Quan trọng cửa trước, coi thường cửa sau

30/07/2010 07:27 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Một góc nhìn thú vị của nhà văn DiLi về tính thẳng thắn, thành thật của người Việt.

Trong cuốn Destination Saigon (bút ký viết về Việt Nam được xuất bản tại Australia và đang bán rất chạy), tác giả Walter Mason, người Australia, nhận xét rằng anh vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra tính “ăn ngay nói thẳng” (bluntness) của người Việt. Người phương Tây thường không bình phẩm gì về một người đối diện khi trò chuyện trong một nhóm người. Walter Mason thổ lộ rằng: “Trực tính này thật kỳ diệu vì không có việc gì bị che đậy. Ngay cả khi người ta nghe tôi nói tiếng Việt với họ, tức là họ biết tôi hiểu được tiếng Việt của họ, họ vẫn thản nhiên bình phẩm về tôi trước mặt tôi và trước mặt người khác. Thoạt đầu, tôi cảm thấy bị chạm tự ái, nhưng sau đó tôi cảm thấy phóng khoáng vì việc gì cũng có thể thảo luận một cách thành thật”.

Thực ra, tính “ăn ngay nói thẳng” hay tính “thẳng thừng” là một cách dịch nhẹ nhàng của từ “bluntness” vì từ này còn có nghĩa là “tính lỗ mãng”. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên khi có người nói rằng người Việt có tính “ăn ngay nói thẳng”, vì tôi thấy người phương Tây mới thường không che giấu ý nghĩ của mình. Nhưng sau khi ngẫm nghĩ, tôi cho rằng Walter Mason vẫn chưa nhìn ra rằng: Người Việt rất dễ dàng bình phẩm về hành vi của người khác nhưng lại không dễ dàng bày tỏ nguồn cơn hành vi của chính mình, thậm chí còn che giấu những ý nghĩ xuất phát từ thực tế. Chúng ta còn có hẳn một câu thành ngữ “Cái tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, hàm ý rằng việc che giấu cái xấu là lẽ đương nhiên, và việc đó chẳng có gì là xấu. Chúng ta vẫn đang che giấu cái xấu hàng ngày đấy thôi. Điều này anh Paul De Meulenaer, giảng viên tiếng Anh ở trường Raffle, có lần nói với tôi rằng “Người Việt Nam chỉ quan trọng frontdoor (cửa trước) mà coi thường backdoor (cửa sau)” khi bình luận về dịch vụ nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam. Nhưng thậm chí ngay cả những điều không phải là xấu chúng ta cũng thường cố gắng che đậy.

Nhiều lần, tôi hay hỏi người khác về “tính tham vọng”. Tất cả đều trả lời một câu giống nhau rằng họ không có tham vọng gì. Thảng hoặc có người cho rằng thỉnh thoảng họ mới có tham vọng. Điều này thực kỳ lạ. Tham vọng ngoài là bản tính tất yếu bẩm sinh của một số người, còn nảy sinh lúc trưởng thành như một thứ ý chí vươn lên thuần khiết trong công việc và cuộc sống. Tham vọng khiến chúng ta đạt được mục tiêu và thành công trong mọi kế hoạch đề ra. Trong số những đối tượng được hỏi câu này có nhiều người là nghệ sĩ rất thành công trong sự nghiệp. Vì vậy tôi buộc lòng phải nghĩ đến hai trường hợp, hoặc họ là kẻ vô trách nhiệm với công việc của mình (Vì một người sáng tạo không hề có tham vọng thì liệu công chúng có thể trông đợi được gì từ những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của họ) hoặc họ che đậy động cơ hành vi vì nghĩ “tham vọng” là một từ không tốt.

Rất nhiều chủ doanh nghiệp khẳng định rằng họ sẽ từ chối bất kỳ ứng cử viên nào trả lời “không” với câu hỏi phỏng vấn: “Anh/chị có phải là người tham vọng không?” và: “Tiền bạc giữ vị trí thế nào trong cuộc sống của anh/chị?” cho dù hồ sơ của họ có hoàn hảo đến cỡ nào. Vì: “Chúng tôi sẽ lấy gì để thúc đẩy những người như thế làm việc khi mà họ không có tham vọng thăng tiến và tiền bạc đối với họ không quan trọng”.

“Tôi chẳng có tham vọng gì nhiều” và “Tiền bạc đối với tôi không quan trọng” là một câu nói phổ biến của người Việt. Chúng ta nói thế trong khi chúng ta không nghĩ thế có lẽ là một thứ văn hóa, cho dù điều mà chúng ta đang cố gắng che đậy chẳng có gì là xấu. Tôi rất thích một câu của Nguyễn Trần Bạt, tác giả cuốn Đối thoại với tương lai: Động cơ cá nhân trước mỗi một hành động là một trong những năng lượng quan trọng nhất để tạo ra sự chính đáng của hành vi. Ông cũng nói thêm rằng: “Chúng ta ai cũng phải tìm ra động cơ cá nhân của mình. Đừng che giấu động cơ cá nhân của mình”. Còn nhớ đầu thập niên 1980, tôi được xem một bộ phim của Thụy Điển với nội dung xoay quanh các cán bộ và công nhân trong một nhà máy. Trong đó có cảnh miêu tả một cuộc họp với mục đích bầu trưởng phòng mới. Trong lúc họp căng thẳng, nhân vật chính đứng bật dậy nói: “Xin mọi người hãy bầu cho tôi”. Tôi hãy còn nhớ rõ cảm giác kinh ngạc khi ấy, khi còn là một đứa trẻ 8 tuổi, kinh ngạc không kém gì các công nhân nhà máy đang tề tựu trong phòng họp trên màn hình. Chỉ có điều các công nhân nhà máy kinh ngạc vì cái người đứng bật dậy ấy luôn có tư tưởng đối lập với họ, nay lại còn đòi được phiếu bầu, còn tôi thì kinh ngạc vì có người dám nói “Xin hãy bầu cho tôi” mà không biết ngượng miệng! Ngay từ nhỏ, tôi đã quen với một điều, rằng khi người khác trao cho mình một đặc ân như một bữa ăn, một món tiền, một chức vụ… thì mình nên lịch sự từ chối rằng thì là mình không cần đâu, mình đủ rồi, những thứ ấy không quan trọng, nên trao cho người khác thì hơn, họ xứng đáng hơn mình, vân vân và vân vân, cho dù trong lòng mình không nghĩ như thế, cho dù trong lòng mình đang muốn những thứ ấy khủng khiếp. Đó là lẽ tất nhiên, là hành xử lịch lãm và có giáo dục tất nhiên mà một đứa trẻ cũng nên biết như thế. Đằng này cái nhân vật trên ti vi lại đề nghị mọi người bỏ phiếu cho mình!

Năm tôi học lớp 2, lớp chúng tôi cũng tiến hành “bầu cử” vào quãng đầu năm học. Cô giáo chủ nhiệm đặt câu hỏi rằng “Các em nghĩ bạn nào trong lớp chúng ta xứng đáng làm lớp trưởng?”. Phần lớn đề cử D.H. D.H là một cô bé trắng trẻo, học giỏi và nề nếp tốt. Tôi cũng nghĩ như vậy. Cô giáo chủ nhiệm tôi cũng nghĩ như vậy. Và chẳng cần chúng tôi đề cử thì tất nhiên cô giáo chủ nhiệm của tôi cũng sẽ chọn D.H. Cô đưa ra quyết định trước những tiếng hoan hô vang dậy của năm chục đứa học trò. Tuy nhiên D.H thì mang vẻ mặt buồn rười rượi. Cô ấy buồn đến nỗi gục mặt xuống bàn học một hồi lâu. Chúng tôi chia vui với tân lớp trưởng bằng cách từng người một ra an ủi cô ấy rằng hãy cố gắng lên, bọn mình biết bạn không muốn làm lớp trưởng nhưng rồi bạn sẽ là một lớp trưởng tốt. Cô ấy ứng xử rất khiêm tốn và tuyệt vời khi nghĩ rằng mình không xứng đáng với chức vụ ấy, chức vụ ấy nên được trao cho một người khác xứng đáng hơn và cực chẳng đã cô ấy mới phải đảm nhận chỉ vì cô giáo và các bạn đã chỉ định. Nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm như D.H. Tất cả lũ học trò lớp 2 chúng tôi sẽ ứng xử như D.H, dù kỳ thực chúng tôi đang reo vang trong bụng vì được làm lớp trưởng.

Cho đến giờ, tôi vẫn cứ lấy vẻ mặt buồn rười rượi của D.H ra để làm chuẩn mực và luôn nhìn thấy vẻ mặt của cô ấy xuất hiện trên nhiều dung mạo khác. Người Mỹ, người phương Tây thường tự ra tranh cử với câu nói “Hãy bầu cho tôi” và lời hứa họ sẽ làm gì sau khi được bầu. Nếu những người bầu thấy lời hứa của họ là hợp lý thì họ sẽ bỏ phiếu. Đấy là sự không che giấu động cơ cá nhân và sòng phẳng. Nhưng tôi rất hiếm thấy người Việt nào công khai bày tỏ động cơ cá nhân của mình trong khi rõ ràng một công nhân đi làm là mong muốn được lương cao, một người đang đảm nhận chức vụ tổ phó rõ ràng có mong muốn được trở thành tổ trưởng, một cô gái đăng kí dự thi sắc đẹp phải mong muốn dành được ngôi vị hoa hậu và một nghệ sĩ trên sàn diễn sẽ mong muốn được nổi tiếng. Tuy nhiên chúng ta luôn “không quan trọng” những gì lẽ ra là rất quan trọng. Chúng ta xấu hổ khi phải nhắc đến những “tham vọng”, trong khi tham vọng chính đáng của mỗi cá nhân sẽ tạo nên sự phát triển chung của toàn xã hội. Những khái niệm như “tiền bạc, địa vị, danh tiếng” dường như đã từ lâu biến thành cụm từ tế nhị và nhạy cảm mà ai cũng muốn tránh nhắc đến khi chia sẻ quan điểm cá nhân. Chúng ta che giấu động cơ cá nhân bằng cách bày tỏ một động cơ khác có vẻ như quan trọng hơn nhiều là “mong muốn được chia sẻ, đóng góp và học hỏi”.

Trong một thế kỷ hội nhập và toàn cầu hóa, ranh giới cách biệt giữa các quốc gia đã bị xóa nhòa, chúng ta cũng thẳng thắn hơn, không còn như những thập niên trước, khi mà một đứa trẻ như tôi cũng phải kinh ngạc vì có một người tự ứng cử trên… ti vi. Tuy nhiên, những ranh giới giữa các động cơ hành vi vẫn còn tồn tại. Có lẽ nào, tôi cần phải trao đổi thêm với tác giả Walter Mason rằng, người Việt chỉ thẳng thắn bình phẩm về động cơ hành vi của người khác chứ không đời nào muốn thẳng thắn về động cơ hành vi của chính mình.

DiLi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm