Cuộc kiểm kê “báu vật” trong dân gian

17/05/2011 10:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong khi Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) còn đang phối hợp với các cơ quan quản lý văn hóa địa phương để tổ chức tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước (dự định 31/10/2011 sẽ kết thúc), thì trong vòng 10 năm qua, theo các tiêu chí của mình, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (Hội VNDG VN) đã vào cuộc “tổng kiểm kê” các di sản văn hóa văn nghệ dân gian của 46/54 dân tộc.

Có thể tiêu chí của hai cuộc tổng kiểm kê này là khác nhau, nhưng kết quả kiểm kê những “báu vật” trong dân gian của Hội trong suốt 10 năm qua là hết sức quý giá, cung cấp một bức tranh tương đối đầy đủ về hiện trạng các di sản.

Làm rõ ngọn ngành, chứ không để đó...

GS Tô Ngọc Thanh. Ảnh: Thiên Trường

Nhắc đến việc đi tổng kiểm kê này, GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội VNDG VN, năm nay đã 80 tuổi, bồi hồi nhớ lại:

- Ngay từ những năm 2000, chúng tôi đã nhận thấy kho di sản dân gian đứng trước nguy cơ lớn, một số không thể cứu vãn được nữa, một số thì vẫn còn tồn tại nhưng rất mong manh. Bởi lẽ, những nghệ nhân từng thực hành và lưu giữ chúng, hoặc là đã quá cố; hoặc còn sống thì cũng đã vào tuổi 70 - 80 rồi. Sức khỏe của nhiều cụ đã yếu, trí nhớ giảm sút, khả năng truyền dạy cũng rất hạn chế. Trước nguy cơ đó, chúng tôi đã đưa ra kế hoạch mang tên: Tầm nhìn 2010, nhằm huy động toàn thể 1.500 hội viên trong 78 chi hội cả nước phát hiện, điều tra, trả lời câu hỏi Trong địa phương mình có những di sản nào và hiện trạng ra sao?, đồng thời thông báo cho Hội biết những di sản đang trên bờ vực mai một... Qua đó chúng tôi đã sưu tầm và giữ gìn về cơ bản toàn bộ các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc VN, phát hiện các nghệ nhân đang sống để tổ chức cho họ truyền dạy lại con cháu...

Thêm nữa, tôi có may mắn được cộng tác với UNESCO ngay từ đầu những năm 1990, nên cũng tiếp thu được những khuyến nghị rất phù hợp với tình hình di sản nước ta của tổ chức quốc tế này. Những công tác lớn như: Tổng kiểm kê, Vinh danh các nghệ nhân mà UNESCO gọi là Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures), Tiến hành bảo tồn dưới dạng sống (tức là hội nhập di sản trở thành một thành tố của cuộc sống hôm nay)... mà Hội chúng tôi làm đều có nguồn gốc từ những khuyến nghị của UNESCO.

* Như vậy là từ năm 2000 đến nay, Hội đã tiến hành tổng kiểm kê để biết nước mình còn bao nhiêu di sản, bao nhiêu nghệ nhân... và đến nay đã phân loại xong các di sản văn hóa văn nghệ dân gian của 54 dân tộc?

- Đây là việc lớn thứ 2, trong 3 việc lớn mà chúng tôi đã làm (cùng với việc khôi phục hơn 100 di sản và phong tặng 150 nghệ nhân dân gian) trong kế hoạch Tầm nhìn 2010. Chúng tôi đã phân loại thành nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa như: văn hóa sản xuất, văn hóa xã hội, văn hóa sinh hoạt, văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật... Kết quả là 46/ 54 dân tộc đã được kiểm kê xong. 8 dân tộc còn lại là các dân tộc có dân số ít, lại cư trú ở địa bàn quá hẻo lánh, nhưng chúng tôi sẽ làm trong những năm tới. Việc tổng kiêm kê này đã được chúng tôi công bố kết quả trong 2 tập sách để tiện việc tra cứu (ảnh).

46/54 dân tộc đã được Tổng kiêm kê
trong tập sách

* Liệu các di sản thông kế có chính xác tuyệt đối, thưa ông?

- Trong danh mục thông kê, chúng tôi cố gắng xếp các di sản vào các lĩnh vực nói trên, nhưng không phải bao giờ cũng có được tính chính xác tuyệt đối, vì chính sự phân chia các lĩnh vực cũng chỉ là tương đối. Ngoài ra, cụm từ “văn nghệ dân gian” là từ viết tắt của cụm từ văn hóa - văn học nghệ thuật dân gian, là các di sản văn hóa phi vật thể nói chung, theo cách nói của Bộ VH,TT&DL.

Các di sản cũng được sắp xếp theo từng dân tộc, trong đó chúng tôi cũng đánh giá thực trạng (còn hay mất, vì sao?), thống kê tình hình nghiên cứu sưu tầm, đồng thời kiến nghị phương pháp bảo tồn. Ví dụ dân tộc Ba Na, qua tổng kiểm kê có khoảng 26 loại hình di sản, được phân bố ở các tỉnh Gia Lai, Bình Định, có nhiều di sản cần được bảo tồn như Trường ca Đăm Joong, Đăm Dư của người Ba Na Kriêm, Nghệ thuật dân gian Bình Định, Cúng lấy người, Cầu sức khỏe... Có một số di sản chúng tôi đã nghiên cứu sưu tầm, nhưng cũng có một số di sản chưa có ai làm cả.

* Vì lý do, một hội toàn các cụ “văn nghệ dân gian’’ lại góp sức đi làm việc lớn này?

- Thực ra, nước mình có rất nhiều cơ quan làm việc này, nhưng Hội VNDG VN là làm đúng thực tế, có ngọn ngành, chứ không phải làm được chăng hay chớ rồi để đó... Hơn nữa, trong vòng 10 năm, nếu chúng ta không kịp điều tra, cố gắng sưu tầm được mức theo yêu cầu khả năng mình làm được. Nếu chúng ta không biết đến các nghệ nhân mà cứ nói chung chung thì không được. Phải điều tra cụ thể để tổng kiểm kê các di sản có được, phải biết được bao nhiêu vị nghệ nhân, tuổi tác thế nào, tài năng ra làm sao, còn lại là bao nhiêu? Nhưng tổng kiểm kê không chỉ để biết mình còn bao nhiêu di sản, bao nhiêu nghệ nhân... mà để biết dân tộc nào có những di sản gì và cần khôi phục cái gì trước, cái gì sau.

Sẽ xuất bản 2.000 công trình nữa!

* Hội còn những kế hoạch “đi trước thời đại’’, “vượt thời gian’’ tiếp theo gì trong những năm tới?

- Chúng tôi vẫn tiếp tục việc tổng kiểm kê ở các dân tộc còn lại, tiếp tục phong danh hiệu nghệ nhân, tiếp tục khôi phục các di sản văn hoá sắp mất, tiếp tục công tác sưu tầm nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của Hội theo hướng phấn đấu nâng cao chất lượng như Nghị quyết ĐH VI của Hội đã quyết định.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải tập trung vào việc thực hiện dự án Công bố và phổ biến tài sản văn hóa-văn nghệ dân gian các dân tộc VN nhằm chọn lọc, biên tập, xuất bản khoảng 2.000 công trình. Đây là những công trình sưu tầm nghiên cứu của trên 1.000 hội viên trong 30 năm qua tích tụ lại và đang để trong 1 cái kho giữa thủ đô Hà Nội. Nay, được sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ và sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, dự án đã được tiến hành. Tiền xin được là rất lớn, nhưng xin phép không tiết lộ.

Trong năm 2010, chúng tôi đã in được trên 200 đầu sách, trong đó có nhiều công trình song ngữ tiếng các dân tộc thiểu số và bản dịch. Dự kiến 2.000 công trình (đầu sách, với số lượng in 1.000 cuốn/1 đầu sách) sẽ được xuất bản trong vòng 10 năm từ 2011 đến 2020, để cung cấp một lượng tri thức có tính chất bách khoa về văn hóa - văn nghệ dân gian VN. Các xuất bản phẩm sẽ được phát hành miễn phí tới các trường ĐH, viện nghiên cứu, các trường sư phạm và trường dân tộc nội trú các tỉnh, hoặc các cơ quan có nhu cầu....

Như Trang (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm