Đồn đại về con thuyền cổ dưới đáy sông Hồng

21/05/2011 10:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ ngày chiếc tàu cổ được trục vớt dưới đáy sông Hồng qua đoạn Hưng Yên năm 2008, huyền tích về báu vật dưới lòng sông Hồng khiến mọi người hiếu kỳ. Bẵng đi một thời gian rồi nó cũng chìm vào quên lãng. Từ độ đó, những ngư phủ sống trên sông Hồng vẫn rỉ tai nhau về những chiếc thuyền cổ khác đang chìm dưới bùn đáy sông…

Ông Quách Văn Địch, người sưu tầm được 2 chiếc mỏ neo cổ có niên đại được kiểm chứng khoảng 600 năm, nói với tôi dưới đáy sông Hồng đã lấp đầy bùn phù sa còn ẩn giấu những con thuyền mà niên đại của nó đến nay chưa ai nắm rõ.

Từ chiếc mỏ neo khổng lồ...

Lão ngư Nguyễn Văn Mười

Hai chiếc mỏ neo của ông Địch bằng gỗ đã nứt nẻ, mỗi chiếc dài tới 6m, ngạnh của mỏ neo dài 2m, đầu ngạnh bịt sắt. Trong gian phòng khách rộng rãi của mình, chiếc mỏ neo phải đặt nghiêng mới vừa chỗ. Ông Địch sưu tầm được chiếc mỏ neo thứ nhất vào năm 1998, tới năm 2002 có khách nước ngoài tới trả giá nhưng ông Địch không bán. Ông Địch đoán chắc, những chiếc mỏ neo lớn như vậy thì con thuyền cũng phải tương ứng, nếu mà so sánh thì 2 chiếc mỏ neo mà ông coi như báu vật với những con thuyền đang bị chìm lấp bởi phù sa hàng trăm năm sông Hồng, giá trị nó còn “khủng” hơn gấp nhiều lần.

Ông Địch dẫn tôi xuống xóm chài Hàm Tử mà người dân gọi là bến Cầu Gỗ (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi mà ông Địch sưu tầm được 2 chiếc mỏ neo cổ mà chủ nhân trước kia của nó suýt bán... gỗ vụn. Lão ngư Nguyễn Văn Mười là chủ nhân đầu tiên của chiếc mỏ neo cổ đã 3 đời sống trên sông.

Người vớt được mỏ neo nói gì?

Những câu chuyện ly kỳ về những cổ vật dưới đáy sông của lão ngư như thôi miên người nghe. Rít hơi thuốc lào, mắt lim dim, ông hồi tưởng về những năm tháng ngang dọc sông nước. Khi nhắc lại chuyện hai chiếc mỏ neo cổ, ông cặm cụi lục trong trí nhớ của mình về nghiệp xăm, vớt củi trên sông mà cả đời ông gắn với nó.

Tháng 6/1999, sông Hồng đang vào mùa nước lũ. Thời điểm giữa năm này, những cư dân sông Hồng chủ yếu sống bằng nghề vớt củi đem lên bờ bán. Trong lần xăm củi năm đó, ông nhìn thấy một thanh củi to trôi theo dòng nước một phần thanh củi nhô hẳn một đoạn quá đầu con nước. Thấy lạ lùng, ông cho thuyền áp sát dùng móc ròng rọc kéo lên nhưng với sức của ông hơn 10 năm về trước và trọng tải con thuyền 5 tấn chỉ giữ được thanh củi giữa dòng. Sau một hồi hô hoán người nhà, 2 chiếc thuyền nữa cùng tiến vào “vật thể lạ”. Ba đoạn dây từ 3 chiếc ròng rọc móc vào đám củi.

Lúc này, thanh gỗ lạ đã vướng lẫn vào trong đám củi. Người con trai và ông phải lặn xuống đáy sông để luồn người qua đám gỗ. Dưới dòng nước đục ngầu bùn, ông thấy còn một thanh gỗ nữa được nối thành hình tam giác với thanh gỗ đang nổi một phần phía trên. Sau một hơn 1 giờ đồng hồ tách đám gỗ, cuối cùng vật thể lạ cũng rõ hình hài là chiếc mỏ neo.

Hai phần mỏ neo dưới lòng con nước, một phần trên của chiếc ngạnh nhô lên... Nó lộ dạng là chiếc mỏ neo to quá cỡ, thanh gỗ vuông dài nhưng sần sùi. Sau khi trục vớt được chiếc mỏ neo, lão ngư Mười cũng để lẫn trong đám gỗ vụn.

Trước đó độ vài năm, thỉnh thoảng ông trục vớt được vài vật lạ có giá trị. Khi thì thanh kiếm mẻ, khi thì chiếc lư đồng sứt. Những vật đó, có người bảo ông là đồ cổ nhưng để mãi chẳng ai hỏi mua, chật nhà ông mang bán sắt vụn.

Nhưng giờ chiếc mỏ neo đã ngự ở nhà quá 2 tháng. Chờ mãi sốt ruột ông định chẻ thành củi bán thì có khách hỏi mua. Chiếc mỏ neo theo thời giá năm đó ông đong được 6 tháng gạo ăn độ nhật.

Câu chuyện suốt hơn 2 tiếng đồng hồ về chiếc mỏ neo cổ tưởng như đã nhạt thì lão ngư Mười lại tinh quái buông lõng một câu khiến tôi hiếu kỳ. Ông bảo, dưới dòng nước xiết của sông Hồng này còn nhiều cổ vật lắm...

“Hố nước chết” và 2 con thuyền cổ

Lão ngư Mười bảo, quãng sông 7km từ cầu Chương Dương tới cầu Thanh Trì là địa phận của ông “cai quản”. Ngay gần chỗ thuyền ông đậu cũng có một khối hiện vật bằng đồng mà theo ông đã chìm miên viễn dưới lớp bùn sông Hồng. Ông kể, đã không dưới 5 lần chính ông và người con trai lặn xuống đáy sông bẻ vài thanh đồng về bán. Trong suốt câu chuyện, lão ngư liên tục nhắc đi nhắc lại cụm từ “hố nước chết” khiến tôi tò mò.



Chiếc mỏ neo cổ dưới đáy sông Hồng

Tôi và ông lên thuyền, đi khoảng 1km cách lều bè của ông thì ông bảo: “Tới đây dừng thôi”. Đưa tay chỉ ra một khúc sông giữa dòng lõm xuống như miệng giếng to mà đường kính ước chừng khoảng 5m, ông bảo: “Hố nước chết”.

Tới gần thêm chút nữa cả thuyền sẽ hút xoáy theo dòng nước. Cả đoạn sông nước đang chảy êm đềm bỗng nhiên dòng sông mở toác miệng, nước đang chảy theo dòng cứ theo đó ùng ục trôi xuống. Ông bảo, những thương lái sông Hồng khi tiến gần tới hố nước chết thì con nước tự nhiên thấp xuống, tàu va vào khoảng hẫng nếu như không tỉnh táo bẻ lái thì sẽ trôi theo dòng nước mà không thể tách ra được.

Tùy theo mùa nước mà “hố nước chết” thay đổi kích cỡ lớn bé khác nhau. Mùa nước lớn rất nguy hiểm với thuyền bè. Ông bảo tới nay đã gần 50 năm sống trên đoạn sông này thì những tai nạn, tàu lật cũng thường xảy ra ở khu vực quanh hố nước. Chính ông cũng không dưới 10 lần vớt những xác người trôi quanh khu vực này.

Chỉ tay vào hố nước, ông bảo dưới đáy của hố nước này vẫn có một con thuyền đắm mà ông đã nghe từ đời ông nội kể lại. Những năm trai trẻ ngang dọc khúc sông, có lúc ông tò mò ôm bình oxy lặn xuống đáy sông thì thấy nửa chiếc tàu đã chìm khuất dưới đất đáy sông. Phần nhô từ bùn lên, phủ cả con thuyền là lớp bùn đặc dày, trơn bóng. Lần sau nữa, ông cùng người cháu họ mò mẫm nhặt được vô số đồ gốm sứ và cả thanh kiếm đã sứt mẻ. Tiếc là những vật đó ông đã tống tiễn ra hàng sắt vụn...

Đang vui chuyện, bỗng nhiên đôi mắt ông đỏ hằn lên, những nếp nhăn khắc khổ ép chặt về phía trán. Ông bảo, đi “ăn mót” miếng ăn hà bá cả đời mà cơ nghiệp mấy chục năm của cả nhà ông chỉ là cái nhà thuyền nằm trơ giữa dòng sông. Nhiều lúc muốn trục vớt cả con thuyền nhưng ngặt nỗi lực bất tòng tâm, muốn trục vớt cũng phải có tiền và với sức vóc của ông thì mùa con nước nổi năm nay cũng chỉ vớt củi nhì nhằng qua ngày.

Thêm nỗi lo nữa khi ông nghe câu chuyện về chiếc thuyền cổ đoạn sông Hồng chảy qua Hưng Yên, sau khi được trục vớt cũng phải nộp về bảo tàng. Nỗi lo của ông là có thực. Vậy nên những câu chuyện của ông thoắt ẩn thoắt hiện, ly kỳ như sóng nước mênh mông sông Hồng mà cho tới nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc.

Theo TS Vũ Thế Long thì chiếc mỏ neo lớn như vậy được tìm thấy là bằng chứng rất cụ thể về di vật dưới lòng sông, về những con tàu lớn đã neo đậu trên đất Thăng Long. Tin ông thuyền chài cho hay dưới đáy sông còn có xác tàu đắm nếu thực như thế thì vô cùng đáng mừng. Vấn đề là ta phải nhanh chóng xác thực điều này và xác định được vị trí và tìm cách tiếp cận. Nếu có cả con tàu dưới đáy sông thì là một phát hiện lớn của Hà Nội và cả nước”. Chiếc mỏ neo cổ dưới đáy sông Hồng


Thông Chí


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm