Ước gì thơ giống… con gà!

21/07/2010 13:35 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin trong số báo ra ngày hôm qua 20/7 về “nghi án” đạo thơ liên quan đến hai tác giả trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang) và Quỳnh Dao (TP.HCM). Mấu chốt của “nghi án” này là “ai đọc của ai trước?” và sau đó là như thế có thể kết luận là “đạo thơ” hay không?

Ai đọc của ai trước?


Quyết định bổ nhiệm cô Phan Thị Quỳnh Dao (bút danh Quỳnh Dao) về làm Kế toán của Văn phòng phía Nam Hội Âm nhạc Việt Nam

Tối ngày 20/7, TT&VH đã nhờ các đồng nghiệp ở tuần báo Văn nghệ TP.HCM lục tìm lại E-mail có bài thơ Nỗi buồn đập cánh mà Nguyễn Đức Phú Thọ đã gửi cho báo này. Kết quả cho thấy, Phú Thọ đã gửi Nỗi buồn đập cánh qua E-mail tuanbaovannghe@yahoo.com của tuần báo Văn nghệ TP.HCM vào lúc 20 giờ 44 phút 41 giây ngày 18/3/2010. Trong khi, như thông tin của nhà thơ Nguyễn Bình Phương cung cấp cho TT&VH trong số báo in ngày 20/ 7, thì: “Bài thơ của Quỳnh Dao viết ngày 19/3, gửi cho tôi qua Email vào ngày 31/3, hiện còn lưu trong hộp thư”.


Với hai dấu mốc sớm nhất tính đến nay mà các bên nêu ra, thì Quỳnh Dao có “sáng tác” Nỗi buồn đập cánh vào ngày 19/3 đi chăng nữa vẫn cứ chậm hơn so với bài thơ Nguyễn Đức Phú Thọ gửi cho tuần báo Văn nghệ TP.HCM một ngày.

Cũng theo TT&VH hôm qua dẫn lời nhà thơ Nguyễn Bình Phương: “Tôi có liên lạc với nhà thơ Trần Hữu Dũng, biên tập thơ ở báo Văn nghệ TP.HCM. Anh Dũng khẳng định với tôi: Quỳnh Dao không thể tiếp cận được văn bản bài thơ của Nguyễn Đức Phú Thọ trước khi in báo Văn nghệ TP.HCM, vì cô ấy đã nghỉ làm ở đây trước khi bài thơ này in”. Qua xác minh, đúng là Quỳnh Dao chuyển việc từ Văn nghệ TP.HCM sang Văn phòng phía Nam tại TP.HCM - Hội Nhạc sĩ Việt Nam với vai trò kế toán theo quyết định ngày 1/4/2010 do nhạc sĩ Tôn Thất Lập ký. Trong khi Văn nghệ TP.HCM in Nỗi buồn đập cánh của Phú Thọ ngày 15/4.

Hỏi nhà văn Từ Kế Tường - Thư ký toàn soạn Văn nghệ TP.HCM và nhiều đồng nghiệp ở báo này, tất cả khẳng định rằng: “Những ai là nhân viên có liên quan đến việc làm nội dung Văn nghệ TP.HCM đều vô được E-mail tuanbaovannghe@yahoo.com, đây là E-mail được dùng chung. Quỳnh Dao làm nhập liệu ở phòng vi tính hẳn nhiên cũng có thể vô được E-mail này. Còn việc cô ấy có đọc thơ của Phú Thọ rồi “biến hóa” thành thơ mình hay không chắc chỉ có bản thân cô ấy hoặc ông trời mới biết”.

Quỳnh Dao: “Tôi không biết Nguyễn Đức Phú Thọ là ai”

Liên lạc với Nguyễn Đức Phú Thọ, anh cho biết từ trước đến nay chưa hề “nói chuyện” với Quỳnh Dao. Phú Thọ chỉ ấm ức vì bài thơ của mình “bị đạo” và mong rằng Quỳnh Dao nên nói với anh một lời chứ không muốn làm ầm ĩ. Trong một lá thư gửi lên trang web phongdiep.net, Phú Thọ viết: “Về giá trị nội dung, nghệ thuật của hai bài thơ xin để thời gian và bạn đọc thẩm định. Vì tôi tin các tác phẩm “đạo” của người khác dù có được nhào nặn, che đắp bằng những kĩ thuật tinh vi, tài tình đến đâu thì tự thân nó đã mang sẵn trong mình cái bản án “tử hình”, không sớm thì muộn”.

Để khách quan hơn, chiều 20/ 7, TT&VH đã liên lạc được với Quỳnh Dao, tác giả này khẳng định: “Chưa hề biết cũng chưa hề đọc thơ của cậu ấy (Nguyễn Đức Phú Thọ). Bài thơ cậu ấy gửi Văn nghệ TP.HCM là ngày nào tôi không quan tâm và tôi đã ghi rõ bài thơ mình sáng tác vào ngày 19/3. Xin đọc thư tôi đã gửi trên phongdiep.net, rằng: Quỳnh Dao chỉ là một người cầm bút bình thường, không tên tuổi, cũng không muốn kiếm tìm danh vọng lợi lộc. Thơ là một cách thức tìm lại chính mình và Quỳnh Dao làm thơ để chưng cất giữ lại đâu đó những xúc cảm riêng tư. Chung quanh bài thơ “Nỗi buồn đập cánh” còn nhiều nghi vấn nghi hoặc, Quỳnh Dao không dám lạm bàn phân tích thơ mình thơ người. Vấn đề cấu tứ, ngữ ngôn, nhạc tính, giọng điệu... của 2 bài thơ, Quỳnh Dao xin dành cho các nhà phê bình và bạn đọc xem xét đối chiếu...”.

 Thiết nghĩ, phần kết luận “ai đọc thơ ai trước?” hoặc “ai đạo thơ ai” bạn đọc có thể tự phán xét!


Vĩ thanh

Lâu nay ở ta vẫn có nhiều “nghi án” đạo thơ liên quan đến người đã nổi tiếng hoặc đang “âm mưu” nổi tiếng. Nhưng dường như, các “nghi án đạo thơ” đều “chìm xuồng” - hiểu theo nghĩa minh bạch trắng đen. Vì rằng, một kẻ đạo chích khi bị bắt ăn cắp một con gà sẽ bị đem ra xử - vì con gà là “tang vật” không thể chối cãi. Còn đối với một bài thơ thì đôi khi rất khó xử. Hai “thiên tài” cùng gặp nhau ở sự sáng tạo, hay “kẻ cắp thơ” tinh ranh hơn “kẻ cắp gà”, đã “biến hóa” một bài thơ vừa “chôm được” thành của mình, mà “văn chương tự cổ vô bằng cớ”?

Ước gì, những “bài thơ bị đạo” cũng giống như những “con gà bị trộm” thì mọi việc sẽ đơn giản biết bao.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm