Đưa nghệ thuật trình diễn vào “khuôn khổ”

17/04/2011 14:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Màn trình diễn gây tranh cãi mới đây của Lại Thị Diệu Hà có thể chính là nguyên nhân khiến các nhà quản lý văn hóa muốn đưa loại hình trình diễn nghệ thuật sắp đặt vào tầm “kiểm soát”.

Nếu được thông qua, có thể hoạt động này cũng sẽ phải xin cấp phép như với các chương trình biểu diễn nghệ thuật...

Màn trình diễn của Lại Thị Diệu Hà

“Quản” cả nghệ thuật sắp đặt, trình diễn

Từ trước tới nay, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn vẫn được công luận và những người trong giới nghiễm nhiên xếp vào lĩnh vực mỹ thuật. Thực tế, khi soạn thảo Nghị định về quản lý hoạt động mỹ thuật, Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh cũng xác định đây là hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Tuy vậy, lý do đưa nghệ thuật sắp đặt, trình diễn vào Nghị định Biểu diễn Nghệ thuật được ông Phạm Đình Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - giải thích, đây là loại hình mới xuất hiện tại VN mà luật hiện hành chưa điều chỉnh được. Vì thế, thực tế, hoạt động này nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Ông Phạm Đình Thắng đã nhắc tới màn trình diễn gây mới đây của Lại Thị Diệu Hà. “Việc cởi đồ và gắn lông chim lên người hoàn toàn mang tính trình diễn, không liên quan gì đến mỹ thuật. Hơn nữa, nghệ thuật trình diễn hiện giờ có sự kết hợp nhiều yếu tố khác như điện ảnh, mỹ thuật và độc lập không gắn với mỹ thuật” - ông Thắng nói rõ thêm. Đến nay, việc đưa loại hình này vào Nghị định Biểu diễn Nghệ thuật cũng chưa được khẳng định bởi còn phải chờ các ý kiến đóng góp từ nhiều phía. Tuy vậy, nếu được thông qua, có thể hoạt động này cũng sẽ phải xin cấp phép như với các chương trình biểu diễn nghệ thuật...

Và bức xúc muôn thuở về bản quyền...

Trong khi việc đưa trình diễn nghệ thuật sắp đặt vào Nghị định hay không vẫn còn bỏ ngỏ, thì một vấn đề “xưa như trái đất” liên quan đến bản quyền lại tiếp tục khiến nhạc sĩ Phó Đức Phương - GĐ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (TBVQTGANVN) - bức xúc. Ông cho hay, trong quá trình hoạt động, khó khăn lớn nhất của Trung tâm chính là ở những quy định hiện hành thuộc lĩnh vực bản quyền. Công ước Bern nêu rõ, quy định trong lĩnh vực bản quyền không được mâu thuẫn với luật pháp. Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ, việc phát sóng không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả trước, nhưng phải trả tiền, còn các lĩnh vực khác vẫn phải xin phép. Trong khi, thực tế, Quy chế 47 về biểu diễn nghệ thuật lại không quy định như vậy. “Theo quan điểm của tôi, các cơ quan quản lý khi ra văn bản phải đứng về phía luật pháp để luật pháp được thực thi. Trước đây, vấn đề bản quyền còn bị nhiều cơ quan quản lý xem là quan hệ dân sự, cơ quan Nhà nước không can thiệp... Như vậy, vô tình cơ quan quản lý gợi ý cho tổ chức, cá nhân không thực thi quyền tác giả?”.

Cục trưởng Vương Duy Biên khẳng định, ý kiến của nhạc sĩ Phó Đức Phương sẽ được ban soạn thảo quan tâm. Song, một số ý kiến bên lề cho rằng, “điểm nóng” về quy định thu phí tác quyền trong lĩnh vực biểu diễn chính là việc cơ quan chức năng chưa xác định một mức giá phù hợp. “Việc thực thi bản quyền không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là một hành động văn minh. Nhưng quan trọng là việc thương lượng với TTBVQTGANVN cần phù hợp và Trung tâm không phải là cơ quan có quyền áp đặt mức giá. Trong khi đó, Nhà nước lại chưa có quy định cụ thể về biểu giá tác quyền này” - ông Trương Nhuận, Phó GĐ NH Tuổi trẻ, cho biết.

***

Bên lề hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo lần 7 Nghị định Biểu diễn Nghệ thuật vừa được tổ chức tại Hà Nội này, một số đại biểu còn cho rằng, ban soạn thảo cần phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp để Nghị định được chặt chẽ từ kết cấu đến ngôn từ...

Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm