhất, có thể nói đó là trường hợp Uyên Linh “hát nhép” và Trịnh Công Sơn “đạo nhạc”.

Với trường hợp Uyên Linh, ban đầu chỉ là những bàn tán trên diễn đàn mạng, nhưng từ khi có một trang báo điện tử chính thức đăng tải bài về “nghi án” Uyên Linh hát nhép. Cụm từ “Uyên Linh hát nhép” xuất hiện khắp nơi từ báo điện tử đến báo giấy, dù thực chất Uyên Linh không hát nhép.

Cảnh trong clip Chú ếch con

Nhạc sĩ họ Trịnh với những ca khúc được nhiều người mến mộ, ông được xem như một tượng đài âm nhạc trong lòng đông đảo công chúng và giới nghệ sĩ, cũng không tránh khỏi “tai bay vạ gió” của công nghệ thời hiện đại. Một blogger viết vu vơ trên blog của mình, cho rằng bài Đôi mắt còn lại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giống bài The Syncopated Clock. Và khi một tờ báo điện tử nổ phát pháo đầu tiên với bài Trịnh Công Sơn dính nghi án đạo nhạc?, cả báo điện tử và báo giấy đều lên cơn sốt. Tuy rằng giới nhạc sĩ, ca sĩ và những người am hiểu chuyên môn âm nhạc cho rằng đó là chuyện “vớ vẩn”.

Đúng là Uyên Linh và những người thần tượng Trịnh Công Sơn một phen... hú vía. Trong thực tế hiện nay, hành vi hát nhép (trong những buổi biểu diễn live) được quy kết như một sự “lừa đảo”, còn đạo nhạc thì được xem như tội “ăn cắp”. Nhưng hình như hiện nay, một số người có một quyền năng rất lớn là có thể đặt nghi vấn lừa đảo, ăn cắp với bất kỳ ai, kể cả người rất đáng kính trọng. Điều đáng buồn là với 2 trường hợp nêu trên, khi đã có những kết luận tương đối rõ ràng rằng Uyên Linh và Trịnh Công Sơn “vô tội”, cả hai chẳng nhận được một lời xin lỗi từ những người đã vô cớ nghi ngờ họ. Hình như khi dùng cụm từ “nghi án” hoặc đặt một dấu chấm hỏi (?) vào cuối title, là đầy đủ “pháp lý” và quyền năng để phán xét mọi điều!

Hội chứng đám đông

Liên quan đến những clip “hot” thời gian gần đây có 3 clip làm xôn xao dư luận. Clip của cô bé Lê Nguyễn Hương Trà hát bài Chú ếch con của nhạc sĩ Phan Nhân. Có thể nói đây là một trường hợp xứng đáng với cái gọi là “hot” để truyền thông đề cập. Với giọng hát hồn nhiên trong sáng, cùng với phần viết thêm cho hợp xướng rất hiệu quả, Hương Trà và dàn hợp xướng thiếu nhi biểu diễn rất hứng khởi, đầy tự tin và mang lại hiệu quả âm nhạc thú vị.

Clip về Cô gái chơi 3 nhạc cụ cùng lúc cực đỉnh, đó là clip của Lâm Dật Hân. Theo một số nguồn tin thì Lâm Dật Hân là “cái tên đang rất hot trong cộng đồng mạng Trung Quốc”. Trong clip này, Lâm Dật Hân chơi những khúc nhạc của các bản nhạc như Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, chủ đề 1 Giao hưởng số 40 (V.A.Mozart)... Đúng hơn là cô lần lượt chơi các nhạc cụ, chỉ một lần duy nhất trong đoạn nhạc ngắn khá đơn giản cô chơi cùng lúc hai nhạc cụ. Với kỹ năng và trình độ chơi đàn như trong clip này, xem ra Lâm Dật Hân cũng “bình thường thôi” chưa đến mức để ngợi ca là “tài năng thiên bẩm về âm nhạc” hoặc “chơi 3 nhạc cụ cùng lúc cực đỉnh”.

Cảnh trong clip "Cô gái chơi 3 nhạc cụ cùng lúc cực đỉnh"

Gần đây nhất là clip về bản rap Tau thích mi của Nguyễn Nhân Ái (một học sinh 18 tuổi người Huế), bản rap có một chút đặc biệt là rap bằng giọng Huế, nội dung được xem là “đàng hoàng” không nhảm nhí, giọng rap khá truyền cảm. Tuy nhiên để ca ngợi như một tác phẩm “tuyệt vời” thì cũng hơi quá mức.

Phóng đại “thảm họa V-pop”

Rồi những clip gây “thảm họa V-pop” của Phương My, Phi Thanh Vân cũng toàn là chuyện phóng đại, nó không ảnh hưởng đến mức gây “thảm họa” và nhất là chẳng ảnh hưởng gì đến những ca sĩ đang miệt mài làm việc để mang lại những giá trị âm nhạc thiết thực cho đời sống âm nhạc

Ngoài ra còn có clip Cát bụi của Mai Quốc Việt khi anh hát trong một quán cà phê, mỗi đoạn của bài hát Cát bụi được Mai Quốc Việt giả giọng lần lượt nhiều ca sĩ như: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Phương Thanh, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng... Tuy nhiên, Mai Quốc Việt không thể giả giọng “y chang” các ca sĩ trên mà chỉ có thể bắt chước cái đặc trưng giúp người nghe đoán ra giọng hát của ca sĩ. Có thể xem đây như một trò giải trí và những sự khen tặng như “tuyệt vời”, “quá xuất sắc”... cũng chỉ xem là vài ý kiến trong số nhiều người khi nghe clip này.

Sốt “thật” và sốt “giả”

Từ một trang blog, facebook, hoặc một ý kiến ở một diễn đàn cho rằng bài nhạc này tuyệt vời, clip kia cực đỉnh, từ đó mọi người ào ào vào YouTube để xem, nghe (cũng có khi chỉ là xem thử) tạo nên số lượng truy cập khá lớn trong thời gian ngắn, đó là “hành trình” được xem là tạo nên “sốt mạng” hiện nay.

Tuy có nhiều sự việc không đáng để truyền thông tập trung đưa tin bài rầm rộ, nhưng khi có một người nào đó viết tin bài đề cập, cả đám đông nhao nhao theo, tạo nên một làn sóng đặc biệt trên công luận.

Điều đáng lưu ý là việc ca ngợi những giá trị không thực đã làm “nhiễu loạn” sự đánh giá, định hướng thông tin, độc giả không biết đâu là những giá trị thật. Ngoài ra, còn có không ít thông tin thiếu chính xác, kể cả những bài đăng trên báo giấy có số lượng phát hành lớn. Ví dụ: Lê Nguyễn Hương Trà trong clip Chú ếch con là cô bé Việt chính cống thì được viết là “cô bé gốc Việt” (có lẽ trong clip này toàn người nước ngoài). Nhạc cụ mà Lâm Dật Hân sử dụng trong clip Cô gái chơi 3 nhạc cụ cùng lúc cực đỉnh là cây đàn guzheng của Trung Quốc (cây đàn nằm trong nhóm cùng “họ” với đàn tranh Việt Nam) thì được gọi là đàn tranh, có báo gọi là đàn tam thập lục...

Sự phóng đại thông tin sự kiện để tạo “hot” hoặc chạy theo đám đông đang là “hội chứng” không mấy tích cực đối với giới truyền thông hiện nay... 


Truyền thông nói quá

Nếu clip Tau thích mi cho đến 21/5 (khoảng hơn 1 tháng), trên YouTube có chưa tới 1 triệu lượt người xem thì theo số liệu từ zing.mp3: clip Đừng vội vàng của Hoàng Thùy Linh, chỉ trong 4 ngày đã có gần 650 ngàn lượt người xem và tính đến 17/5 con số này là gần 1,5 triệu. Hoặc ca khúc Nỗi nhớ đầy vơi (do Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh trình bày), đạt 1 triệu lượt người nghe trong tuần đầu tiên và sau 19 ngày (tính đến 17/5) đạt gần 3 triệu lượt người nghe v.v… Tuy nhiên không hiểu tại sao nó không được xếp vào danh sách “lên cơn sốt” trên mạng?


Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm