Khó hiểu như... "Cánh đồng bất tận"

30/10/2010 07:14 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Tôi đi xem phim này với tư thế chẳng khác gì khán giả ở Busan, nơi CĐBT ra mắt quốc tế với không ít kỳ vọng – nghĩa là chưa từng đọc truyện ngắn CĐBT trước đó, không có gì để liên hệ, để so sánh, tất cả chỉ trông vào những gì thể hiện trên màn ảnh để hiểu và để cảm. Và cảm giác ấy là… thấy CĐBT rất khó hiểu.

>> Chuyên đề: "Hiện tượng" Cánh đồng bất tận

Bất ngờ và bỗng dưng

Phim có 4 người trên bối cảnh chính là 1 chiếc ghe, nhưng người xem lại mất phương hướng từ đầu vì không biết bộ phim tập trung vào nhân vật nào, 1, 2 hay là cả 4? Từ đầu thì tưởng mối quan hệ lệch pha giữa cô gái điếm Sương (Đỗ Hải Yến) và thằng cu Điền (Võ Thanh Hòa) sẽ là chính. Ngay sau đó Nương (Lan Ngọc) bỗng nổi bật lên như người cầm chịch bộ phim… rồi bỗng nhiên đến giữa phim lại chuyển hướng sang bi kịch của ông bố Út Võ (Dustin Nguyễn).

Câu chuyện của 4 nhân vật rời rạc, và đạo diễn dường như bất lực trong việc tìm cách đưa bộ phim vào đúng quỹ đạo của mạch chuyện chính, khiến người xem có cảm giác… phải “lê lết” suốt 2/3 độ dài của phim: rề rà và chậm đến sốt ruột, cứ bơi mãi không biết đâu là bờ! Khốc liệt, dữ dội đâu chẳng thấy, chỉ thấy các nhân vật diễn tả sự nghiệt ngã đau thương của đời họ thông qua lời thoại, mà lẽ ra đó phải là những hình ảnh đầy cảm xúc.

Mấu chốt quan trọng nhất khi xem phim mà khán giả cảm nhận được là lòng hận thù đàn bà một cách cố chấp của Út Võ, đã đè nặng lên cuộc đời của con cái. Nhưng căn nguyên của bi kịch ấy chỉ được minh họa sơ sài bằng vài cảnh hồi tưởng. Cao trào của sự khốc liệt thì “bỗng dưng sinh ra” từ mấy tên giang hồ sông nước chờ đến gần hết phim mới xuất hiện?... Bấy nhiêu đó không  đủ sức nặng để dẫn dắt khán giả xem phim nếu họ chưa đọc truyện.

Tiếc cho... đàn vịt

Đang quay cuồng với chủ đề phụ nữ: vợ, con gái, gái điếm, bà chủ quán…, bỗng nhiên đàn vịt xuất hiện! Thì ra đến 2/3 phim người xem mới biết gia đình của Út Võ sống bằng nghề thả vịt kiếm ăn trên sông. Ngoài một cảnh đầu phim có thấy lùa vịt, còn đâu chỉ toàn thấy họ rong ruổi trên sông nước qua hết cánh đồng này đến cánh đồng khác mà chẳng biết nghề ngỗng của họ là gì. Những lúc như thế thì đàn vịt đi đâu?

Có cảm giác bộ phim được chia làm 2 phần: 2/3 đầu là chuyện phụ nữ, 1/3 còn lại là chuyện đàn vịt. Mọi gay cấn và cao trào của bộ phim đều xuất phát từ khi đàn vịt xuất hiện. Vịt là lẽ sống, là chuyện sinh tử của cả gia đình, là đầu dây mối nhợ cho bi kịch, vậy mà suốt 2/3 phim, con vịt chẳng có vai trò gì bỗng nhiên phút cuối trở thành ngôi sao!

Khán giả ở Busan và nước ngoài làm sao hiểu nổi tầm quan trọng sinh tử của đàn vịt đối với người dân nghèo ở Việt Nam. Từ đầu đạo diễn đã bỏ qua mối quan hệ giữa người nông dân và đàn vịt, khiến người xem ngộ nhận trước hành vi chính quyền tước đi nguồn sống của dân nghèo, qua việc xử lý mô tả quá chi tiết cảnh những người thực thi việc tiêu hủy đàn gia cầm – nhằm ngăn chặn đại dịch cúm gà – như những tay đao phủ!  

Làm phim chứ không... làm ảnh

Quay những cảnh đẹp là dễ nhất khi làm một bộ phim. Đa số khán giả và các bài báo bình luận CĐBT đều khen phim đẹp. Nhưng trong điện ảnh cảnh đẹp sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không ăn nhập đến nội dung phim. Cảnh đẹp nhiều khi chỉ để đỡ cho những bộ phim có kịch bản yếu kém, hoặc khi đạo diễn không biết phải làm gì để xoay xở với bộ phim, nên mới phải chú ý trau chuốt phần hình ảnh nhằm “che mắt” khán giả không để ý đến chuyện phim.

Khán giả tại các LHP quốc tế chẳng lạ gì những bộ phim chỉ chăm chăm quay những hình ảnh đẹp đặc thù của bản xứ, mà xem nhẹ nội dung phim. Những phim tầm cỡ… “du lịch” như thế không bao giờ có cơ may đoạt giải, bởi một tấm ảnh, một bài nhạc, một bộ phim tài liệu làm việc này tốt hơn! Phim CĐBT cũng không thoát khỏi lối tư duy… ảnh đẹp. Xem phim có cảm giác chuyện đi một nơi, hình đi một nẻo, cảnh sắc được tô điểm quá rực rỡ, tạo cảm giác giả so với những cảnh đời cơ cực cố gắng làm rất thật trên màn ảnh. Đáng nói nhất là cái kết tô hồng vội vã làm chưng hửng người xem, có thể xem là yếu tố quyết định làm “tầm thường” hóa bộ phim!

Mới... Đè bẹp cũ

Ba tên tuổi nổi tiếng: Đỗ Hải Yến, Dustin Nguyễn và Tăng Thanh Hà đều được đạo diễn NPQB nâng niu như những con át chủ bài quan trọng của phim. Họ được mời đến LHP Busan, có mặt hàng đầu trong tất cả kế hoạch PR, thu hút được sự chú ý của giới truyền thông… nhưng khi phim công chiếu, đó lại là 3 cái tên mờ nhạt nhất.

Tăng Thanh Hà vào vai vợ Út Võ dường như chỉ có một ưu điểm là gương mặt cô khá giống Lan Ngọc, vai cô con gái. Tuy đây là vai nhỏ xuất hiện ít, nhưng lại là điểm mấu chốt của bộ phim. Cô vẫn giữ nụ cười trẻ con và gương mặt tươi tắn theo kiểu “Bỗng dưng muốn khóc”, chẳng có tí gì là phù hợp với một bà mẹ 2 con, với nhiều toan tính bất nhẫn như nhân vật trong phim.

Ngoại hình thô kệch võ biền, gương mặt lầm lì vô cảm… khiến vai Út Võ rất hợp với Dustin Nguyễn. Nhưng với vai này, việc thể hiện diễn xuất nội tâm phức tạp dường như  vẫn là một điều quá sức đối với anh. Điều vô cùng khó hiểu là một người đầy kinh nghiệm đến từ Hollywood như anh, lại chấp nhận để cho người khác lồng tiếng vai của mình, khiến hiệu quả của vai diễn càng giảm sút.

Đỗ Hải Yến gây thất vọng nhất khi không phù hợp với vai diễn gái điếm miệt vườn. Dù đạo diễn đã cố gắng sửa vai, sửa thoại để cô chuyển “địa bàn” từ thành thị đến nông thôn, nhưng ngoại hình mảnh mai điệu đàng, với da mặt căng bóng khiến diễn xuất của cô không thể thuyết phục được người xem. Cô bị “hụt hơi” trong những cảnh phải thể hiện diễn xuất nội tâm, chưa kể giọng Bắc của cô gây khó chịu cho người xem khi phải nói những thổ ngữ địa phương như: “cưng”, “quá trời”…

Chính vì vậy, sự tươi mới trong diễn xuất của 2 cái tên vô danh Võ Thanh Hòa và Lan Ngọc đã chiếm hoàn toàn tình cảm của người xem, cũng là điều dễ hiểu. Võ Thanh Hòa diễn tròn vai, Lan Ngọc gây ngạc nhiên lớn và nổi trội hơn cả.

Vĩ thanh

Điều “lăn tăn” của tôi khi xem xong phim CĐBT là lập tức đặt dấu hỏi đến tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư. Không lẽ truyện ngắn làm dậy sóng văn đàn Việt Nam cách đây mấy năm, một tác phẩm từng được trao tặng giải thưởng văn học Đông Nam Á, lại… nhẹ hều và tầm thường như những gì vừa xem trên phim? Khốc liệt, dữ dội, bạo liệt, day dứt, đau đớn, cuồng nộ… những thứ từng khắc sâu trong tim độc giả cả nước, giờ biến đâu mất hết rồi… trong khi mọi người đều nói bộ phim gần như trung thành với tác phẩm văn học (chỉ thay đổi chút ít)?!

CĐBT đặt mục tiêu từ đầu là các LHP quốc tế, việc thành bại ở trong nước là không tính đến. Nhưng thành công bất ngờ về doanh thu của bộ phim đã khiến CĐBT trở thành hiện tượng “ngựa về ngược” rất thú vị. Thiết nghĩ đó mới là phần thưởng lớn nhất, đủ sức bù đắp sự thất vọng của các nhà làm phim trên trường quốc tế. Lâu lắm rồi mới có một bộ phim tạo được nhiều dư luận trái chiều như CĐBT, chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông và khán giả. Tốt hay xấu, hay hoặc dở – những ai bỏ tiền mua vé sẽ là người quyết định. Điều đó có lợi cho bộ phim và sự phát triển của điện ảnh.

Năm 2006 trên văn đàn đã nổ ra cuộc tranh luận “bất tận” liên quan tới tác phẩm Cánh đồng bất tận (CĐBT) và quyết định “kiểm điểm” nhà văn Nguyễn Ngọc Tư của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau. 4 năm sau, cũng CĐBT, nhưng là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, vừa ra mắt hôm 22/10 đã gây tranh luận “bất tận” trên các diễn đàn điện ảnh. TT&VH Cuối tuần xin dành toàn bộ chuyên mục Sự kiện & Đối thoại tuần này để thử nhìn hiện tượng CĐBT trên màn ảnh với những góc khác nhau : Một khán giả điện ảnh thuần khiết – người chưa hề đọc truyện CĐBT trước đó ; Một khán giả-độc giả - người xem phim cùng với những ký ức truyện ; và đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình trước những ý kiến trái ngược về bộ phim.


B.Nguyễn

Đón đọc: "Cánh đồng bất tận" + & -

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm