Tiến sĩ Nguyễn Việt làm “sống dậy” người Việt cổ

05/10/2010 13:34 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã không còn xa lạ với công chúng khi những công trình “ứng dụng” các kết quả nghiên khảo cổ học của anh liên tiếp ra mắt với đầy sức lôi cuốn. Trong những ngày Đại lễ, anh đã cho ra mắt cuốn sách Hà Nội, thời tiền Thăng Long với những tìm tòi về cộng đồng cư dân Việt cổ trên vùng đất rồng cuộn hổ ngồi này.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

TS Nguyễn Việt chính là người đã phục dựng 5 khuôn mặt đầu tiên từ những hộp sọ thời Đông Sơn gây xôn xao dư luận cách đây chưa lâu. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhưng công trình này ít nhiều đã khiến cho người ta rưng rưng xúc động như nhìn thấy gương mặt tổ tiên của mình bị ẩn khuất bởi lớp thời gian hơn 2.000 năm. Ông cũng là người đã phục dựng nỏ thần An Dương Vương, một huyền thoại sống động diệu kỳ trong tâm thức người Việt.

Nét tài hoa của người Hà Nội

Ấn tượng sâu sắc đối với người bạn học gốc “Hà Nội thứ thiệt” tại nơi sơ tán Trại Chuối, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cách nay hơn 42 năm, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, là bức họa Thảo mã thượng phi ngay trong buổi học đầu tiên mô tả vó ngựa trên thảo nguyên mênh mông... làm cho cánh sinh viên “nhà quê” chúng tôi thán phục. Chàng sinh viên có nét tài hoa đó chính là Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt (bìa trái) đang giới thiệu phòng thí nghiệm phục dựng chân dung người của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tại Yên Hưng (Quảng Ninh) nhân dịp nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương xuống thăm và làm việc, tháng 8/2007

Nguyễn Việt sinh ra và lớn lên ở khu vực “36 phố phường” Hà Nội... Vào đại học, anh là sinh viên hệ Khảo cổ của Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ dưới sự chăm sóc giảng dạy của thế hệ giáo sư Lâm - Lê - Tấn - Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng)... Kết thúc đại học, anh thuộc thế hệ những sinh viên tòng quân chống Mỹ trong những tháng năm rực lửa 1972 làm lính hải quân. Chiến tranh chấm dứt, cuối năm 1975, anh về công tác tại Viện Khảo cổ học.

Ở cái tuổi tam thập nhi lập, anh đứng tên chủ biên, cùng hai bạn đồng môn là Vũ Minh Giang và Nguyễn Mạnh Hùng hoàn thành bản thảo cuốn sách đầu tay: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm dày trên dưới 500 trang, được NXB Quân đội Nhân dân phát hành năm 1983 với trên 11 ngàn bản.

Năm 1984, anh được cơ quan cử đi nghiên cứu sinh tại CHDC Đức và nhận bằng tiến sĩ Khảo cổ tại Berlin với điểm ưu vào đầu năm 1989, đồng thời là đồng tác giả tham gia viết công trình Những nghiên cứu mới về tiền sử, sơ sử Việt Nam (dưới ánh sáng của Niên đại Carbon phóng xạ C14) xuất bản bằng tiếng Anh tại Berlin năm 1988. Sau khi về nước công tác một vài năm, anh trở lại nước Đức làm cộng tác viên cho các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến tiền sử Việt Nam. Năm 1999, anh cùng một số nhà khoa học Việt Nam sáng lập Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và trực tiếp làm giám đốc cho tới ngày hôm nay.

Đến kỳ công phục dựng gương mặt tổ tiên

Phục dựng một chân dung
của người Việt cổ

Ngay từ thời còn sinh viên ở nơi sơ tán, không chỉ giỏi vẽ, Nguyễn Việt đã đam mê nặn tượng. Học đến chuyên đề khảo cổ học, khi GS Hà Văn Tấn giới thiệu về phục chế mặt người qua sọ theo trường phái Gerasimov (tên một nhà khoa học ở Liên Xô cũ), cánh sinh viên chúng tôi đã khuyên, động viên, hy vọng Nguyễn Việt là người “khéo tay” sau này sẽ thành công về lĩnh vực phục chế này.

Hy vọng đó đến nay đã thành hiện thực. Sau nhiều năm nghiên cứu không chỉ phương pháp của Gerasimov mà cả của Anh, Mỹ, Đức, TS Nguyễn Việt và nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phục chế thành công khuôn mặt người Việt buổi đầu Công nguyên. Những chiếc sọ được TS Nguyễn Việt chọn để phục chế khuôn mặt được tìm thấy trong khu mộ táng Động Xá (Kim Động - Hưng Yên) có niên đại từ 2.000 đến 2.500 năm. Đó là giai đoạn lịch sử quan trọng của thời kỳ dựng nước đang rất cần làm rõ.

Công trình phục dựng mặt người Động Xá hơn 2.000 năm trước ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và công luận. Đề tài khoa học đã được Hội đồng Khoa học của Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam nghiệm thu và được trình bày tại Viện Goethe (Viện Phát triển văn hóa và ngôn ngữ Đức) tại Hà Nội năm 2005.

5 khuôn mặt đầu tiên của thời Đông Sơn từ hơn 2.000 năm trước đã được TS Nguyễn Việt giới thiệu. Họ được phục dựng từ năm chiếc sọ còn khá nguyên vẹn khai quật ở khu mộ táng Động Xá. Chân dung đầu tiên làm từ sọ một cô gái ở độ tuổi 17-18. Số còn lại gồm hai thanh niên (một nam, một nữ) và hai nữ trung niên khác nữa. Tuy cùng thời và cùng một làng nhưng họ đại diện cho ba kiểu dáng sọ khác nhau ít nhiều về đặc điểm nhân học. Họ đại diện cho những nhóm loại hình người khác nhau cùng tồn tại trong một thời kỳ văn hóa Đông Sơn muộn ở địa bàn đương thời thuộc huyện Chu Diên (nay thuộc Hưng Yên) và rất có thể họ đã cùng gia nhân hào trưởng nhà Thi Sách chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra chỉ mấy chục năm sau đó.

Sẽ mở trung tâm phục chế mặt người cổ

Việc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á tiếp tục phục dựng cơ bắp thân thể người gắn với việc phục chế trang phục từ những miếng vải khai quật được và hình ảnh con người còn lưu giữ trên các đồ đồng cùng thời hé mở lần đầu tiên những hình ảnh chân thực, có giá trị khoa học về tổ tiên chúng ta thời dựng nước. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà khoa học trong việc tìm ra đặc trưng chủng tộc của từng khu vực qua chân dung người cổ đã được tái tạo.

Từ thành công này, TS Nguyễn Việt kỳ vọng trong tương lai gần sẽ mở ra một trung tâm đầu tiên phục chế mặt người dựa trên hộp sọ khảo cổ phát hiện trong khu vực Nam Trung Quốc và Đông Nam Á.

Đến thăm Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á những ngày cận kề Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long, chúng tôi chứng kiến những nỗ lực của TS Nguyễn Việt và các nhân viên đang gấp rút hoàn thành chân dung phục dựng từ một bộ xương đời Lý và hai loại vũ khí công thành cỡ lớn mà Lý Thường Kiệt đã sử dụng trong trận đánh chiếm thành Ung Châu trên đất Tống xưa kia.

Tiếp tục tìm về với người Việt “thời tiền Thăng Long”

Một thông tin đáng mừng là đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong tủ sách “Hà Nội ngàn năm văn hiến” do NXB Hà Nội ấn hành, có một cuốn sách dày hàng ngàn trang do TS Nguyễn Việt biên soạn nhan đề Hà Nội, thời tiền Thăng Long.

Tuyến chủ đạo của cuốn sách là nhằm giới thiệu với người đọc cội nguồn của vùng đất có thế “rồng cuộn hổ ngồi” của thủ đô Hà Nội ngày nay, sự ra đời và phát triển mãnh liệt và trường tồn của các cộng đồng cư dân Việt cổ trên vùng đất này cho đến khi trở thành Thăng Long - Thủ đô của nhà nước Đại Việt vào thế kỷ 11. Nhiều nguồn sử liệu trước đây cũng như những tài liệu và tư liệu được đề cập trong cuốn sách này cho thấy vào những thời trước Thăng Long, vùng Hà Nội đã có vai trò là một đô thị, nơi tập trung dân cư đông đúc, nơi hội tụ đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội có tính trung tâm lớn, nhỏ khác nhau tuỳ trình độ phát triển mỗi thời.

Anh vẫn như vậy, kiên trì, thầm lặng dâng hiến trí tuệ và tài hoa cho Thăng Long, Hà Nội với niềm tự hào giấu kín của một người “Hà thành thứ thiệt”.

Chuyện phục chế nỏ thần An Dương Vương

Không chỉ dừng lại ở việc phục dựng mặt người thời xưa dựa trên hộp sọ, được sự hỗ trợ của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, TS Nguyễn Việt cùng với các cộng sự đã dành chục năm trời nghiên cứu, đi tìm sự thật về những loại vũ khí cổ đằng sau ghi chép của sử sách và truyền thuyết để phục chế thành công “Nỏ thần An Dương Vương” bắn nhiều mũi tên đồng Cổ Loa cùng một lúc.


Nỏ thần phục chế của TS Nguyễn Việt
Nỏ thần đó đã bắn thử thành công tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. “Công trình” ấy được trao giải Nhì Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2008- 2009.


Vũ Xuân Bân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm