Lê Thiếu Nhơn: Tôi chờ sự liên tài hơn là sự thỏa hiệp

25/02/2011 10:56 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn lần đầu in sách phê bình văn học mang tên Thi ca nết đất (You books và NXB Thời đại). Sau chưa đầy một tuần phát hành, Thi ca nết đất đã tái bản với số lượng gấp đôi so với đợt in đầu tiên. Có thể nói, đây là hiện tượng khá đặc biệt. TT&VH có cuộc trò chuyện với “nhà phê bình trẻ” Lê Thiếu Nhơn.  

Lê Thiếu Nhơn

* Được biết, Thi ca nết đất in lần đầu chỉ 500 cuốn và tái bản 1.000 cuốn sau chưa đầy một tuần phát hành. Phải chăng tác giả, đơn vị làm sách in 500 cuốn là để thăm dò độc giả và cuộc thăm dò này đã có kết quả tốt?

- Thật sự là cả tôi và You books đều sợ... ế. Ai cũng biết bây giờ thơ phú ít người đọc lắm nhưng không ngờ phê bình thơ lại được quan tâm như vậy. Tôi cho rằng, có lẽ người yêu thơ đang muốn tìm kiếm một cảm giác thẩm mỹ khác về thi ca hiện đại, mà Thi ca nết đất đáp ứng đúng như cầu ấy.  

* Trong 25 gương mặt thơ Việt Nam hiện đại được anh chọn đưa vào sách, xin hỏi anh thích “gương mặt” nào nhất và 25 gương mặt này đã đại diện cho “thơ Việt Nam hiện đại” chưa?

- Tôi thích nhất Lãng Thanh, dù cuộc đời của Lãng Thanh chỉ vỏn vẹn 25 năm. 25 gương mặt nhà thơ mà tôi viết chỉ giống như sự tao ngộ hữu duyên, nhưng qua họ cũng phần nào thấy được diện mạo thi ca Việt Nam thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.  

* Riêng cá nhân tôi rất thích bài viết "Xa khuất thần đồng thơ Việt" in ở cuối sách. Nếu hiểu thần đồng giống như những tài năng trẻ, thì 25 gương mặt trong Thi ca nết đất không ai còn trẻ nữa. Anh có dự cảm nào về những tài năng thơ sắp xuất hiện ở ta?

- Nếu đời sống thi ca chấm dứt tình trạng tung hô bè cánh và ban phát giải thưởng thì tài năng thơ sẽ xuất hiện.

* Anh viết: “Phê bình thơ không hoàn toàn mang tính khen chê, lắm lúc cũng va chạm thẩm mỹ và lắm lúc cũng tương tác ưu tư...”. Hiểu theo nghĩa nào đó, viết phê bình lấy thẩm mỹ làm chuẩn không hẳn là không bị “tai nạn”?

 

- Tất nhiên, tôi gặp nhiều rắc rối đấy chứ, nhưng tôi chờ sự liên tài hơn là sự thỏa hiệp. (Cười).

* Anh 2 lần nhận tặng thưởng thơ của Hội Nhà văn TP.HCM với tập "Trong bóng người xưa" (2007) và "Bản tường trình giấc mơ đi vắng" (2010). Nếu 2 tập thơ này được chính anh phê bình, anh sẽ đánh giá thế nào?

- Cả 2 lần trao giải cho tôi, 2 Ban chấp hành khác nhau của Hội Nhà văn T.PHCM đều gặp nhau ở đánh giá: trăn trở thế sự và ưu tư thời cuộc. Chính tôi khi viết cũng luôn tự nhắc mình, nhà thơ không có quyền than mây khóc gió trong thời đại này nữa, hãy góp một tiếng nói dẫu nhỏ nhoi và yếu ớt cho sự tiến bộ xã hội!

* Có thể nói anh là ủy viên trẻ nhất của Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học Hội Nhà văn TP.HCM từ xưa đến nay, theo anh điều đó mang đến tín hiệu gì cho đời sống văn học hiện thời? 

- Ít nhất là chứng minh được giới trẻ không hẳn toàn là những kẻ nhăng nhố khiến các bậc lão niên bất an. 

* Xin cảm ơn! 

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa  

“Lê Thiếu Nhơn là cây bút sung sức. Anh viết nhiều thể loại. Khá nhất vẫn là thơ và tiểu luận phê bình. Trong đó, tiểu luận phê bình lại nổi trội hơn cả.

Là người sáng tác, anh có cái tinh của người trong nghề. Nhiều ý kiến sắc sảo, có tính phát hiện, rất thú vị, nhưng cũng dễ gây sốc đối với những ai chỉ quen nghe một chiều. Cũng không ít nhận định của anh gợi ta muốn nghĩ tiếp, muốn bàn lại, hoặc tranh luận với anh. Như thế mới vui và có tính học thuật. Có điều anh nói đúng. Cũng có điều chưa hẳn đã đúng, nhưng dẫu sao, anh cũng đã cho ta một cách nhìn khác, một cách nghĩ khác, một cách nói khác về những vấn đề tưởng như đã quen thuộc. Đó chính là phần đóng góp đáng quý nhất của anh trong đời sống văn học hiện nay”.

Hoàng Nhân (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm