Đi cho dài rồi cũng trở về vạch xuất phát (Bài kết)

29/03/2011 08:12 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Mai Quốc Việt không xa lạ trong giới tổ chức biểu diễn. Ông chủ của công ty tư vấn đầu tư và quản lý dự án giải trí Danhan có trong tay vốn liếng kinh nghiệm từ những lần tổ chức các chương trình tiếng tăm như Bryan Adams, John Denver, Air Supply… đến Việt Nam biểu diễn. Từng trải là thế vậy mà bây giờ cứ nhắc đến chuyện làm show là lại hồ nghi.

* Backstreet Boys, Bob Dylan đang và sắp có mặt tại Việt Nam. Ông có nghĩ rằng thị trường đang tan băng và xu hướng mời nghệ sĩ nước ngoài đến đây biểu diễn đang ấm dần lên?

- Nhắc lại chuyện cũ một chút. Siêu sao nhạc rock Bryan Adams đến Việt Nam năm 1994. Chuyến lưu diễn này thực sự là một “cú sốc” cho giới kinh doanh âm nhạc toàn cầu. Vì thời điểm này, Việt Nam chưa bình thường hóa quan hệ với Mỹ, vẫn đang trong giai đoạn “cấm vận”. Bryan Adams đến Việt Nam được sự bảo trợ toàn phần của hãng Maxell - nhà tài trợ chính cho một giải chạy việt dã quốc tế tại TP.HCM. Vì vậy, công lao đầu tiên đưa “cậu bé vàng” của nhạc rock thế giới phải được ghi nhận bởi ngành thể thao chứ không phải ngành văn hóa. Lại thêm lúc này Bryan Adams đang ở thời kỳ sung mãn nhất của sự nghiệp (ở tuổi 33), có số lượng đĩa phát hành khổng lồ… Một vài lý do trên đủ để giải thích vì sao chuyến lưu diễn của Bryan Adams đã tạo ra một cơn địa chấn thực sự.

Còn Bob Dylan đến Việt Nam vào thời điểm hiện tại tôi thấy có vẻ như không được nhắc nhiều lắm, cả công chúng lẫn các nhà chuyên môn. Tôi cho rằng lý do rất đơn giản: ông đã trở thành huyền thoại. Thế hệ xem ông là thần tượng phần nhiều đã bước vào tuổi 70. Chắc chắn họ sẽ thích thú mở đĩa than và CD để chìm đắm cùng Bob Dylan tại nhà hơn là “hớn hở” giăng băng-rôn đón ông tại sân bay và “gào thét” mê say tại sân vận động… Tôi nhắc lại một chi tiết, vào năm 1995, Tổng giám đốc Pepsi Việt Nam cũng đã dự tính tài trợ cho một show diễn có Bob Dylan và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những ca khúc phản chiến bên bờ sông Hiền Lương… Một ý tưởng quá tuyệt vời nhưng rất tiếc vì rất nhiều lý do, ý tưởng này đã phải khép lại. Tôi tin rằng nếu Bob Dylan đến Việt Nam vào thời điểm ấy, chắc chắn sẽ tạo ra một cơn địa chấn lớn hơn rất nhiều so với Bryan Adams. Điều này cũng nói lên rằng, sự lan tỏa của âm nhạc phụ thuộc rất nhiều thứ trong xã hội tại một thời điểm nhất định.

Cuộc viếng thăm của John Denver tới Việt Nam năm 1994 là một trong những sự kiện văn hóa vẫn còn được nhiều người nhớ tới. John Denver là một ca sĩ đồng quê huyền thoại người Mỹ. Năm 1997, ông qua đời trong một tai nạn máy bay.

* Điểm lại những gương mặt thuộc hàng “số má” trong làng nghệ thế giới đã đến Việt Nam như Bryan Adams, John Denver, Sting… thì thấy đều có liên quan tới cái tên Mai Quốc Việt. Làm thế nào ông có thể mời được họ, ông có thể kể lại chuyện này và ông có sẵn sàng thú nhận rằng với những đêm biểu diễn ấy, dù đông nghịt khán giả, ông vẫn lỗ?

- Tôi đã mời họ đến Việt Nam theo tinh thần “tác chiến” của chiến tranh “du kích” - có nghĩa là ta thích ứng với những tình huống không có sẵn trong kế hoạch. Các show diễn của các siêu sao này đến Việt Nam bất ngờ như những ngôi sao đổi ngôi vụt bay qua bầu trời. Như đã nói, Bryan Adams đến bởi một lời đề nghị tham gia “góp vui” cho một giải chạy việt dã quốc tế (sẽ rất buồn cười khi tiết lộ, khi làm thủ tục giấy phép, đã có người nhầm Bryan Adams là vận động viên chạy việt dã của Canada). Siêu sao Sting đến Việt Nam bởi sự dàn xếp giữa cá nhân tôi với công ty tổng đại lý vòng trình diễn châu Á của Sting, vì lý do có một show ở đâu đó đã bị hủy. Huyền thoại John Denver đến Việt Nam với ý muốn tài trợ của hãng đàn Organ Yamaha (vào thời điểm này Yamaha bán được rất nhiều đàn organ dành cho trẻ em tại Việt Nam). Nhóm nhạc pop Air Supply đến Việt Nam bởi kết quả đấu tay đôi “liều lĩnh” của tôi với một công ty giải trí âm nhạc của Hong Kong...

Sting đến Việt Nam làm lay động hệ thống truyền thông của phương Tây. Đi theo Sting là các đài truyền hình NHK (Nhật Bản), BBC (Anh quốc), CNN (Mỹ) và đương nhiên MTV… Điều buồn cười nhất là show diễn của Sting tại TP.HCM nhận được rất ít tài trợ, vì số đông người Việt Nam không biết Sting là ai! Tôi xin kể lại một câu chuyện có thật, khi nhận hồ sơ tài trợ của show diễn Sting, tổng giám đốc của một tập đoàn nước giải khát khổng lồ đã sửng sốt hỏi tôi: “Sting đến Việt Nam, ông có viết truyện Cá tháng Tư không?”. Tôi đã cho ông ta cơ hội nói chuyện thẳng với người quản lý Sting. Nghe xong ông ta đã toát mồ hôi thật sự. Một tuần sau, đúng hẹn tôi đến gặp ông ta. Tôi được mời vào một phòng họp lớn, ở đó đã ngồi sẵn hơn 20 người Việt Nam. Ông ta nói: “Tôi khâm phục ông vì đã mời Sting đến Việt Nam, nhưng rất tiếc tôi từ chối tài trợ, vì tất cả những nhân viên người Việt của tôi đều trả lời không biết Sting là ai, điều này có nghĩa phần đông người Việt không xem Sting là thần tượng. Mục đích của chúng tôi là bán nước giải khát”!

* Ông có thể cho biết giá của những ngôi sao đến Việt Nam mà ông đã từng mời?

- Chẳng có việc gì phải bí mật. John Denver: 20.000 USD, Leo Sayer: 25.000 USD, Boney M: 25.000 USD, Air Supply: 85.000 USD… Những con số rất nhỏ so với thời điểm này, nhưng rất lớn vào những năm 90 của thế kỷ trước.

* Thái Lan hay Singapore, Philippines, Malaysia… có một thị trường biểu diễn đầy tiềm năng và thậm chí có thể nói là chuyên nghiệp. Với con mắt của một nhà chuyên môn, ông nghĩ Việt Nam, về lâu về dài liệu có trở thành vùng đất hứa cho những nghệ sĩ nước ngoài đến biểu diễn hay không?

- Sự thật là họ luôn vượt trội chúng ta. Trong bóng đá, thi thoảng chúng ta có thể thắng họ, nhưng trong kinh doanh biểu diễn âm nhạc, chúng ta đi sau họ một khoảng cách rất xa. Sự so sánh ở đây sẽ là khập khiễng. Còn Việt Nam có phải là một vùng đất hứa cho các nghệ sĩ nước ngoài đến biểu diễn hay không? Tôi cần hiểu rõ khái niệm “vùng đất hứa” cụ thể ở đây là gì? Đã có một tiểu thuyết rất nổi tiếng Giấc mơ nước Mỹ, Sting có một ca khúc rất hay Englishman in New York, nước Mỹ luôn là một “vùng đất hứa” đối với các nước chậm phát triển… Nếu theo khái niệm này, tôi thẳng thắn trả lời rằng Việt Nam không thể trở thành một vùng đất hứa… Nhưng sẽ trở thành một vùng đất bí ẩn kích thích sự chinh phục của các ngôi sao thế giới.

* Mới đây, tay guitar huyền thoại Carlos Santana tới Singapore biểu diễn, thành công vang dội và ở Việt Nam đã có kha khá người mua vé sang xem. Nếu bây giờ đặt một bài toán mời Carlos sang Việt Nam biểu diễn...?

- Sự thanh xuân của Carlos Santana trong âm nhạc thật sự là hiếm có. Nhưng phải để ý một điểm rằng, âm nhạc của Carlos Santana là kết quả của một dàn nhạc với những nhạc công tài năng xuất chúng, khai thác tối đa một dòng nhạc hấp dẫn - dòng nhạc pop Mỹ Latin. Sự thành công của Carlos Santana là không thể bàn cãi. Người Việt Nam sang Singapore để thưởng thức Carlos Santana cũng là điều bình thường như người Sài Gòn bay ra Hà Nội cuối tuần ăn bánh tôm Hồ Tây. Nhưng việc Carlos Santana đến biểu diễn tại Việt Nam sẽ là một vấn đề không tưởng. Mà đã là không tưởng, tốt nhất chẳng nên bàn…

* Quãng đường làm nghề của ông hẳn có nhiều chuyện đáng nhớ để hôm nay có thể rút ra được một góc nhìn nào đấy…

- Một chuyện rất nhỏ. Khi tổ chức show diễn của ca sĩ John Denver tại Việt Nam, thật lòng tôi rất lo ngại sự phát ngôn ngẫu hứng của ca sĩ trong lúc biểu diễn vì những năm 90 của thế kỷ trước là một thời điểm nhạy cảm. Tôi khéo léo gợi ý rằng “người Việt Nam rất thích nghe ông hát, tốt nhất ông đừng nói gì nhé”. Nhưng ông đã phá vỡ cam kết và nói như thế này trên sân khấu của nhà hát Hòa Bình: “Chúng ta sống chung dưới một mặt trời, sống chung dưới một mặt trăng. Điều đó có nghĩa chúng ta là anh em cùng sống chung trong một mái nhà”.

Thông điệp này giải thích một chân lý, âm nhạc không có biên giới. Rất tiếc chúng ta đã tự tạo ra một đường biên giới vô hình để ngăn cản các ngôi sao quốc tế đến trình diễn tại Việt Nam. Đường biên giới vô hình này là: sự lạc hậu của kỹ thuật, sự ấu trĩ trong điều hành, sự nghèo nàn về vật chất của sân vận động và các cung biểu diễn, sự băm nát thị trường âm nhạc bởi các show diễn truyền hình trực tiếp của các nhãn hàng tiêu dùng… Con đường của chúng ta đã đi qua thật sự rất dài, nhưng rất tiếc đó là con đường vòng để quay lại điểm xuất phát ban đầu.

Việt Cường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm