"Những người bạn" đẩy lùi nhạc hải ngoại

12/03/2011 11:23 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Đầu thập niên 1990, nhóm nhạc sĩ Những người bạn gồm các tên tuổi nổi tiếng: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, và Thanh Tùng xuất hiện. Những tác phẩm của nhóm và của các nhạc sĩ “đồng hành” khác như Bảo Phúc, Vũ Hoàng, Diệp Minh Tuyền… đã có những đóng góp rất quan trọng. Họ đã khơi dậy tình yêu nhạc Việt trong lòng công chúng trong bối cảnh nhạc hải ngoại đang “làm mưa làm gió” trên khắp các sân khấu lúc bấy giờ.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Vào lúc 20h ngày 13/3/2011, trong chương trình Con đường âm nhạc với chủ đề Hai mươi mùa nắng lạ diễn ra tại Sân khấu Lan Anh (TP.HCM) khán giả sẽ có dịp giao lưu với một số nhạc sĩ của nhóm và thưởng thức những ca khúc của nhóm Những người bạn. Chương trình sẽ được trực tiếp truyền hình trên VTV3.

TT&VH có dịp trò chuyện cùng nhạc sĩ Tôn Thất Lập, thành viên của nhóm Những người bạn, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nhạc sĩ VN và là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Âm nhạc TP.HCM.

Những người bạn cùng chí hướng

* Tại sao nhóm chọn ngày 8/3 làm ngày thành lập, thưa anh? Ban đầu nhóm đã có nhiều người như vậy không?

- Ý tưởng thành lập nhóm và tên của nhóm là do tất cả các anh em trong nhóm cùng ngồi lại bàn luận với nhau đưa ra và ngày nhóm ra mắt cũng rất tình cờ - Chủ nhật 8/3/1991 - tại khuôn viên tòa soạn báo Tuổi trẻ. Từ đầu và sau cùng nhóm cũng chỉ có 7 người. Các thành viên trong nhóm cũng là tình cờ chứ không phải là tuyển chọn. Đa số chúng tôi là những người bạn cùng hoạt động với nhau, thân thiết với nhau từ trước năm 1975, hợp nhau về sở thích.

* Ngay từ khi thành lập, nhóm đa xác định rõ mục đích như thành tựu sau này đã chứng tỏ hay chưa?

- Nhóm thành lập với khát vọng có những tác phẩm mới - không phải là tác phẩm mới viết mà là tác phẩm với ngôn ngữ mới, cấu trúc tác phẩm, kỹ thuật mới - trước làn sóng nhạc hải ngoại đang tràn ngập các sân khấu, các tụ điểm ca nhạc.

Nhóm cũng mong muốn tập hợp nhiều ca sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ. Đây là trách nhiệm công dân của người nhạc sĩ trước sự khủng hoảng của nhạc đại chúng Việt Nam. Khó khăn là nhóm phải tự bỏ tiền túi và thiết lập quan hệ với các tổ chức, cá nhân để tổ chức các đêm nhạc. Nhóm không có kinh phí, không có trụ sở, chúng tôi đến với công chúng bằng trái tim yêu âm nhạc.

* Anh có thể cho biết đề tài, tính chất âm nhạc và những tác phẩm của nhóm?

- Đề tài của các tác phẩm là tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương. Bên cạnh đó, nhóm cũng viết cho lứa tuổi học trò, tuổi mới lớn. Tính chất âm nhạc nhóm quan tâm là “nhạc trẻ” (chủ yếu là pop, rock). Có thể nói nhóm chúng tôi là nhóm nhạc đi đầu trong phong trào nhạc trẻ sau giải phóng. Có thể kể vài ca khúc tiêu biểu: Hai mươi mùa nắng lạ, Sóng về đâu (Trịnh Công Sơn), Mưa rơi (Tôn Thất Lập), Xin làm người hát rong (Trần Long Ẩn), Hát với chú ve con, Giọt nắng bên thềm (Thanh Tùng), Quê hương tuổi thơ tôi (Từ Huy), Ngọn lửa trái tim (Nguyễn Ngọc Thiện), Một thời để nhớ (Nguyễn Văn Hiên)...

Góp phần đẩy lùi nhạc hải ngoại

* Anh có thể nói những thành tựu mà nhóm đã làm được?

- Thành tựu lớn nhất đó là việc tổ chức hoạt động đều đặn, có những tác phẩm chinh phục được công chúng và cùng với nhiều nhạc sĩ khác, nhóm đã góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi nhạc hải ngoại. Nhóm có nhiều hoạt động, tiêu biểu là tổ chức sân khấu ca nhạc ở Quán nhạc sĩ tập hợp nhiều nhạc sĩ và ca sĩ, hàng tuần đều có chương trình định kỳ: thứ Hai là chương trình Một thời áo trắng dành cho học sinh sinh viên, thứ Ba và thứ Tư giới thiệu các tác phẩm trong nước, thứ Năm là đêm nhạc Tiền chiến, thứ Sáu là đêm nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt vào thứ Bảy và Chủ nhật là chương trình “Tác giả - Tác phẩm” tôn vinh những nhạc sĩ Việt Nam.

Ngoài những đêm diễn ở Quán Nhạc sĩ (khoảng hàng ngàn đêm diễn), nhóm đã có hàng chục đêm diễn tại sân khấu Nhà Văn hóa Thanh niên và các sân khấu ngoài trời (thu hút khoảng 3.000 khán giả/đêm), 2 đêm diễn ra mắt tại rạp Rex và 1 đêm ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Bên cạnh đó còn có nhiều đêm giao lưu với sinh viên TP.HCM, nhóm cũng lưu diễn tại nhiều nơi như: Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nội... Ngoài ra nhóm đã ra 5 album chung, bên cạnh nhiều album và các tập nhạc của riêng từng thành viên trong nhóm.

* Có phải từ lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, nhóm ngưng hoạt động?

- Từ năm 2001, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công qua đời, nhóm vẫn hoạt động nhưng các hoạt động hòa vào hoạt động xã hội chứ không phải thuần túy của riêng nhóm như trước nữa. Không họp hàng tháng, hàng kỳ nhưng các thành viên còn lại vẫn thường xuyên gặp nhau với vai trò khác, tất cả đều hoạt động trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TP.HCM. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc sáng tác và hỗ trợ cho những nhạc sĩ trẻ. Thời điểm này cũng là giai đoạn huy hoàng của Làn sóng xanh và của nhạc Việt nói chung.

* Nhân 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sắp tới, nhóm có những hoạt động gì để tưởng nhớ một thành viên của nhóm?

- Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có làm nhiều chương trình rồi nên nhóm không làm thêm gì nữa. Bên gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không đặt vấn đề với anh em nên anh em chúng tôi không tham gia.

* Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm