Thầy già, học sinh già

18/06/2010 12:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - So với các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực tự nhiên, số lượng tiến sĩ các ngành văn hóa nghệ thuật không nhiều. Đội ngũ này đang ngày một thiếu hụt vì thực tế là đa phần các chuyên gia đầu ngành đều đã đến tuổi nghỉ hưu.

Đó là những thông tin được đưa ra trong hội thảo Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH ngành văn hóa nghệ thuật được tổ chức hôm qua, 17/6 tại Hà Nội.

Vừa thiếu vừa yếu!  

“Thầy già” ở đây là GS, PGS, TS, trực tiếp làm công tác giáo dục Đại học (ĐH), sau ĐH tại các trường văn hóa nghệ thuật. Loại hình múa hiện có 5 TS, đều ở Hà Nội, trong đó 2 người là PGS, tuổi đã 70, trên 70. 3 TS còn lại mới bảo vệ cách đây vài năm, nhưng tham gia giảng dạy chỉ có 1.

Về điện ảnh, có 4 PGS-TS và 7 TS, trong đó 4 người đã vào tuổi “thất thập’’. Còn sân khấu hiện có 17 GS, PGS, TS phần lớn làm việc tại Hà Nội, chỉ có 2 TS mới tốt nghiệp cách đây vài năm làm việc tại TP.HCM. Trong 17 vị này, thì 3 vị đã trên 80, không còn tham gia đào tạo, 6 vị khác đã 70, 5 vị bảo vệ vài năm nay, nhưng trực tiếp giảng dạy chỉ vài ba vị!

Nói chung, đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo sau ĐH các chuyên ngành nghệ thuật ở nước ta thiếu và yếu, nếu không muốn nói là rất yếu. Hơn nữa, không rõ vì cơ chế hay những nguyên nhân “tế nhị’’ khác, mà đội ngũ cán bộ giảng dạy mỏng tang ấy, vẫn “đèn nhà ai nhà ấy rạng’’ không được tận dụng và phát huy theo tinh thần vốn quý quốc gia.

Hiện nay, Bộ VH,TT&DL có 7 cơ sở đào tạo sau đại học thuộc ngành VHNT, trong đó: 3 cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, ĐH Văn hóa Hà Nội và Viện Văn hóa Nghệ thuật VN; 4 cơ sở còn lại đào tạo thạc sĩ là: ĐH Mỹ thuật VN, ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, ĐH Mỹ thuật TP.HCM và Nhạc viện TP.HCM. Gần 20 năm qua, các cơ sở này đã đào tạo được 85 tiến sĩ, 1.044 thạc sĩ.

Trong khi đó, vào học sau ĐH các loại hình nghệ thuật biểu diễn (múa, sân khấu, điện ảnh, xiếc, rối...) phần lớn là những diễn viên, đạo diễn, quay phim, họa sĩ thiết kế... nhiều người trong số đó đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Họ đã tốt nghiệp ĐH, đã có kỹ năng, kỹ xảo thực hành của một loại hình nghệ thuật. Đương nhiên, kiến thức nói chung không thể đồng đều, khả năng viết, thuyết trình cũng hầu như chưa có. Mục đích học để tiến thủ chỉ một phần, còn đa số là những người có vị trí công tác ổn định, có chức... cốt lấy bằng để hợp thức hóa vị trí công tác của mình, nhằm giải quyết khâu “oai’’... ít người đi học để “tự khẳng định mình’’!


Giáo trình thiếu, giảng viên cũng thiếu!

Hơn 40 năm làm công tác đào tạo, quản lý trên lĩnh vực VHNT PGS-TS Phạm Duy Khuê cho biết: Phần lớn các khoa sau ĐH trong các cơ sở đào tạo VHNT ở nước ta chưa khoa nào có được “một nửa” SGK, hoặc 2/3 giáo trình cho từng chuyên ngành mà mình đào tạo. Tài liệu tham khảo càng hiếm hơn. Chưa kể giáo trình cũng còn nhiều hạn chế như cách nghĩ cũ, lệ thuộc quá nhiều vào tài liệu nước ngoài. Giáo viên lên lớp chủ yếu chỉ “độc thoại”, còn người học chỉ cốt lấy bằng chứ không cốt lấy kiến thức, nên ít tự học, càng ít đọc.

PGS-TS-NSƯT Trần Duy Hinh - nguyên trưởng khoa sau ĐH, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng cho rằng, về chương trình đào tạo giảng viên, cần điều chỉnh chương trình thường xuyên. Vì thực tế cuộc sống đang thay đổi từng ngày, nếu không điều chỉnh, sẽ bị lạc hậu, xa rời thực tế, ảnh hưởng đến chất lượng học. Mặc dù có mặt ngay từ khi thành lập khoa, tham gia vào việc sửa chữa, bổ sung chương trình vài lần, nhưng đến bây giờ ông Hinh vẫn còn thấy lấn cấn, nhất là phần kiến thức chuyên ngành, vẫn còn có chỗ thiếu, chỗ thừa...

Không nên đại trà

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay VN chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực VHNT. Vì nhiều chuyên ngành trong lĩnh vực này không thể áp dụng đào tạo đại trà, nhất là một số chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn. Nhà nước phải có chính sách đặc thù tương thích với từng chuyên ngành hẹp này, nếu không chắc chắn không thể có được nguồn nhân lực VHNT dồi dào, phong phú và nhân tài trên lĩnh vực này sẽ ngày sàng trở lên khan hiếm.

H.Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm