Văn hóa toàn cảnh: Kỷ niệm và kỷ lục

15/05/2011 06:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Ấn Độ đang diễn ra nhiều hoạt động văn hóa kỷ niệm 150 năm ngày sinh của đại thi hào Rabindranath Tagore (H.1), tác gia châu Á đầu tiên nhận được giải thưởng Nobel Văn học danh giá (6/5/1861 - 6/5/2011).

Phát biểu tại thủ đô New Delhi hôm 7/5, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết các hoạt động kỷ niệm này đã được lên kế hoạch từ hơn một năm trước, thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn kính của hàng trăm triệu người dân Ấn Độ và nước láng giềng Bangladesh đối với đại thi hào Tagore. Nhân dịp này, Thủ tướng Singh cũng công bố một giải thưởng mới mang tên đại thi hào nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn của ông trong sự nghiệp thúc đẩy tình hữu nghị anh em giữa các dân tộc. Theo đó, hàng năm, một hội đồng do Thủ tướng Singh đứng đầu sẽ bình chọn một cá nhân xuất sắc trên thế giới có những hoạt động tích cực vì lý tưởng cao đẹp của Tagore để trao giải thưởng này. Tại nhiều bang ở Đông Bắc Ấn Độ cũng đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm sinh nhật của đại thi hào Tagore như hội thảo, biểu diễn kịch nghệ, triển lãm các tác phẩm văn học và hội họa...

Tagore sinh tại Calcutta (Ấn Độ). Ông là con út (thứ 14) trong một gia đình thuộc diện đại trí thức. Cha ông là một điền chủ, đồng thời là nhà triết học và nhà hoạt động xã hội có uy tín trong vùng. Các anh chị ông đều là những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Năm 1910, Tagore cho xuất bản bằng tiếng Bengali tập Thơ Dâng, rồi đích thân dịch tập thơ sang tiếng Anh và cho xuất bản ở London năm 1912. Tập thơ nhanh chóng gây tiếng vang lớn trong giới văn sĩ châu Âu, để rồi một năm sau đó, tác giả của nó được trao giải Nobel. Tagore qua đời tại Calcutta vào đúng năm ông tròn 80 tuổi, để lại một di sản đồ sộ gồm trên một nghìn bài thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận cùng hàng ngàn bức vẽ, hàng ngàn bài hát...

Nghệ sĩ Gunter Sachs - tỷ phú, nhà thể thao có tiếng, một nhà văn và là “chàng playboy cuối cùng” - đã tự sát ở tuổi 78. Theo thông tin từ gia đình, Gunter Sachs đã bắn vào đầu tự sát tại khu nghỉ mát Thụy Sĩ của ông vào thứ Bảy tuần trước. Ông rất nổi tiếng bởi tài năng và sự hào hoa. Từ “playboy” mà người ta thường gọi ông, về nghĩa gốc không hề mang tính tiêu cực. Ngày trước, “playboy” trong xã hội quốc tế là những người thông thạo thế giới, biết nhiều ngoại ngữ, biết tận hưởng hội hè, cư xử lịch thiệp và phần lớn có tác phong rất thể thao, có sức hấp dẫn tự nhiên đối với phụ nữ. Và Gunter Sachs là “chàng playboy” cuối cùng của xã hội thượng lưu đó. Gunter đã kết hôn ba lần và có 3 con. Người vợ đầu tiên của Gunter là Anne Marie Faure, qua đời năm 1958, cùng năm đó cha của ông, Willy Sachs, đã tự tử. Năm 1966, ông kết hôn cùng Bardot tại Las Vegas sau vài tuần gặp nhau. Cuộc hôn nhân kéo dài hơn 3 năm. Vài giờ sau khi gặp Bardot, Gunter đã cho một máy bay trực thăng bay qua nhà bà ở miền Nam nước Pháp và thả xuống hàng trăm hoa hồng đỏ. “Không phải lúc nào cũng có một người đàn ông thả hàng tấn hoa hồng trong sân nhà bạn, mỗi ngày” - nữ diễn viên đã viết trong nhật ký. Theo tờ Neue Zuercher Zeitung thì “Gunter Sachs luôn biết làm thế nào để tận hưởng cuộc sống. Những ai biết ông đều hiểu ông muốn kết thúc nhanh chóng để rút ngắn sự đau khổ của tuổi già”.



Gunter kết hôn cùng Bardot tại Las Vegas sau vài tuần gặp nhau


Ở một trạng thái khác, cũng đã vào gần tuổi 70 nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai và yêu đời cho nên tay bass huyền thoại của nhóm The Beatles, Paul McCartney vừa quyết định đính hôn với cô bạn gái 51 tuổi Nancy Shevell sau bốn năm hẹn hò. Đây là cuộc hôn nhân thứ ba của huyền thoại âm nhạc Anh quốc. Cuộc hôn nhân đầu tiên của Paul McCartney là với Linda McCartney vào năm 1969 và sau đó với Heather Mills vào năm 2002. Paul McCartney và Heather Mills ly dị năm 2008 và họ có một cuộc chia tay tiêu tốn biết bao giấy mực của báo giới (gần 40 triệu USD chia cho Mills). Khác với Heather Mills, Nancy Shevell rất được lòng các con riêng của Paul McCartney, trong đó có NTK nổi tiếng, Stella McCartney. Nancy Shevell là một doanh nhân giàu có. Cuộc sống riêng tư của Paul McCartney không phải lúc nào cũng thành công như trong âm nhạc nhưng ông có vẻ luôn lạc quan về tình yêu.



Paul McCartney vừa quyết định đính hôn với cô bạn gái
51 tuổi Nancy Shevell sau bốn năm hẹn hò


Ngược hẳn với Paul, mới đây nam tài tử kiêm cựu Thống đốc bang California, Arnold Schwarzenegger và vợ - bà Maria Shriver, vừa chính thức tuyên bố ly hôn sau 25 năm chung sống. Trong một tuyên bố chung, cả hai cho hay: “Sau một thời gian dài suy nghĩ, thảo luận và cầu nguyện, chúng tôi đã cùng đi tới quyết định chung này. Hiện tại, chúng tôi đã sống riêng”. “Tất nhiên chúng tôi vẫn là cha mẹ của 4 đứa trẻ. Chúng là ánh sáng và là trung tâm trong cuộc sống của cả hai chúng tôi”, tuyên bố cho biết. Vợ chồng vị cựu Thống đốc bang California còn cho hay: “Chúng tôi coi đây là vấn đề riêng tư và sẽ không có thêm bất kỳ bình luận nào từ phía chúng tôi hay phía bạn bè, gia đình”. Nhiều người thường biết đến Arnold Schwarzenegger và Maria Shriver là một cặp vợ chồng thành công, hạnh phúc. Schwarzenegger gặp nhà báo truyền hình Maria Shriver tại giải tennis Robert F.Kennedy tháng 8 năm 1977. Cả hai hẹn hò trong 9 năm liền và làm đám cưới vào 26/4/1986. Maria Shriver là cháu gái của cựu Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy. Schwarzenegger đã từng nói rằng ông tin bí quyết của một cuộc hôn nhân là tình yêu và sự tôn trọng.



Arnold Schwarzenegger và vợ - bà Maria Shriver


11 quan chức Ai Cập đã phải nhận 3 năm án treo trong vụ để mất cắp bức Poppy Flower (Hoa anh túc) của danh họa Vincent Van Gogh hồi tháng Tám năm ngoái. Kiệt tác này trị giá khoảng 55 triệu USD đã bị đánh cắp từ Bảo tàng Khalil, Cairo vào ngày 21/8/2010. Bức tranh đã bị cắt ra khỏi khung hình và hiện vẫn chưa được thu hồi lại. Lãnh đạo Bộ Văn hóa nghệ thuật Mohsen Shaalan và Reem Bahir, giám đốc bảo tàng cũng nằm trong số 11 người bị kết án vì bất cấn. Chỉ có 7 trong số 47 camera an ninh của bảo tàng là hoạt động. Khi vụ trộm xảy ra, với hệ thống bảo mật yếu kém, chuông báo động đã bị vô hiệu hóa. Việc tìm kiếm bức tranh vẫn đang được tiếp tục tại Ai Cập và nhiều nơi khác cùng với sự trợ giúp của mạng lưới an ninh quốc tế Interpol.

Trong khi đó, chàng tài tử điển trai Leonardo DiCaprio đã bỏ tiền triệu để sở hữu bằng được một bức tranh của Dali. Đây là lần thứ 3 Leo đấu giá tranh, sau hai lần đầu thất bại tại phiên đấu của Christie’s tổ chức tại New York mới đây. Tuần trước, Leonardo DiCaprio đã thất bại khi đấu giá hai tác phẩm của danh họa Pablo Picasso. Nhưng bây giờ nam diễn viên này đã có thể mỉm cười hài lòng bởi anh có toàn quyền sở hữu bức tranh Chevaliers On Parade do thiên tài Salvador Dali vẽ năm 1942 với mức giá khoảng 29,8 tỷ đồng (1,42 triệu USD). Chevaliers On Parade, bức tranh thể hiện góc nhìn về chiến tranh, được Salvador Dali thực hiện trong những ngày ông sống tha phương tại Catalan, Mỹ. Ở đó người xem có thể thấy nhân vật một người đàn ông ngồi trên lưng ngựa đang chĩa mũi giáo về phía một khối cầu tròn tượng trưng cho toàn bộ thế giới loài người. Theo ước tính ban đầu của Christie’s, tác phẩm hội họa này có giá từ 25,2 tỷ đồng đến 37,8 tỷ đồng (1,2 triệu USD - 1,8 triệu USD).



Bức tranh Chevaliers On Parade


Cũng liên quan đến hội họa, vừa qua, bức tranh sơn dầu của danh họa Claude Monet, Les Peupliers, đã được rao bán với mức giá “khủng” trong phiên đấu giá cuối cùng do hãng Christie’s tổ chức tại New York, 22,5 triệu USD (472 tỷ đồng). Bức này được họa sĩ Claude Monet vẽ vào năm 1891

Bàn Phím

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm