“Bưng” giếng cổ về Bảo tàng như thế nào?

20/04/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Khi vận chuyển sang Bảo tàng Hà Nội, một lớp độn dày bằng chất liệu mềm sẽ được nhồi vào trong lòng giếng để giảm lực tác động. Trong trường hợp quá dài, giếng sẽ được cắt đôi rồi ghép lại khi tới bảo tàng” - PGS.TS Nguyễn Lân Cường hé lộ về cách thức di chuyển chiếc giếng 1.500 tuổi vừa phát hiện (như TT&VH đã phản ánh).

Sau 6 ngày làm việc, quá trình khai quật giếng cổ mới được phát hiện tại khu vực Ciputra (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa thể dừng lại. Lý do: theo từng ngày, độ dài và kết cấu bên trong của thân giếng liên tục cung cấp thêm cho giới khảo cổ những thông tin thú vị.

Như tin đã đưa trên số báo ngày 18/4/2011, chiếc giếng cổ này được phát hiện muộn hơn khá nhiều so với hai ngôi mộ cổ cũng nằm trong khu vực Ciputra. Cụ thể, nếu 2 ngôi mộ trên được phát hiện từ ngày 1/4 (hiện đã khai quật xong) thì chiếc giếng cổ này được phát hiện vào ngày 12/4 và khai quật sau đó 2 ngày. Cũng như trường hợp của 2 ngôi mộ cổ, việc khai quật giếng được Viện Khảo cổ học VN tiến hành song song với khâu xin giấy phép để tranh thủ thời gian.

Đào mãi không... tới đáy!

Chiều 19/4/2010, khi TT&VH có mặt tại hiện trường, độ sâu đang được khai quật của chiếc giếng cổ đã đạt mức gần 4m. Theo ước đoán của một số chuyên gia, căn cứ vào niên đại giả định (thế kỷ 4-6) và độ cao chừng 8m so với mặt nước biển của nền đất khu vực Ciputra, chiếc giếng cổ này sẽ còn tiếp tục “ăn” vào lòng đất khá sâu. Đó là chưa kể đoạn giếng cao 1,4m (bao gồm cả thành giếng) bị máy ủi bạt mất khi thi công tại khu vực này.

Ở độ sâu 4 m, giếng vẫn đang được khai quật

Thông  số đo đạc cho thấy chiếc giếng trên được xây bởi một lớp gạch đơn bó chéo nhau, với đường kính lòng giếng là 74 cm. Không gian quá hẹp, người thi công ở độ sâu 4m chỉ còn cách dùng bay để nạo dần từng lớp đất bùn trên thành. Lẫn với đất, trong thành giếng có khá nhiều mảnh gạch và sành sứ cũ.

“Ngày đầu, chúng tôi đào khá nhanh. Nhưng càng xuống sâu, không gian hẹp khiến việc khai quật càng chậm” - ông Nguyễn Văn Mạnh, chuyên viên Viện khảo cổ, cho biết. Theo lời ông Mạnh, nhằm dễ thao tác, tổ khai quật liên tục chọn những người... gầy nhất để luân phiên đưa xuống lòng giếng.

Sau khi tìm ra hai ngôi mộ cổ, việc phát hiện chiếc giếng cổ cách đó chừng 200m càng khiến PGS.TS Nguyễn Lân Cường hỉ hả hơn. Theo phân tích của ông, sự xuất hiện của chiếc giếng cổ này là minh chứng khá chắc chắn về khả năng tồn tại của một cộng đồng cư dân tại đây vào thế kỷ 4 - 6. “Khác với những chiếc giếng cổ trong Hoàng thành, rất có thể giếng cổ ở Ciputra là giếng được sử dụng vào mục đích “đại trà” hơn” - ông Cường nói - “Ngoài ra, những viên gạch được “vứt” xuống lòng giếng mang nhiều niên đại khác nhau, rải rác từ thế kỷ 6 cho tới tận thế kỷ 15. Điều đó chứng tỏ sự tồn tại lâu dài xuyên suốt theo thời gian của cư dân tại đây - một khu vực nằm cạnh sông Hồng và là ngoại vi của thành Đại La cũ”.

Cũng theo lời ông Cường, từ khá lâu trước đó, nhân dân xã Thụy Phương cách Ciputra khoảng 1.500m đã phát hiện dấu vết một ngôi mộ cổ và tạm thời lấp lại sau khi thông báo cho chính quyền. Trong thời gian tới, Viện Khảo cổ VN sẽ tiến hành khai quật ngôi mộ này. Và nếu những di vật tìm được cũng có niên đại thời kỳ Lục triều như tại Ciputra, những “thông tin nền” cho cuộc thám sát trên một diện tích rộng hơn sẽ được chuẩn bị.

Miệng giếng cổ đã phát lộ với đường kính 74 cm

Giếng cổ sẽ được “bưng” đi như thế nào?

Sau công văn “xin” của Bảo tàng Hà Nội, việc chuyển chiếc giếng cổ ở Ciputra về bảo tàng đã nhận được sự đồng thuận. Hiện, phía Bảo tàng Hà Nội đang chờ việc khai quật hoàn thành để nắm được kích thước cơ bản của giếng, sau đó đào một hố đất có độ sâu tương tự để chuyển giếng (thực chất là thành gạch tròn bao quanh) về khuôn viên của bảo tàng.

“Về cơ bản, thợ thi công sẽ đào tiếp đất phía ngoài thành giếng để tách riêng lớp gạch ra. Quá trình này sẽ được nghiên cứu để vừa thi công vừa cố định thành giếng bằng những kèo sắt hình chữ V sao cho không ảnh hưởng tới độ kết dính giữa các viên gạch” - PGS Nguyễn Lân Cường cho biết - “Khi vận chuyển sang Bảo tàng Hà Nội, một lớp độn dày bằng chất liệu mềm sẽ được nhồi vào trong lòng giếng để giảm lực tác động. Trong trường hợp quá dài, giếng sẽ được cắt đôi rồi ghép lại khi tới bảo tàng”.

Được biết, tuy nằm trong khuôn viên Ciputra nhưng khu vực đất đang thi công (chứa giếng cổ và 2 mộ cổ) vẫn thuộc sự quản lý của UBND TP Hà Nội. Bởi, đây là phần đất thuộc 10% diện tích do Ciputra cắt lại để UBND TP Hà Nội xây dựng một hệ thống chung cư riêng. Do đó, ngoài giếng cổ, phía Viện Khảo cổ học VN cũng đang xúc tiến làm việc với TP Hà Nội để tìm biện pháp xử lý với 2 chiếc mộ cổ nói trên. “Xây dựng khu trưng bày tại chỗ trong Ciputra hoặc bó khuôn đưa về Bảo tàng Hà Nội - cả 2 phương án đều hay và không đòi hỏi kinh phí quá cao” - ông Cường nói.

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm