Lập "sổ vàng" cho sách

11/03/2011 11:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Bao năm nay tôi mang sách đi tặng các đối tác cũng như bạn bè đang sống và làm việc tại các nước khác nhau trên thế giới và luôn thấy áy náy. Bởi sách của chúng ta không hề có “Biên mục xuất bản phẩm” CIP (Cataloging in publication) và ISPN (mã số sách quốc tế)”.

Đó là tâm sự của TS “văn hóa đọc” Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi nói chuyện chuyên đề Biên mục trên xuất bản phẩm với sự tham gia của diễn giả John Celli, nguyên GĐ Trung tâm Biên mục xuất bản, Thư viện Quốc hội Mỹ ngày hôm qua, 9/3. Và chuyện bất ngờ đã xảy ra - từ tháng 2/2011, Thái Hà Books đã trở thành 1 trong những doanh nghiệp sách đầu tiên của Việt Nam xuất bản sách chuẩn như “Tây”.

“Sổ vàng” cho sách

Biên mục xuất bản phẩm (CIP) đã tồn tại gần 40 năm nay. Đây là việc làm rất cần thiết giúp các thư viện có thể lưu lại các thông tin cần thiết về từng cuốn sách, bao gồm cả nội dung chính của tác phẩm. Việc có Biên mục xuất bản phẩm cũng giúp các thư viện chọn để mua sách cho thư viện của mình nhanh nhất và đúng nhất. Tại Hoa Kỳ chỉ những nhà xuất bản có xuất bản các ấn phẩm được các thư viện trong nước đặt mua rộng rãi mới đủ điều kiện có Biên mục xuất bản phẩm, và cũng chỉ các sách in trên giấy mới được cấp.




TS Nguyễn Mạnh Hùng

TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Biên mục xuất bản phẩm giúp mở rộng mạng lưới khách hàng tại các thư viện - trung tâm thông tin, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tại Việt Nam, ngoài thư viện Quốc gia, chúng ta có 63 thư viện tỉnh thành, 608 thư viện quận huyện và gần 9.000 thư viện (phòng đọc, tủ sách) làng, xã, gần 9.000 điểm bưu điện văn hóa xã và 9.000 tủ sách pháp luật. Ngoài ra còn có 353 thư viện của trường đại học, 24.686 thư viện của trường phổ thông, 278 thư viện và trung tâm thông tin trực thuộc các viện nghiên cứu, 30 thư viện thuộc các cơ quan Bộ và cơ quan Chính phủ, 2.740 thư viện và phòng đọc quân đội. Biên mục xuất bản phẩm cũng giúp đưa sách của các nhà xuất bản, các công ty sách hội nhập vào thị trường quốc tế. Đây là cơ hội để chúng ta có thể xuất khẩu sách ra nước ngoài.

Ngay tại Mỹ trong suốt 25 năm đầu, mọi việc được tiến hành thủ công bằng các biểu mẫu trên giấy. Trong 12 năm gần đây, tất cả các thủ tục cũng như việc lưu trữ đã được làm trên máy tính và thông qua Internet. Biên mục xuất bản phẩm điện tử đã rất giúp ích cho cả thư viện lẫn nhà xuất bản tiết kiệm tối đa thời gian, phí thư từ và các khoản khác. Cũng ít ai biết rằng chi phí cho Biên mục xuất bản phẩm cho 1 cuốn sách được thực hiện bởi Thư viện Quốc hội Mỹ là 150 USD.

Tích hợp 3 trong 1

Bà Phan Thị Kim Dung, Giám đốc Thư viện Quốc gia cho biết: “Hiện nay đã có 50 nhà xuất bản và 15 nhà sách ủng hộ Biên mục xuất bản phẩm. Bà cũng cho biết thêm, Thư viện Quốc gia đã đề xuất từ năm 1970 tuy nhiên bây giờ mới triển khai được Biên mục xuất bản phẩm. Việc này giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cũng như chuẩn hóa ngành thư viện. Việc cấp Biên mục xuất bản phẩm (và cả mã số sách quốc tế - ISBN) tại Việt Nam hiện nay là hoàn toàn miễn phí.

TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm: “Từ tháng 2/2011 Công ty sách Thái Hà đã chính thức có Biên mục xuất bản phẩm, mã số sách quốc tế ISBN và bản quyền cùng vào sách. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, bởi theo tiến sĩ John Celli, chương trình Biên mục xuất bản phẩm của Thư viện Quốc hội Mỹ cũng không bao gồm ISBN và đăng ký bản quyền. Việc tích hợp 3 trong 1 vừa tiết kiệm, vừa thuận lợi cho cả 3 bên - thư viện, nhà xuất bản và nhà phát hành. Chúng ta đã học và rút kinh nghiệm từ các nước phát triển đi trước để có phương án hoàn thiện và tốt nhất. Để làm được việc này các cơ quan của Việt Nam, nhất là Thư viện Quốc gia và Cục Xuất bản đã rất cố gắng và nỗ lực trong suốt thời gian qua.

TS John Celli chia sẻ: “Sách - di sản văn hóa quốc gia cần được bảo tồn. Chương trình CIP và ISBN góp phần quan trọng trong việc bảo tồn này và tôi tin rằng việc thành lập Thư mục Quốc gia sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thư viện, các nhà xuất bản, các công ty sách, các công ty phát hành sách và bạn đọc”.

Mạnh Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm