Thầy Hoàng Ngọc Hiến: Nhắm mắt, nghe sâu...

27/01/2011 13:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - 12 giờ trưa 26/1. Căn hộ 69 trống thênh giữa dãy tập thể Đại học Văn hóa. Bà Phạm Tố Nga - phu nhân nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, mắt sưng đỏ, tay phải chống gậy, cô cháu họ dìu sang nhà ông tổ trưởng sát cạnh. Tôi một mình tìm bóng dáng Hoàng Ngọc Hiến trong nhà riêng của ông.

1. Có cảm giác ông chủ nhà chỉ đi vắng đâu đó. Cuốn thơ - hồi ký Sau mưa thôi nã đạn có lời đề tặng của nhà thơ Mỹ Bruce Weigl đúng hôm ra mắt tối 16/12, đang đọc dở. Bức chân dung màu dầu Đinh Quang Tỉnh vẽ tặng sinh nhật 80. Ngay lối lên cầu thang (phòng ông Hiến ở tầng 2), chiếc đồng hồ Timax treo tường chạy nhanh 2 tiếng, cả nhà đều biết, nhưng không sửa. Không một lần nói về cái chết, nỗi sợ tuổi già và bệnh tật, Hoàng Ngọc Hiến luôn cần thời gian làm việc, bất chấp mọi gian nan từng thử thách những năm lận đận.

Coi tôi như đứa cháu chân tình, bà Tố Nga tiếp tôi gian trong. Bà ngủ trên tràng kỷ, dưới chân là cái bàn đặt TV Sony cũ. Bà nghẹn ngào kể về người bạn đời 45 năm. Quê gốc Đức Thọ, Hà Tĩnh, sinh và lớn lên tại thành Nam, Hoàng Ngọc Hiến có cha - thầy giáo Hoàng Du dạy thành chung (từng dạy Nguyễn Cơ Thạch - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nhà báo Hồng Hà - nguyên trưởng Ban đối ngoại Trung ương). Ngay lúc 6 tuổi, cậu bé Hiến đã được mẹ mời thầy về dạy piano và tiếng Anh.

Vợ chồng thầy Hoàng Ngọc Hiến và học trò Văn Giá trong buổi
kỷ niệm sinh nhật 80 tuổi. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Từng là giáo viên Văn cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh, học trò tiêu biểu có GS Toán Phan Đình Diệu), khu 4, cấp 3 Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên), trợ lý của GS Triết học Trần Đức Thảo rồi dạy ĐHTH Hà Nội, ĐHSP Vinh, ĐH Văn hóa, thầy Hiến có cả “binh đoàn” học trò thành đạt. Dân gian coi nghề giáo là “bán cháo phổi”, thầy Hiến lại hen kinh niên. Cống hiến đa dạng của thầy như dòng sông lớn với nhiều chi lưu mạnh mẽ, chủ lưu là đào tạo. Lưu tốc “dòng sông” Hiến giảm do sức khỏe, nhưng phù sa không ngừng. Sức ảnh hưởng của ông có quyền thiêng, một thứ uy của bộ não tầm cỡ khiến nhiều người không được học trực tiếp vẫn biết ơn một mực. Đáng kể nhất, ông thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du và trực tiếp đào tạo 5 khóa, góp phần gây dựng đội ngũ ưu tú của văn chương VN đương đại với nhiều tên tuổi.

TS Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21/7/1931 tại Nam Định. Từ trần lúc 23h07 ngày 24/1/2011 tại Bệnh viện Hữu Nghị. Tang lễ cử hành từ 12h30 đến 14h, thứ Sáu 28/1 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

2. Rổ thuốc trên bàn ăn còn hộp Renozax đang uống dở, ông Hiến xem TV rồi tự mua về dùng vì tin là chỉ đau dạ dày. Phải chi 6 tháng trước, ông chụp citi ổ bụng, kịp phát hiện...

“Tôi không sợ chết, chỉ lo cho những người thân”, bà Nga kiên cường nói, nước mắt chứa chan. Khi bà bỏ mũ len xuống, tôi thấy mái tóc mỏng đã bạc gần hết, rụng đầy lòng mũ. Phát hiện mình có hạch, bà rút tiền tiết kiệm, đi mổ ung thư vú ở BV Thanh Nhàn, không muốn làm rối chồng con. Thực quản bà bỏng rát vì xạ trị liên tục 25 ngày thì chồng lại bạo bệnh. Những ngày ông nằm viện, bà chống gậy ngồi trông. Ông mất, bà không thiết ăn uống. Mỗi khi có ai gọi đến chia buồn, lại khóc.

Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh đến thăm, động viên và đưa 4 triệu tiền túi chia sẻ với bà Tố Nga. GS Nguyễn Đăng Mạnh để hai người xốc nách đến thăm bạn cùng tuổi. Sau Nguyễn Khải, Cao Xuân Hạo, Hoàng Ngọc Hiến tuổi Canh Ngọ ra đi. Bao người cùng cầu nguyện.

“Bố sợ không đủ thời gian làm những việc định làm” - Hoàng Ngọc Hiến nói với các con khi bắt đầu đau, đầu hè năm ngoái.

3. TS Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Lý luận, Phê bình Văn học (Trường Viết văn Nguyễn Du cũ nay thuộc Đại học Văn hóa) là người gần gũi với thầy nhất, kể từ tháng 11/2006, khi anh về đây, tiếp tục con đường đào tạo - duyên nợ văn chương của thầy Hiến. TS Văn Giá tâm sự: “Những năm gần đây, ngoài một số cuộc nói chuyện, thầy Hiến chỉ ưu tiên dạy cho khoa tôi với chế độ ưu tiên đặc biệt: lịch học căn cứ vào sức khỏe của thầy. Mỗi năm 60 tiết cho 2 chuyên đề: Phân tâm học và ứng dụng trong sáng tạo (truyền bá học thuyết), Minh triết và minh triết Việt (do thầy lập ra).

Hoàng Ngọc Hiến là người thầy cao tuổi nhất đứng trên bục giảng, biết tin có giờ thầy Hiến, giáo viên toàn khoa và một số nhà văn, nhà nghiên cứu đến nghe. Thạo tiếng Nga, Anh, Pháp, Hoàng Ngọc Hiến tri thức dồi dào vạm vỡ, ở nhiều mảng: dịch, nghiên cứu, phê bình. Ông luôn cập nhật, tư duy mới, duy tân và thích sự hiện đại (modern) theo nghĩa rộng, từ lối sống tới phong cách, nghệ thuật lẫn trong đời. Các phạm trù văn hóa Trung cổ (A.JS.Gurevic) và nhiều cuốn nghiên cứu triết học của Fransois Julien đã được ông dịch: Xác lập cơ sở cho đạo đức, Bàn về tính hiệu quả (NXB Đà Nẵng). Khi F.Julien đến Việt Nam, đích thân Hoàng Ngọc Hiến làm thông dịch cho các cuộc thuyết trình, nói chuyện của nhà triết học Pháp này. Hai năm qua, ông lập Trung tâm Minh triết Việt, cùng Nguyễn Khắc Mai, Chu Hảo, Lê Thấu, tự nguyện hoạt động phi lợi nhuận. Cuốn Minh triết Việt, là đề tài lớn do ông sáng lập và chủ thuyết, tập trung nghiên cứu nhiều năm, sẽ ra đời tháng 2/2011.

4. Văn Giá đã tập hợp nhiều bài viết về thầy Hiến, định in sách dịp sinh nhật, rồi lại hoãn, chờ thêm một số bài, ảnh để món quà tặng thầy thật xứng tầm. Giờ thì không kịp nữa, anh sẽ cùng nhà văn Tạ Duy Anh làm tập sách này kịp xong trước 100 ngày mất.

Lại nhớ Hoàng Ngọc Hiến có thói quen, khi tập trung nghe ai nói gì, sẽ nhắm mắt lại. Có người tưởng ông ngủ gật. Đừng nhầm, ông nghe sâu, nghe hết.

Văn Giá ước mong thầy chớp mắt, đôi mắt có hồn. Nhưng Hoàng Ngọc Hiến đã vào giấc vô cùng. Ngày mai, bên linh cữu ông, sẽ có rất đông người tiếc thương, lưu luyến. Trong sự im lặng, ông nhắm mắt, nghe sâu tất cả, nghe một lần nữa vang động những âm thanh cuộc sống, nghe cả tiếng kim đồng hồ của nhà luôn chạy nhanh 2 tiếng, nghe những con chữ, những giọt nước mắt vì ông. Để lại bắt đầu, như tên ông một hành trình mới của linh hồn sáng...

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm