Người trăm năm của đất nghìn năm

07/12/2010 14:08 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Có những người ta có dịp nghe tên, biết tiếng, nhưng không có dịp hạnh ngộ trong đời, phải đợi có một dịp nào đó ta mới được biết rõ và hiểu sâu về họ. Hiểu để mà cảm phục và kính yêu. Hiểu để nhìn lại mình và ngẫm một nhân cách sống ở đời. Trường hợp kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (1910 - 1989) đối với tôi là như vậy.


KTS Tạ Mỹ Duật

1. Nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông, hôm nay, 7/12/2010, kiến trúc sư (KTS) Tạ Mỹ Dương con trai ông đã làm một cuốn sách của cha, cho cha, dâng lên cha, mang tên Dấu ấn thời gian. Tên sách mang rất đậm phong vị kiến trúc. Nhưng trước hết dấu ấn thời gian ở đây là dấu vết một con người, hình bóng một con người đã in lên cuộc sống tám phần mười thế kỷ 20, đã đi trọn con đường trần gian cùng đất nước, nhân dân trọn một thời kỳ lịch sử bão táp hào hùng.

Cùng với ra sách, KTS Tạ Mỹ Dương còn dựng cả một không gian kỷ niệm KTS Tạ Mỹ Duật tại ngôi nhà số 10 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội) nơi sinh thời ông sống và làm việc.

Tạ Mỹ Duật sinh ngày 7/12/1910, quê Hưng Yên. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa VII (1932-1937). Tháng 8/1945 ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm việc ở Việt Bắc, là một trong 8 kỹ sư sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (tiền thân của Hội Kiến trúc sư ngày nay). Ông từng giữ các chức vụ lãnh đạo của ngành xây dựng, quy hoạch Hà Nội từ 1962 - 1975, được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa III. Ngày 18/1/1989 ông mất tại Hà Nội.

Những dòng tiểu sử này chỉ mới cho biết đã có một con người như vậy sinh ra và sống ở đời này. Nhưng con người đó đã sống như thế nào, đã lưu dấu khoảng không-thời gian tồn tại của mình trong cõi nhân sinh, vũ trụ ra sao thì lại phải tìm đến và tìm về những công việc người đó đã làm trong cuộc sống.

Với Tạ Mỹ Duật thì phải nói đến những công trình kiến trúc tọa lạc trên mặt đất từ những bản vẽ thiết kế của ông lưu lại một không gian sinh tồn cho người ở và thành phố sống. Đó là những biệt thự kiểu châu Âu như số 67 Nguyễn Du (1945), số 28 Hàng Chuối (1939), số 25 Hùng Vương (1938), là biệt thự theo phong cách kiến trúc Đông Dương ở số 27 Nguyễn Đình Chiểu (1942). Còn nữa, những công trình từ con mắt, khối óc và trái tim của Tạ Mỹ Duật phục vụ cho đời sống dân sinh của cán bộ và nhân dân. Và còn đó, bộ hồ sơ kiến trúc nhà ở nông thôn gồm 50 phương án lớn nhỏ còn lưu lại trong di sản của ông.  


Cuốn Dấu ấn thời gian ra mắt nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh KTS Tạ Mỹ Duật

2.
Kiến trúc là tạo không gian người. Kiến trúc sư là người làm không gian sống. Tạ Mỹ Duật từ những ngày đầu theo học và thực hành cái nghề kết hợp khoa học và nghệ thuật này đã hướng tới một triết lý kiến trúc nhân sinh cho người đời, vì người đời. “Không nên có những kiến trúc biểu hiện tư tưởng hình thức”, ông đã nói vậy khi bàn về sự chân thực trong xây dựng ở nông thôn. Phương châm cốt lõi của ông là: “Kiến trúc bao giờ cũng hướng về thực tiễn, về cái có ích đối với đời sống xã hội, nó chống lại sự trang hoàng có tính chất phô trương. Cái hiện đại chính là cái đơn giản một cách nhuần nhị phản ánh được đặc trưng của một thời đại”.


Tư tưởng của ông càng có giá trị khi nhìn vào bức tranh kiến trúc và xây dựng nhiều phần loang lổ hiện nay trên các đô thị nước ta. Từ đây đọc lại những dòng ông viết cho Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi từ Tết Bính Dần 1986 ta càng thấy đồng vọng cùng ông về những trăn trở cho một thủ đô có vẻ đẹp của thiên nhiên và chiều sâu của lịch sử làm sao phải giữ được hài hòa, trọn vẹn.

Tạ Mỹ Duật đi xa đã hơn 20 năm. Các công trình kiến trúc của ông còn lại với thời gian. Nhưng dấu ấn ông để lại cho đời không chỉ ở gạch đá mà còn ở những bức ký họa, những bức tranh vẽ trên những nẻo đường ông đã bước đi, ở những bài viết chuyên môn, nhất là ở những ghi chép tâm tình có tính chất hồi ký và cả ở những câu chuyện rất đời của ông. Người con của ông nối nghiệp cha đã thấu hiểu và đồng cảm với ông trong đời, trong nghiệp.

Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội nhớ một người đã góp phần làm đẹp đất Long thành sinh từ 100 năm trước: Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật.

Phạm Xuân Nguyên (nhà phê bình)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm