Sau Quốc hoa, nên tính đến Quốc thơ!

03/07/2010 12:48 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Lễ trao giải cuộc thi thơ lục bát Ngàn năm thương nhớ đã diễn ra tại Hà Nội vào sáng qua 2/7/2010. Tại lễ trao giải này, nhà thơ Đặng Vương Hưng, thành viên BTC cuộc thi, chủ nhiệm trang web lucbat.com đã có một đề xuất gây bất ngờ với nhiều người. Đó là đề xuất công nhận lục bát là “quốc thơ”, và không những thế, trang lucbat.com còn sẽ tích cực vận động kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận thơ lục bát là Di sản văn hóa thế giới.

Trao đổi với TT&VH về đề xuất đầy lãng mạn này, nhà thơ Đặng Vương Hưng, cho biết:


Nhà thơ Đặng Vương Hưng
- Việc có tới gần 16.000 bài thơ dự thi chỉ trong 6 tháng ngắn ngủi đã cho thấy sức mạnh và sức hấp dẫn của thể loại thơ lục bát đối với độc giả và những người yêu thơ. Chúng tôi không bất ngờ về điều ấy. Bởi, nhìn tổng thể, không thể thơ nào có khả năng bám sát và gần gũi với đời sống nhân dân như thơ lục bát. Dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, mỗi nhà thơ đều chắc chắn có những lần sáng tác theo thể loại này.

Sau lễ trao giải, trên trang web lucbat.com, chúng tôi đã đề xuất ý tưởng cùng kêu gọi chọn thể loại thơ lục bát là “quốc thơ” của Việt Nam.

* “Quốc thơ” ư? Liệu có quá lời hay không, thưa anh?

- Thơ lục bát không chỉ đơn thuần có giá trị ở góc độ thi ca. Nói không quá lời, lục bát là cội nguồn, là hồn vía của văn hóa Việt. Thể thơ này tồn tại cả ngàn năm và phát triển thông qua lời ăn tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua các làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Thậm chí, các vấn đề nặng tính xã hội như tôn giáo, chính trị... cũng đều sử dụng loại thơ này để tiếp cận từng cá nhân.

Thông thường, mỗi nền văn hóa, văn học hay thi ca đều có những thể loại mang tính biểu tượng riêng. Lục bát là thể thơ truyền thống, có thể coi là biểu tượng của thi ca Việt Nam. Nếu như người Anh và người Ý tự hào vì có thơ sonnet, người Nhật có thơ haiku, người Trung Quốc có tứ tuyệt... thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì thơ lục bát. Vừa qua, chúng ta đang cùng thảo luận để tìm một “quốc hoa” cho Việt Nam. Bởi vậy, tôi nghĩ việc đặt ra vấn đề “quốc thơ” là hợp lý.


Nhà văn Hữu Thỉnh trao giải cho các tác giả đoạt giải cao tại cuộc thi
* Vậy, có điểm gì khó trong việc đề cử lục bát là quốc thơ, theo anh?

- Do những đặc trưng về cấu trúc, cách gieo vần... lục bát vẫn bị coi là thể thơ nôm na, giản dị, dành cho đại đa số những người có trình độ thấp hoặc cá biệt là không biết chữ. Chúng ta có thể quen với sự tồn tại của thơ lục bát trong cuộc sống hàng ngày, nhưng khi chính thức thừa nhận và tôn vinh nó thì lại là một câu chuyện khác. Khi ấy, chắc chắn sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều cùng tranh luận và “mổ xẻ” thể loại thơ này.

Sáng nay, nghe ý tưởng của tôi, anh Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn VN) nói đại ý: lục bát thực ra đã là “quốc thơ”, là khuôn vàng thước ngọc của thi ca Việt Nam rồi, bây giờ việc vinh danh nó chỉ là vấn đề “thủ tục” . Nhưng chắc chắn, lộ trình hoàn thành thủ tục ấy sẽ khá dài.

* Anh và trang web lucbat.com sẽ làm những gì để đóng góp vào lộ trình ấy?

- Bên cạnh việc tổ chức giải thưởng Ngàn năm thương nhớ theo từng năm, chúng tôi sẽ lấy ý kiến bạn đọc và các nhà thơ về vấn đề này. Ngoài ra, tôi được biết, tạp chí Văn nghệ Quân đội Sông Hương cũng sẽ tổ chức một số giải thơ lục bát trong thời gian tới. Đó là điều rất đáng quý, bởi tôn vinh thơ lục bát cần sự đóng góp công sức của nhiều người. Khi đông đảo học giả, văn nghệ sĩ, bạn đọc có ý kiến, tôi mong những cơ quan có thẩm quyền sẽ chú ý tới vấn đề này một cách nghiêm túc.

* Cuối cùng, giả sử như danh hiệu “quốc thơ” được công nhận thì điều đó sẽ có tác động thế nào tới đời sống của thơ lục bát tại Việt Nam?

- Nhiều lắm. Trước hết, tôi mong điều đó sẽ là cú hích cho sự phát triển thơ lục bát ở Việt Nam giai đoạn này. Người ta sẽ nhìn nhận lại và đặt lục bát vào một vị trí xứng đáng với quốc hồn quốc túy của người Việt, chứ không còn coi đó là một thể loại thơ dân gian và... nhà quê nữa. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử và các giai đoạn phát triển của thơ lục bát tại Việt Nam. Theo tôi biết, hiện chúng ta có rất ít các công trình về việc này...

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Đông Hải (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm