Tiếp tục đầu tư cho di sản và điện ảnh

27/02/2011 13:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Giai đoạn 2006 - 2010, khoảng 3.500 tỷ đồng đã được đầu tư chống xuống cấp, tôn tạo di tích lịch sử và sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ VH, TT&DL tiếp tục đề xuất chi khoảng hơn 11.000 tỷ đồng để thực hiện công việc trên...

1. Tháng 7/2007, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006 - 2010 được Chính phủ phê duyệt với 3 mục tiêu và 9 dự án cụ thể. Tổng nguồn lực được huy động cho chương trình là 4.542 tỷ đồng. Riêng các dự án đầu tư chống xuống cấp, tôn tạo di tích lịch sử và sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện với số kinh phí khoảng 3.500 tỷ đồng.

Đoàn công tác Bộ VH, TT&DL kiểm tra tôn tạo Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Bộ VH-TT&DL

Được biết, theo kết quả giám sát của UB Dân tộc Quốc hội, thì những chỉ tiêu đề ra trong Chương trình này cơ bản đã được hoàn thành. Một số kết quả: các di tích được tu bổ, tôn tạo tổng thể đạt 65%, các di tích được tu bổ cấp thiết đạt 80,1%, các di tích được chống xuống cấp bằng hóa chất đạt 60%, lập hồ sơ văn hóa phi vật thể trình UNESCO công nhận đạt 80%... Riêng với dự án nâng cao năng lực phổ biến phim, mới có 96 máy chiếu 35mm trong tổng số dự kiến 200 máy...

2. Theo đề xuất của Bộ VH,TT&DL, Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 gồm 9 dự án, với kinh phí khoảng 15.400 tỷ đồng, trong đó khoảng 2.700 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Tại Hội nghị Triển khai công tác VH, TT&DL năm 2011 (diễn ra tại Hà Nội ngày 25-26/2), đánh giá về kết quả của năm 2010, Thứ trưởng Lê Tiến Thọ cho biết, bên cạnh những thành công thì tình hình thương mại hóa lễ hội, hát nhép, quảng cáo mạo danh nghệ sĩ và một số những bất cập trong quản lý, tổ chức thi hoa khôi, người đẹp ở trong nước hay tham dự thi sắc đẹp quốc tế... vẫn chưa được xử lý triệt để.

Trọng tâm của Chương trình trong giai đoạn này sẽ vẫn là di sản và điện ảnh.

Được biết, chương trình sẽ tiếp tục đầu tư triển khai các dự án tu bổ di tích quốc gia đang dở dang: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Tháp Mỹ Sơn, đền Hùng...; hỗ trợ các bảo tàng tỉnh, thành phố mua từ 10 - 30 hiện vật/năm... Xác định nhu cầu vốn cho giai đoạn này là 11.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 400 tỷ đồng cũng được đề xuất chi cho các dự án sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc Việt Nam; hoàn thành tổng điều tra và xây dựng bản đồ di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ xây dựng hồ sơ khoa hoạt 3 di sản văn hóa trình UNESCO công nhận là di sản thế giới...

Trong năm 2010, điện ảnh VN sản xuất được 17 bộ phim (hơn gấp đôi so với 2009), và chỉ bằng gần 20% so với số phim nhựa nước ngoài được nhập về chiếu. Tỉ lệ bình quân xem phim nhựa mới đạt 0,7 phim/người/năm. Với dự án hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn tới, nội dung được đề xuất gồm: hỗ trợ xây dựng một số rạp chiếu phim/cấp trang thiết bị hoạt động cho các đội chiếu bóng lưu động/hỗ trợ máy chiếu âm thanh lập thể... với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng.

Một điểm mới của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa 2011- 2015 được đặt ra là đầu tư phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó nâng cấp các rạp hát, hỗ trợ đào tạo diễn viên theo từng loại hình nghệ thuật, xây dựng giáo trình cho hệ thống trường học... Tổng kinh phí dự kiến của hạng mục này lên tới khoảng 800 tỷ đồng.

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm