Quyền pháp "Thiết địch thần phong" và "Kỳ sáo" trên đất cụ Đề

27/03/2011 17:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Tương truyền đây là bài võ nghệ mà cụ Đề Thám (Hoàng Hoa Thám- linh  hồn của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế rất mê đắm và thích thú mỗi khi xem quân lính luyện tập, biểu diễn, tiêu dao…

Ngoài việc sử dụng thông thạo các loại vũ khí hiện đại như súng trường, súng kíp, thuốc nổ và các loại binh khí như kiếm, đao, cung nỏ… nghĩa quân Đề Thám còn có những thứ vũ khí tưởng chừng như vô hại nhưng trên thực tế lại rất lợi hại, nguy hiểm như: thiết phiến (quạt sắt), nhiễu tiêu (doi mềm đi ngựa), thoa (châm cài đầu)…..đặc biệt là bài võ sáo độc đáo có một không hai này. 


Võ sư Trịnh Như Quân (người tóc dài áo trắng) thổi dị sáo cho đệ tử biểu diễn Bóng Trăng Phồn Xương

Nói đến cuộc khởi nghĩa của cụ Hùm thiêng Yên Thế chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai ai cũng đều được biết, được nghe danh về một thời oanh liệt mà đầy bi tráng của cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược này đầu thế kỷ XX (khởi nghĩa Yên Thế), nhưng mấy ai đã được biết, được chứng kiến và được thưởng thức một sản phẩm tinh thần đầy chất thơ, chất huyền thoại lãng mạn và đầy hào khí của nhà binh nơi trận mạc, sản phẩm độc đáo đó lại được hình thành và phát triển chính từ cuộc khởi nghĩa của những người nông dân áo vải nhuốn chàm được lưu truyền hơn một thế kỷ qua đến nay, đó chính là bài võ sáo bí truyền có tên “Thiết địch thần phong” hay còn gọi là “Bóng trăng Phồn Xương” đã từng vang bóng một thời trên quê hương thượng võ Bắc Giang.

Bài võ sáo có một không hai

Tôi gọi “Bóng trăng Phồn Xương” là bài Võ sáo “độc đáo” có vẻ như nhiều người cho rằng không được đúng cho lắm, vì đâu đó chúng ta vẫn thường được nghe kể hoặc thậm chí được xem những bộ phim kiếm hiệp cổ trang với những bí kíp công phu và vô cùng huyền diệu, lợi hại từ cây sáo nhưng tôi dám khẳng định một điều rằng “Bóng trăng Phồn Xương” là võ sáo rất độc đáo và hiếm tìm được ở nơi nào trên thế giới là bởi những đặc điểm sau:

Thứ nhất, đây không phải là sáo bằng loại tre, trúc đơn thuần mà bằng sắt rất to và nặng, khi thể hiện ngoài những công phu và nội công trong võ thuật, người võ sĩ còn phải là một nghệ sĩ thả hồn trong những bản nhạc du dương, lãng mạn, bay bổng mà vẫn không quên mình đang là một tráng sĩ oai hùng giết giặc nơi sa trường. 


Bài võ sáo độc đáo trên quê hương cụ Đề Thám còn lưu truyền đến ngày nay

Thứ hai với cây sáo bằng sắt dài tới cả mét và nặng tới vài kg mà người võ sĩ, nghệ sĩ vẫn có thể vừa thổi hồn cho những khúc ca vừa dùng những chiêu thức Chưởng, Quyền, Cước song hành để chiến đấu trong vận sinh tử thì chắc chắn trên thế giới cũng chẳng có nhiều.

Thứ ba bài võ sáo được hình thành và ra đời từ chính cuộc chiến chống thực dân xâm lược của dân tộc và nhân dân ta chống lại kẻ thù, mang đậm những bản sắc của dân tộc.

Và điều thứ tư đó chính là sự bí truyền của võ sáo, đến nay dù đã được đem ra giảng dạy trên võ đường nhưng võ sáo vẫn có nguy cơ bị mai một bởi người kế cận và lĩnh hội được võ sáo nhiều nhất vẫn được xem là “độc nhất vô nhị” đó chính là võ sư Trịnh Như Quân - một người đã dày công khổ luyện và lĩnh hội “Bóng trăng Phồn Xương” từ cụ Triệu Quốc Úy. Vậy thì cũng chẳng “ngoa” khi nói đây là một di sản văn hóa vô cùng độc đáo của dân tộc.

Nếu ai đó đã từng được tận mục sở thị “Bóng trăng Phồn Xương” thì đều nhận thấy ở đó võ thuật và âm nhạc hòa quyện vào nhau, hỗ trợ nhau tạo sự biến hóa khôn lường và vô cùng lợi hại, nguy hiểm, vừa có thể như một liều thuốc làm mê hoặc đối phương, vừa có tính chất lãng tử, chất thơ lại vừa có thể sát thương kẻ địch một cách ghê gớm đến lạnh người…

Võ sư Trịnh Như Quân và câu chuyện kế thừa bí kíp “kỳ sáo”

Võ sư Trịnh Như Quân sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề võ. Thân sinh của ông Quân là võ sư Hiền người có nhiều tiếng tăm trong giới võ lâm, đã từng tham gia thi đấu tranh tài và làm trọng tài điều khiển nhiều trận quyết chiến tại các cuộc đại hội, tỷ thí võ nghệ trên thế giới… Sau này khi lớn lên ông Quân theo nghiệp võ, làm việc tại Sở thể dục thể thao Hà Bắc. Sở này biết ở vùng Yên Thế có một người tên là Triệu Quốc Úy - truyền nhân cuối cùng còn lưu giữ những bí kíp võ thuật của cuộc khởi nghĩa nông dân Đề Thám nên đã cử người lên “bái sư”, “yết tổ”. Gọi là bái sư nhưng thực chất là để sưu tầm, lưu giữ một trong những giá trị tinh hoa văn hóa độc đáo này của dân tộc khỏi bị thất truyền. Cụ Úy thấy anh Quân nhanh nhẹn, siêng năng tập luyện, lại có căn bản võ thuật nên đã tận tâm truyền đạt, chỉ giáo.


Thiết địch thần phong trên đất thượng võ

Sau những tháng ngày dày công kiên trì rèn luyện môn võ sáo, cũng có lúc thất bại nhưng với lòng quyết tâm cuối cùng “Thiết địch thần phong” mà sau này đổi tên là “Bóng trăng Phồn Xương” đã được ông Trịnh Như Quân lĩnh hội hết căn bản và đạt đến độ uyên thâm.

Tháng tám năm 2008, võ sư biểu diễn trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) và được tặng danh hiệu “Kỳ sáo Tài tử với tuyệt chiêu “Bóng trăng Phồn Xương”.

Với màn dạo đầu có vẻ nhẹ nhàng, êm dịu và miên man, võ sư Quân biểu diễn một loạt các thể loại âm nhạc từ cổ chí kim từ Bến Xuân của Văn Cao… đến Bến Thượng Hải của người Trung Hoa, những Giọt Mưa thu (Đặng Thế Phong) rồi Suối Mơ, Thiên Thai (Văn Cao)… bằng một cây sáo trúc nhỏ, khi cao hứng ông Quân tung chưởng đập nát cây sáo trúc trên tay rồi đưa ra một cây sáo sắt kỳ dị mà tiếp tục oai phong, mơ màng, uyển chuyển với từng tiết tấu âm thanh trên đôi môi.

Với các thế tả đột hữu xông, nhanh nhẹn, uyển chuyển và bất ngờ, đôi mắt mơ màng, đăm đắm nhìn xa xăm vào một khoảng không gian, đôi tay lả lướt trên cây kỳ sáo, đôi chân linh hoạt khuya nhẹ những thế tấn… chỉ chưa đầy 10 phút 50 thế võ huyền ảo, thực mà như mơ đã được biểu diễn xong, hay cũng có thể hiểu đối phương đã bị hạ gục rồi đó. Với kiệt tác “Giọt mưa thu” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Trịnh Như Quân như đang hồi tưởng, mơ màng bay bổng…“Ngoài hiên giọt mua thu thánh thót rơi/ Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi/ nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu/ai khóc ai than hờ…”

Võ sư Trịnh Như Quân nói: “Bài võ sáo "Bóng trăng Phồn Xương" gồm 6 thế tấn (tả cảnh), 13 thuật đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu thức cụ thể, chiêu thức cuối cùng là Hợp địch quy nguyên”.

Võ sư Quân không chỉ là người am hiểu võ thuật mà còn là một nghệ sĩ rất tài tử, ông mê mẩn với võ nghệ nhưng cũng đắm đuối với âm nhạc vậy nên ông tự mình chiêm nghiệm và cho ra đời những cây sáo được xếp vào loại có một không hai. Nghe đâu ông Quân về vùng Bắc Ninh yết kiến những lò sư luyện kim loại giỏi nhất, thép để làm sáo phải là một loại thép đặc biệt nung chảy ở nhiệt đồ hàng nghìn độ nên rất chắc khỏe, rồi them nhiều tháng ngày rèn rũa, đục lỗ, chỉnh âm…còn chữ Nho trên cây sáo sắt theo võ sư Quân nói đó là ông đến tận nhà một thầy đồ Nho “uyên thâm kinh sử” là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang ông Trần Văn Lạng mới xin được chữ.

“Những người đã dùng sáo làm vũ khí thì thường thổi sáo cũng rất giỏi và có hồn, có khí phách của đạo võ”, ông Quân nói như vậy. Có lẽ cũng bởi vì thế mà giờ đây ông sở hữu nhiều cây sáo đặc dị (khác thường) mà không đâu có được. Cây sáo thứ nhất có tên tên Giọt mưa thu, dài 1m, nặng 2,8 kg. Cây thứ hai có tên Thiên Thai, dài 1,3m, nặng 3,8 kg. Cây thứ ba có tên Hòn vọng phu, dài 1,6m, nặng 4 kg. Cây thứ tư có tên Thích tiêu tương, dài 1,6m, nặng 4 kg. Cây thứ năm có tên Thăng Long đệ nhất sáo, dài 2,1m, nặng 5,1 kg. Với người bình thường thì chỉ riêng cái việc cầm cây sáo đưa lên môi là đã thấy ê ẩm cơ bắp lắm rồi chứ đừng nói huống hồ là thổi được trọn vẹn bản nhạc có hồn như vậy. Quả là đáng nể ông Quân.


“Qua tiếng sáo có thể đánh giá được nội công, khí lực của người chơi”, võ sư Quân kể như vậy. Nhưng để chơi thành thạo “Bóng trăng Phồn Xương”, một võ sư thực thụ phải có trình độ am hiểu võ thuật, kiếm pháp, biến hóa nhanh nhẹn và sáng tạo trong từng chiêu thức, thế tấn. Không chỉ có vậy, với “Bóng trăng Phồn Xương” người chơi cần nhập tâm cao độ đồng thời cũng phải mơ màng xa xăm, thả hồn trong hư ảo, cứ hư hư, thực thực trong âm thanh tiếng tiêu tương, hòa quyện trong không gian cảnh sắc, võ sĩ ví mình như một nghệ sĩ dạo bước dưới ánh trăng khuya bên gốc cây, bên hồ nước hay giữa núi rừng mà vẫn có thể đả thương, truy kích, hạ gục kẻ địch một cách nhanh chóng và có sức mạnh ghê gớm.

Chỉ với một cây “thiết địch” trên tay võ sư Quân có thể biến hóa vô lường, cao hứng với các tiết tấu, thế tấn, rồi tung hứng đập vỡ tan tành đống gạch ngói trước mặt mà ta mường tượng đó là chiếc thủ cấp của quân thù. Người xem chỉ còn cách trầm trồ thốt lên rằng thật là “bái phục, bái phục”…

Nguyễn Văn Hưởng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm