Bậc nữ lưu tân tiến của thế kỷ 20

04/03/2011 10:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Để tiến tới Hội thảo khoa học Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử (1881 - 1947), chiều ngày 3/3/2011, Hội Khoa học Lịch sử và Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức Hội nghị thông báo tư liệu về Đạm Phương nữ sử do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trình bày.

Đạm Phương nữ sử tên thật Công Nữ Đồng Canh. Bà sinh năm Tân Tỵ 1881 trong một gia đình hoàng tộc, con Hoằng Hóa Quận công Miên Triện, cháu nội của vua Minh Mạng.

Nhà nữ quyền đầu tiên ở Đông Nam Á

Bà Đạm Phương nữ sử (1881 - 1947)

Sinh ra trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, cai trị, nhưng là con vua cháu chúa nên cả thời niên thiếu Công Tôn Nữ Đồng Canh được dưỡng dục, học hành nghiêm túc cả Hán văn, Pháp văn, Quốc ngữ; được ra vào cung đình học cầm kỳ, thi, họa...

Với vốn am tường kiến thức về các giá trị văn hóa truyền thống, năm 20 tuổi, bà được mời vào dạy cho các công chúa, nữ quan, cung nữ. Bà dạy giỏi và được triều đình phong cho bà chức “nữ sử” nên bà thường ký tên là Đạm Phương nữ sử.

Nhắc đến Đạm Phương nữ sử, người ta thường biết đến bà với tư cách là một nhà thơ, nhà báo, nhà văn - một trong những người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết (tiểu thuyết Kim Tú Cầu). Nhưng cần phải nói thêm rằng, bà còn nổi tiếng hơn trên bình diện là nhà hoạt động xã hội tân tiến thời bấy giờ với việc đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Năm 1926, với sự khuyến khích của nhà yêu nước Phan Bội Châu, bà cho ra đời trường Nữ công học hội mà bà gọi là: “Cái đoàn thể Hội giới của bạn quần thoa, gây cho bạn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình trong cái phạm vi đạo đức tri thức Đông phương và Tây phương hòa hợp với nhau, sau hết là kết một sợi dây đoàn thể để bênh vực quyền lợi cho nhau”.

Đây là một tổ chức hội phụ nữ đầu tiên ở nước ta. Cũng chính nhờ Nữ công học hội, mà những người phụ nữ từ trong chốn buồng the, từ nơi cung cấm, từ trong bếp núc đã bước ra khỏi ngưỡng cửa nhà mình và đã vươn tới hòa nhập cùng xã hội bằng những công việc mà trước đó chỉ nam giới mới được làm.

Tâm huyết với việc nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trong thời đại bấy giờ, bà đã viết hàng loạt bài báo với chủ đề giáo dục phụ nữ, hướng dẫn cách sinh con, nuôi con, cách tổ chức gia đình theo đời sống mới. Trên tờ Trung Bắc Tân văn năm 1926, trong bài Muốn cho nữ lưu biết chức nghiệp, phải có học hội nữ công, bà viết: “Nước mình đàn bà con gái không phải không có óc thông minh, cũng không phải không có tài năng song không biết cách cùng nhau mà mưu sự nghiệp hạnh phúc chung, làm cho sự nghiệp về đường nữ công là cái phận sự của mình, phải nên chăm chút để gây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới mong mở mặt mở mày với người ta”.

Đạm Phương nữ sử xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, nhưng tiếp cận di sản của bà lại cho thấy bà là nhân vật đi trước ở một số lĩnh vực xã hội: người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thông thạo nhiều sinh ngữ như: Hán văn, Pháp văn, Quốc văn... do đó, bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có tầm nhìn ra thế giới, tiếp thu những tinh hoa nhân loại. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, bà là người phụ nữ đầu tiên ở Đông Nam Á đặt vấn đề giải phóng phụ nữ ngay từ đầu thế kỷ 20.

Di sản của một bậc nữ lưu

Theo kế hoạch, Hội thảo khoa học Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6/2011. Hội thảo sẽ là bước tập hợp và thẩm định tư liệu về bà Đạm Phương, đánh giá về tài năng đa diện và những đóng góp của bà trên nhiều lĩnh vực, đồng thời sẽ kiến nghị các cấp, các ngành về việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản do bà để lại. Theo dự kiến, hội thảo sẽ quy tụ khoảng hơn 200 nhà nghiên cứu lịch sử, văn học, văn hóa... trong cả nước tham gia.

Phát biểu tại Hội nghị Thông báo về tư liệu Đạm Phương nữ sử, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (cháu nội của Đạm Phương nữ sử) đã giới thiệu khái quát về bộ tư liệu hội thảo khoa học Đạm Phương nữ sử do gia đình nhà thơ sưu tập gồm: tiểu sử cá nhân, phả ký của gia đình; các bài viết của những người đương thời về những hoạt động của bà; những thành tựu văn chương của bà... Các bài viết của bà trên các báo mà gia đình đã thống kê có 42 bài thơ, 181 bài báo, truyện ngắn, 3 tiểu thuyết, 3 khảo cứu... Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, thành tựu văn chương, báo chí của bà chủ yếu viết dành cho phụ nữ, là lời tâm tình, tâm sự, hướng dẫn phụ nữ trong việc mở mang dân trí, nuôi dạy con cái, giải phóng phụ nữ.

Tiểu thuyết Kim Tú Cầu của bà Đạm Phương nữ sử được in trên Tạp chí Trung Bắc tân văn từ 25/5 đến 21/ 7/1923. Qua đó, nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền khẳng định, bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết.

Kim Tú Cầu kể chuyện nàng Kim Tú Cầu yêu người anh con cô con cậu tên là Ngọc Lan mà không lấy được. Cha mẹ ép gả nàng làm vợ kế quan đề đốc Mổ. Chồng chết, nàng Tú Cầu nhan sắc bị kẻ cướp đuổi bắt, phải trốn vào một ngôi chùa trên núi... Nói về chàng Ngọc Lan sau khi người trong mộng đi lấy chồng đâm ra buồn tủi, rồi quyết chí học hành, thi đỗ cử nhân. Trải qua bao biến cố, khi Ngọc Lan tìm được đến nơi thì Tú Cầu đã bị chết trong rừng sâu. Ngọc Lan đau đớn ngất đi...

Trần Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm