Được "điếu đóm" cho Nguyễn Tuân, với tôi là một vinh dự

05/07/2010 10:54 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - NXB Văn học vừa tái bản tập sách chân dung văn học Với bác Nguyễn Tuân lần thứ 4 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Tuân. Tập sách này được nhà văn Đoàn Minh Tuấn in lần đầu vào năm 1997, gồm các bài viết của ông về tác giả Vang bóng một thời. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã trò chuyện cùng TT&VH.


Nhà văn Đoàn Minh Tuấn

* Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân là người rất “khó tính”, nên việc viết về cụ không dễ dàng gì. Vậy ông đã viết về Nguyễn Tuân khi nào?

- Cụ Nguyễn mất năm 1987, những bài trong Với bác Nguyễn Tuân được tôi viết khi cụ còn sống và cả sau này được in theo đơn đặt hàng trên các báo. Bài mới nhất chỉ in trong tập sách tái bản lần 4 này là: 100 năm “Vang bóng một thời”. Như chúng ta biết, cụ Nguyễn rất khó tính, nên viết về cụ mà không khéo, cụ sẽ xách ba-toong đến tìm. Tôi có may mắn gần gũi cụ, như một người bạn vong niên, nên hiểu cụ và viết về cụ có nhiều điểm khiến cụ thấy mình được thấu hiểu.

* Được xem như bạn vong niên của cụ Nguyễn, điều đó không đơn thuần là tình nghĩa?

- Năm 1997, kỷ niệm 10 năm ngày mất cụ Nguyễn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tổ chức và trao học bổng mang tên Nguyễn Tuân cho sinh viên. Trong buổi giao lưu với sinh viên, tôi nói: “Nhờ duyên, tôi được theo “điếu đóm” cụ Nguyễn nên mới viết được cuốn sách nho nhỏ Với bác Nguyễn Tuân”. Nhà văn Tô Hoài khi đó nói thêm: “Tôi và nhà văn Kim Lân rất muốn mang điếu và đóm của mình theo hầu Nguyễn Tuân chưa chắc cụ đã chịu”. Việc được “điếu đóm” Nguyễn Tuân, với tôi không đơn thuần là chuyện tình nghĩa mà còn là một vinh dự.

* Trong thời gian gần gũi với Nguyễn Tuân, ông đã học được gì từ cụ?

- Học được nhiều thứ lắm, trong đó có bốn điều cơ bản của con người: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học ăn là khó nhất. Cụ Nguyễn đúc kết rằng: “Người miền Bắc ăn bằng khứu giác, tức món ăn phải có nhiều mùi đến độ thơm “điếc cả mũi”. Người Huế ăn bằng thị giác, nên món ăn có rất nhiều màu. Người miền Nam ăn bằng bao tử, tức ăn cho no vì người miền Nam chú trọng vào thực chất, ăn no để có sức làm việc nhiều...”. Bây giờ, chúng ta đang ăn uống rất “tạp nham”.

* Nhân nói đến ẩm thực, xin ông nhận xét về chuyện “ăn chơi” của cụ Nguyễn?

Sáng nay 5/7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn vừa từ TP.HCM ra Hà Nội để tham dự buổi lễ này. Ông sẽ có khoảng 10 phút nói chuyện về cụ Nguyễn Tuân theo lời mời của BTC.

- Nhiều người nghĩ rằng cụ Nguyễn Tuân ăn chơi quá. Thực chất, cụ không ăn chơi mà chỉ thưởng thức các hay cái đẹp thông qua món ăn thôi. Cụ Nguyễn thích nhắm rượu với giò lụa Bạch Ngọc chợ Hàng Da. Nhưng nói thật, cụ sống thanh bần lắm chứ không “ăn chơi” gì cả. Mỗi lần nhắm rượu, đãi khách, cụ chỉ mua 1 lạng giò lụa Bạch Ngọc, mua lạng sau trả tiền lạng trước chứ giàu có gì đâu mà ăn chơi.


Nhà văn Kim Lân từng nói: “Nhiều người mỗi lần ăn giò lụa ký này ký nọ đến ngập mặt nhưng không thấy ai phê phán, còn cụ Nguyễn ăn chỉ có 1 lạng mà thiên hạ kêu lên ầm ĩ”.

Chắc vì thời chiến tranh, cụ Nguyễn viết nhiều về các món ăn nên bị nghĩ như thế chăng? Riêng tôi lại nghĩ, cụ Nguyễn có thú vui ẩm thực và viết về các món ăn vì cụ chú trọng đến điều hiện nay chúng ta đang nói là “chất lượng sống”. Cũng xin nói thêm, bây giờ chúng ta làm cái gọi là thương hiệu, thì thời đó, cụ Nguyễn đã biết “xài hàng hiệu” rồi. Cụ nói: “Giò lụa Bạch Ngọc có thương hiệu tốt, mình mua ở đó yên tâm về chất lượng”.


Bìa sách Với bác Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân (trái) và Đoàn Minh Tuấn ở đảo Cô Tô

* Vậy còn chuyện cụ Nguyễn thích đi hát ca trù?  


- Có chuyện vui thế này, khi thân mẫu của Nguyễn Tuân mất, các cô đầu ở phố Khâm Thiên đến đưa đám gần như đủ mặt. Vợ Nguyễn Tuân nói: “Ông Tuân báo hiếu mẹ mình đấy”. Đấy chỉ là giai thoại người ta đặt ra cho vui thôi. Kỳ thực, cụ Nguyễn có “chơi bời” gì đâu. Tôi nhớ sau 1975, trong một lần ra Hà Nội thăm cụ, cụ đã bảo với con trai - một Trung tướng quân đội: “Hôm nay có anh Đoàn Minh Tuấn trong Nam ra chơi, con ngồi tiếp chuyện với bố”. Đấy, gia đình cụ sống gia giáo thế cơ mà.

Việc cụ thích đi hát ca trù là vì mê cái đẹp trong giọng hát lời ca thôi chứ đâu phải là đi chơi bời. Thời gian đã chứng minh thẩm mỹ của Nguyễn Tuân, bây giờ ca trù được thế giới công nhận di sản rồi còn gì. Rất tiếc, cụ mất khi vừa đổi mới nên rượu ngon, món ăn ngon và cả chuyện ca trù thành di sản thế giới không được cụ thưởng thức.

* Ngoài Nguyễn Tuân, ông còn viết chân dung văn học nào nữa?

- Tôi có viết về Nguyên Hồng, Lưu Trọng Lư... nhưng chưa đủ một cuốn sách. Riêng Tô Hoài, Đoàn Giỏi thì có thể in thành sách được. Vì để viết về một nhân vật thành một cuốn sách, tôi phải sống và hiểu nhân vật đó chứ không thể viết lớt phớt được, Nguyễn Tuân là một ví dụ như thế.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm