Người khôi phục lễ hội Gầu Tào của người Mông

22/05/2010 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) – Lễ hội Gầu Tào hay còn có tên khác là Say Sán là lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông. Từ năm 2008 trở về trước, tính ra có tới 30 năm huyện vùng cao Bắc Hà không có điều kiện tổ chức. Và người duy nhất có khả năng đem lễ hội này từ quá khứ trở về, đó là nghệ nhân Sùng Seo Trư.

Mấy chục năm phải đi dự "ké" lễ hội Gầu Tào ở Si Ma Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương, ông Sùng Seo Trư ấp ủ khôi phục lại lễ hội Gầu Tào cho bà con dân tộc Mông ở xã Tả Văn Chư.
Ở xã Tả Văn Chư, Bắc Hà ông được bà con dân tộc ca tôn vinh là người giữ hồn văn hóa dân tộc Mông.


Nghệ nhân văn hóa dân tộc Mông Sùng Seo Trư
Sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao Tả Văn Chư - cái nôi của văn hóa dân tộc Mông Bắc Hà, dân ca Mông và các điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo như một mạch ngầm chảy trong huyết quản của ông Trư. Những âm thanh đó là người bạn theo ông lên nương rẫy, theo chân ông đi trảy hội xuân hay xuống chợ Bắc Hà. Vậy mà đã bao mùa xuân qua, kể từ năm 1975, ở các vùng đồng bào Mông Bắc Hà không còn tổ chức lễ hội Gầu Tào nữa. Ông Trư và bà con dân tộc ở đây chỉ còn cách đi hội Gầu Tào ở huyện Si Ma Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương… Ông Trư tâm sự: “Sinh thời, Bác Hồ hết sức quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có văn hóa dân tộc Mông. Người coi “văn hóa là nền tảng của cuộc sống”, “văn hóa là cái gốc”. Trước thực tế lễ hội Gầu Tào không còn, tôi rất buồn, nhớ lời Bác tôi luôn suy nghĩ tìm cách để khôi phục lễ hội Gầu Tào. Đó là hình ảnh thu nhỏ đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của người Mông”.

Ông Trư đã cất công đi học hỏi kinh nghiệm tổ chức lễ hội Gầu Tào của huyện bạn, và chờ ngày khôi phục Gầu Tào trên chính quê hương mình.


Múa khèn Ô Mông trong ngày hội

Các chàng trai áo chàm bên những cô gái váy áo rực rỡ, ước mong được tìm hiểu nhau để nên vợ, nên chồng. (Nguồn ảnh: VNP).
Thế rồi cơ hội đã đến với ông Trư khi Chính quyền Bắc Hà xây dựng đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc gắn với du lịch. Trong đó trọng tâm là bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mông xã Tả văn Chư, đầu tư vốn xây dựng làng du lịch sinh thái - văn hóa dân tộc Mông Tả văn Chư trở thành điểm du lịch.


Thời gian đó ông Trư đã đầu tư sửa sang nhà cửa, bắt tay vào làm du lịch cộng đồng, mặt khác ông Trư tập trung chuẩn bị cho việc phục hồi tổ chức lễ hội Gầu Tào.

Năm 2006, ông Trư  đã đứng ra thành lập các đội văn nghệ - thể thao dân tộc Mông ngay tại thôn Sừ Mừn Khang. Nhớ lại những ngày đầu, để tập hợp được thanh niên học thổi sáo, múa khèn, múa sênh tiền, múa võ, hát dân ca vô cùng vất vả. Một số gia đình phản đối bởi vì các thanh niên phải giành thời gian phụ giúp gia đình làm lụng. Ông Trư đã đưa cả  vợ, con mình vào đội văn nghệ,  tích cực đến tận nhà vận động, giải thích giúp các gia đình người Mông hiểu và ủng hộ việc làm của ông Trư.  Đội văn hóa - văn nghệ, thể thao đã thu hút 20 người từ các ông, các bà đến thanh, thiếu niên trẻ tích cực tham gia luyện tập đều đặn mỗi tháng từ 3- 4 lần vào các buổi tối tại nhà văn hóa thôn hoặc tại nhà. Ông Trư đã nhiệt tình truyền dạy lại các điệu múa khèn, sênh tiền, các điệu võ tay không, binh khí, thổi sáo, khèn, các nghi lễ của người Mông cho mọi người.

Trước dịp tết nguyên đán cổ truyền năm 2009 và năm 2010, ông Trư đã xin ý kiến Chính quyền huyện Bắc Hà và xã Tả Văn Chư. Được sự đồng ý ông Trư trực tiếp đứng ra làm ông chủ hội tổ chức thành công  lễ hội Gầu Tào, thu hút hàng nghìn người Mông ở Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Thắng, Sa Pa, khách du lịch trong và ngoài nước tham dự hội. Và kể từ đây Chính quyền huyện Bắc Hà, xã Tả Văn Chư đã đưa lễ hội Gầu Tào vào danh sách lễ hội lớn nhất được tổ chức đều đặn hằng năm.

Cả đời tâm huyết  với văn hóa Mông, kiên trì thực hiện thành công ước mơ của mình, ông Trư đã phục hồi và tổ chức thành công lễ hội Gầu Tào. Việc làm của ông Trư không chỉ bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa dân tộc mà còn tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, đầy ý nghĩa vào dịp tết cho đồng bào Mông. Việc làm của ông không chỉ khiến cộng đồng thêm đoàn kết mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất và người vùng cao Bắc Hà, mở ra cơ hội phát triển mô hình “cộng đồng làm du lịch” tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, xóa nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào Mông.

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội của người đồng bào dân tộc Mông. Nội dung chính cho lễ hội là cầu phúc hoặc cầu mệnh.  Thời gian mở hội thường trong khoảng từ ngày mồng một đến ngày 15 tháng giêng. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức 9 ngày. Sau phần của thầy mo, làm những thủ tục lễ bái, mọi người tụ tập đến bãi mở hội. Khắp bãi dựng thêm nhiều lều lợp lá cây cho người già ăn uống chúc tụng. Bãi bằng nhất được dọn ra cho trẻ em đánh quay. (Theo wikipedia)

 

Tráng Xuân Cường
(Đài Phát thanh - truyền hình huyện Bắc Hà, Lào Cai)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm