Sắp đặt, trình diễn... lần đầu được tranh giải!

18/05/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tháng 11 tới, Bộ VH,TT&DL sẽ cùng Hội Mỹ thuật VN tổ chức Festival mỹ thuật trẻ 2011 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật VN (số 2 Vân Hồ, HN). Đây là cuộc chơi dành cho các nghệ sĩ từ 35 tuổi trở xuống, không nhất thiết là hội viên Hội Mỹ thuật VN cũng có thể tham gia (tối đa 3 tác phẩm, sáng tác từ 2008 - 2011).

Đặc biệt, đây là lần đâu tiên các loại hình nghệ thuật đương đại như: sắp đặt, trình diễn, body art sẽ cùng “tranh giải’’ với các tác phẩm hội họa, đồ họa, phù điêu, điêu khắc... Dự định, tổng giá trị giải thưởng sẽ lên tới gần 200 triệu đồng, chưa kể giải thưởng của các nhà tài trợ...

Đã từng có một bước tiến dài...

Màn trình diễn bay lên của Lại Thị Diệu Hà gây nhiều tranh cãi trong công luận, dù được nhiều người trong giới ủng hộ

Thực ra, cách đây 4 năm, lực lượng sáng tác mỹ thuật trẻ toàn quốc từng có cuộc “hội ngộ thử nghiệm’’ trong Festival mỹ thuật sáng tạo trẻ 2007 diễn ra từ 15 - 19/3 tại ĐH Mỹ thuật VN (số 42 Yết Kiêu, HN), do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức. Kể từ những manh nha đổi mới trong mỹ thuật cuối thập kỷ 80, rồi trải qua thị trường hóa mỹ thuật những năm 1990, Festival mỹ thuật sáng tạo trẻ 2007 đã thực sự tạo ra được những gương mặt mới.

Tại festival lần đó, người xem được thoải mái bôi, quét sơn lên các tác phẩm của nghệ sĩ, nếu thích (vì đó là tranh chép), hoặc tương tác với tác phẩm (nửa tranh, nửa trình diễn)... Cuộc hội ngộ đầu tiên đó cũng đã quy tụ được một lực lượng sáng tác trẻ đông đảo nhất (trong số 54 nghệ sĩ tham dự 54 tác phẩm, chỉ có 10 người là hội viên Hội Mỹ thuật VN, có cả sinh viên tham dự), với đủ loại tác phẩm, mỗi người một vẻ, một phong cách. Mặc dù để nhớ tên các trường phái hay thể loại như: sắp đặt, trình diễn, video art, body art... thì rất “lằng nhằng”, nhưng ở triển lãm đó, đa phần các tác phẩm đều bắt nguồn từ bản thân cuộc sống hiện tại, xuất phát từ chất liệu đời sống xã hội ở VN và đã thuyết phục được người xem, xây được một đời sống thẩm mỹ khác, mà so với mỹ thuật giá vẽ thời đổi mới, là một bước tiến dài...

Họa sĩ Đào Minh Tri (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM) - nguyên Trưởng BTC festival này từng phát biểu rằng: Nói ra cũng thực xấu hổ, vì mang tiếng là nghệ thuật mới, nhưng là “cũ người mới ta”. Vì những loại hình “kinh dị’’ này, thế giới đã có gần 50 năm và đã vào bảo tàng rồi. Còn theo họa sĩ Trần Lương - người được mời làm curator (giám tuyển) cho festival này thì hiện nay, khoảng 80% các hoạt động mỹ thuật trên thế giới là hoạt động nghệ thuật đương đại ngoài giá vẽ.

“Chảy máu” nghệ thuật đương đại

Cũng theo họa sĩ Trần Lương, bây giờ Bộ VH,TT&DL mới “sờ đến’’ nghệ thuật đương đại và đứng ra tổ chức festival là quá muộn. Điều này chỉ chứng tỏ một điều là xu hướng phát triển xã hội không thể đảo ngược và VN cũng hòa nhập với trình độ nghệ thuật cao chung của thế giới. Nhưng có một hiện thực rất đau xót là, các tác phẩm hiện đại hàng đầu của VN gần 20 năm qua đã chảy máu, giờ lại tiếp tục chảy máu nghệ thuật đương đại. “Các nghệ sĩ tầm tuổi tôi, các tác phẩm tốt đều không nằm ở VN mà ở các sưu tập và bảo tàng nước ngoài’’- họa sĩ Trần Lương bức xúc.

Hơn nữa, theo Trần Lương, việc tổ chức những sự kiện như thế này, phải những người thực sự có chuyên môn mới làm được. Vì không nói đến việc bày biện thế nào, điện đóm ra sao, mà quay video thế nào, ánh sáng ra sao... không phải cứ làm là ra. Gần đây, một số tác phẩm sắp đặt, trình diễn gây nhiều ý kiến trái chiều phần nhiều là do người nghe, người xem có những nhận xét sai lệch, chứ không phải bao giờ cũng là lỗi của những người thực hành nghệ thuật!

Họa sĩ Nguyễn Sơn (TP.HCM)- từng có tác phẩm trưng bày trong festival năm 2007 cho biết: Đó là kết quả của sự nỗ lực từ rất nhiều phía, đặc biệt nhà quản lý đã cho phép tổ chức một sự kiện có vai trò của các curator. Tuy nhiên, vướng mắc nhất trong việc tổ chức vẫn là chuyện duyệt tác phẩm. Thậm chí có những tác phẩm chỉ được xuất hiện một cách thiếu hụt, thay đổi cấu trúc... cho dù curator giải thích, phân tích trên góc độ chuyên môn, học thuật. Đây chính là lý do khiến cuộc chơi thiếu hẳn tính đột phá và sâu sắc. Nghệ thuật nhường chỗ cho sự thỏa thuận từ thuyết phục cho tới... năn nỉ giữa BTC với nghệ sĩ, cũng như sự ức chế giữa vài nghệ sĩ với BTC, để sự kiện được diễn ra. Với festival lần này, theo tôi không cần phải chọn ra một cách máy móc giải thưởng đủ, phải đủ mặt các các loại hình cho có vẻ là đa dạng... mà quan trọng là cần sự thật thà, cần kinh tế, tri thức, cần những nhà quản lý giỏi mới hi vọng có được một tấm bản đồ nghệ thuật với những “địa chỉ rõ ràng” của nền mỹ thuật đương đại VN. Những việc này lẽ ra phải làm từ rất lâu rồi”.

Cần đầu tư ngay vào sáng tác!

Họa sĩ Đặng Thị Khuê, chuyên gia của Quỹ Thụy Điển - VN phát triển văn hóa, đơn vị tài trợ cho Festival mỹ thuật sáng tạo trẻ 2007 cho biết: “Khi nghe tin Festival mỹ thuật trẻ 2011 mở lại vào cuối năm nay. Tôi vui vì các nghệ sĩ trẻ VN cũng có một sân chơi dành riêng cho họ, có được dịp để công bố ý tưởng nghệ thuật của mình. Nhưng, kèm theo, tôi cũng có một chút lo lắng về thời gian, chỉ có 5 tháng để tổ chức một festival là quá gấp. Theo thông lệ quốc tế, những sự kiện tầm quy mô như thế này, thời gian phải ít nhất 2 năm”.

Cũng theo bà Khuê, các loại hình mỹ thuật nói chung cần đến điều kiện vật chất, tức là việc làm tác phẩm rất tốn kém. Tối thiểu mỗi tác phẩm đơn giản cũng phải từ 10 triệu đồng trở lên. Ở nhiều nước phương Tây, từ lâu đã hình thành một hệ thống tài trợ và một thị trường nghệ thuật tương đối ổn định, đảm bảo đời sống cho nghệ sĩ. Còn ở ta hiện nay thì chưa có. Cho nên, sẽ là một vấn đề nan giải lớn với các nghệ sĩ trẻ khi muốn tham gia festival này, nhất là thể hiện những tác phẩm tầm quy mô. Do vậy, không nên trao giải thưởng mà lấy luôn số tiền trao giải đó để hỗ trợ sáng tác ngay từ đầu, để đầu tư vào tác phẩm, để những người trẻ không còn nói là “không có tiền sáng tác” nữa.

H.Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm