LHP Quốc tế Việt Nam: "Đóng" LHP - "mở" ra điều gì?

23/10/2010 14:14 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - 5 ngày với các hoạt động dày đặc, LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất (VNIFF) để lại nhiều dư âm. Những dư âm đó dù khiến người ta vui hay buồn thì cũng là bài học thực tế để BTC có thêm kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau.

>> Chuyên đề: Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam

So với những gì được công bố trong cuộc họp báo diễn ra trước đó gần một tháng thì về cơ bản, lịch trình, các hoạt động, số lượng phim dự thi, thành phần tham dự… của VNIFF gần như không có nhiều xáo trộn. Chỉ có sự kiện hội chợ phim được lên kế hoạch từ đầu nhưng giờ cuối bị dẹp bỏ do BTC không đủ thời gian chuẩn bị. Vậy là trọn 5 ngày (từ 17 đến 21/10) đầy ắp các hoạt động phim ảnh, theo đúng những gì mà một LHP quốc tế thường thực hiện đã được “đóng gói” và giờ đây vấn đề chỉ còn là người ta sẽ “mở” nó ra thế nào.


Ảnh chụp lúc 11h ngày 17/10 ngay trước thảm đỏ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia
Gần một năm vẫn là chưa đủ để chuẩn bị cho một LHP quốc tế vì sự cập rập luôn thể hiện rõ. Đến chiều muộn ngày 16/10, khi sáng ngày hôm sau các sự kiện khai mạc bắt đầu diễn ra, cánh báo chí còn phải tập trung ở Nhà hát Lớn để chờ phát thẻ tác nghiệp, và thời gian chờ là… hơn 4 tiếng đồng hồ. Một tuần trước đó, BHD, đơn vị phối hợp tổ chức VNIFF vẫn nuôi hi vọng về một nhà tài trợ chính theo gói mời tài trợ 7,5 tỷ đồng bất ngờ xuất hiện (và cuối cùng là… không có).

Sự kiện mở màn LHP đáng ra phải là sự kiện hấp dẫn nhất nhưng ở VNIFF, đó lại là sự kiện gây hụt hẫng nhất. Chưa bao giờ điện ảnh Việt Nam đón nhiều ngôi sao trong nước và quốc tế đến thế. Thảm đỏ cũng thuộc hàng dài nhất từ trước đến nay. Nhưng không gian của thảm đỏ được bố trí ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, một nơi không chỉ xa trung tâm thành phố mà sự an toàn còn được đặt ở mức cao hơn cần thiết cho một sự kiện văn hóa như LHP. Do vậy, dù địa điểm sang trọng nhưng khó mà đông vui khi ai bước vào cổng cũng phải trình thẻ, thư mời trước một dàn cảnh vệ găng tay trắng toát, vào đến khu vực thảm đỏ, ai xách túi thì phải để túi chạy qua máy quét an ninh. Bởi vậy, chẳng có công chúng mến mộ điện ảnh thứ thiệt nào “bén mảng” được tới gần các ngôi sao, cảnh hò reo đón ngôi sao là cảnh diễn, fan hâm mộ là fan giả. Lễ khai mạc diễn ra vỏn vẹn trong 1 tiếng đồng hồ nhưng cũng không suôn sẻ. Suốt gần 40 phút, tất cả quan khách, ngôi sao có mặt trong khán phòng phải chứng kiến màn “truyền hình trực tiếp” phát lại những hình ảnh lèo tèo và nhốn nháo trên thảm đỏ đã ghi trước đó cả tiếng đồng hồ. Chỉ có 2 tiết mục văn nghệ xen giữa phần giới thiệu và phát biểu nhưng 2 tiết mục đó lại cho khán giả cảm giác như đang xem hội diễn của... Hội nghệ sĩ Múa. Nhưng điều đó cũng không tệ bằng việc ngay khi chương trình Chiếu phim khai mạc (Opening Film) với bộ phim Arthurvà cuộc chiến của hai thế giới bắt đầu, bỗng nhiên cả ngàn người rào rào đứng lên ra về. Khi phim chiếu được 30 phút, trong khán phòng mênh mông 4.000 chỗ ngồi của Trung tâm Hội nghị Quốc gia chỉ còn lại... 5, 6 khán giả! Khó ai có thể ngờ có một ngày không gian rộng lớn ấy biến thành rạp chiếu phim phục vụ LHP quốc tế và rơi vào cảnh đìu hiu chợ chiều như vậy. Bộ phim của Luc Besson, người từng đạo diễn và biên kịch The Fith Elemnet, Transformer 2, The Taken… có chất lượng khá (trên IMDB, phim này đang được chấm với số điểm 6,8/10). Xưa nay, Opening Film của bất kỳ LHP nào luôn là bộ phim đáng chú ý và việc chiếu phim đó được coi là sự kiện và khán giả dự LHP sẽ không bỏ lỡ dịp thưởng thức. Vậy mà… Có nhiều lý do để giải thích cho điều này. Có thể khán giả ngỡ ngàng vì phim chiếu khai mạc không phải là Cánh đồng bất tận như kế hoạch ban đầu mà lại là một bộ phim nước ngoài lạ lẫm. Có thể do giờ chiếu phim khá muộn (hơn 9h tối), sau khi khán giả đã hụt hẫng về màn khai mạc rất tệ trước đó... Thế nhưng, giải thích sao đây khi trong chính lễ khai mạc LHP này, BTC, các MC và các nghệ sĩ điện ảnh liên tục nhắc đến “tình yêu thiêng liêng dành cho nghệ thuật thứ bảy” và cuối cùng, chẳng ai thèm xem phim khai mạc? Và nếu ở lại, họ sẽ chứng kiến thêm “thảm cảnh” mới đó là chất lượng kỹ thuật rất kém của bộ phim: tiếng xoẹt xoẹt thỉnh thoảng phát ra, mất hình, mất phần lời dịch, phim vừa hết đã bị tắt phụt - giống như lúc chiếu trailer về LHP, bị cắt nửa chừng…


Sự kiện thảm đỏ lần thứ hai ở quảng trường Nhà hát Lớn đã rất đông vui và
đầy đủ ý nghĩa khi thu hút được sự quan tâm của công-chúng-thật. (Ảnh: V.A)
Sự kiện thảm đỏ lần thứ hai diễn ra vào chiều 19/10 ở quảng trường Nhà hát Lớn lại suôn sẻ, đông vui và trang trọng hơn dù không có truyền hình trực tiếp và dù diễn ra vào giờ hành chính (3h chiều). Điều này khẳng định rằng chọn địa điểm để tổ chức sự kiện là một việc tối quan trọng, sự kiện thảm đỏ đêm mở màn LHP biết đâu sẽ không gây hụt hẫng cho khán giả nếu được tổ chức ở một nơi như Nhà hát Lớn?

Chương trình chiếu phim tại 3 cụm rạp phục vụ LHP được tổ chức khá chu đáo, lịch sự tuy nhiên khách mua vé, đăng ký xem phim có khi kín rạp nhưng số người xem thực tế chỉ dao động từ 2 đến khoảng 20, 30 người/ rạp/ phim và chủ yếu là người trong nghề, báo chí. Bộ phim có lượng người xem đông đột biến có lẽ là Trung úy(đạo diễn Hà Sơn, nằm trong hạng mục phim truyện tranh giải, là đại diện của VN cùng Long thành cầm giả ca). Chỉ phục vụ một suất chiếu duy nhất lúc 20h30 ngày 18/10 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và cũng là suất chiếu chính thức đầu tiên tại rạp sau khoảng thời gian dài gây tò mò về chuyện cảnh “nóng”, về khả năng ra rạp, nên không khó để giải thích tại sao đến cả diễn viên chính trong phim (Quách An An) muốn xem phim của chính mình đóng cũng phải chấp nhận ngồi ghế xếp thêm bên lề. Một điều phiền lòng nữa không thể không nhắc tới là phần phụ đề phim chiếu ở cả 3 cụm rạp bị lỗi, lời dịch chạy trước diễn biến phim hoặc ngược lại, rồi lời dịch bị mất chữ… Tuy nhiên, những buổi chiếu phim ngoài trời lại thu hút rất đông khán giả, cả ngàn người ngồi xem ngay ngắn, trật tự từ đầu cho đến hết phim.

Một đoạn phim buồn khác của VNIFF ít người quan tâm hơn nhưng có thể khiến BTC rất ngại với các vị khách mời đó là những buổi hội thảo thưa vắng người tham dự. Trong 4 ngày liên tiếp của LHP, ngày nào cũng có hội thảo và họp báo và ngày nào BTC cũng phải dùng nhiều cách… vận động thính giả đến tham dự để hội thảo đỡ trống vắng. Có phải chăng là vì chủ đề của các cuộc hội thảo xa xôi quá, như Diễn đàn về giải pháp tăng cường sản xuất phim VN, VN - môi trường hấp dẫn sản xuất phim, Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam…? Hay vì những ấn tượng không mấy tốt đẹp từ ngày khai mạc đã kéo tụt sự nhiệt tình của quan khách?...

Lần đầu tiên ta tổ chức LHP quốc tế, cũng là lần đầu tiên có sự phối hợp giữa Cục Điện ảnh và một đơn vị tư nhân theo phương thức xã hội hóa, thế nên đã nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của LHP. Điều này không khó hiểu bởi 2 đơn vị với 2 cơ chế hoạt động, cách làm việc khác nhau sẽ không dễ tránh khỏi sự “vênh”. Tuy nhiên, việc giảm độ vênh chắc cũng không phải bất khả thi nếu cả hai bên cùng muốn vì một mục đích duy nhất. Vả lại, với những LHP, giải thưởng điện ảnh có truyền thống như LHP VN hay Cánh diều, công tác tổ chức cũng đâu đã hoàn hảo?

Bùi Dũng - Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm