Lễ hội Đền Hùng ra sao qua ngàn năm lịch sử?

06/04/2010 14:12 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ 14-23/4 tới đây, Lễ hội Đền Hùng năm 2010 được tổ chức với một qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với Phú Thọ, các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức lễ dâng hương, và các hoạt động văn hoá tuỳ theo từng tỉnh. Theo khẳng định của NSND Lê Hùng - Tổng đạo diễn Lễ hội thì Lễ khai mạc lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ khác, không chỉ có các màn múa ra ra vào vào như mọi năm. Chúng tôi sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật phong phú. Sẽ có cả kịch nói, kịch hình thể, múa, hợp xướng, đơn ca và hát Xoan. Có hình tượng bọc trăm trứng bùng nhùng, cựa quậy để nở ra một trăm người con...”.

Thành công của Lễ hội Đền Hùng là điều mong ước của mọi con dân đất Việt trong thời điểm này. Thành công đó phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tổ chức lễ hội, trong đó có kịch bản và đạo diễn Lễ hội. Những kinh nghiệm từ quá khứ luôn là những bài học quý. Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên về lễ hội Đền Hùng trong lịch sử.

Trước thời Nguyễn: Giao thẳng cho dân sở tại!

Bản ngọc phả Đền Hùng viết sớm nhất vào năm Thiên phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành, cho thấy cách nay hơn nghìn năm, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quan tâm tới nơi cội nguồn dân tộc.


Lễ hội Đền Hùng năm 1960. Ảnh Tư liệu
Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”

Như vậy có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ ngày 11 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu miễn đi phu đi lính.

Làng Hy Cương làm giỗ Tổ theo cách cầu tiệc như phong tục chung. Ngày 11 tháng 3 họ rước long báu trên Đền Thượng xuống đình làng để tế. Tế xong lại rước trả. Còn dân chúng xa gần nhớ ngày giỗ Tổ thì về Đền lễ bái, tụ hội đông đúc, tự đem đến các trò chơi, hàng hoá mua bán chủ yếu là đồ ăn uống, cũng có thể gọi là lễ hội, tương truyền khá đông vui.

Sắc chỉ của vua Quang Trung năm 1789 vẫn nói duy trì lệ cũ.

Lễ hội với Hát Xoan và tục ngủ lại

Đến nhà Nguyễn, việc quản lý Đền Hùng có sự thay đổi lớn. Triều đình trực tiếp đứng ra tôn tạo các đền đài lăng tẩm chùa chiền. Nhà vua giao Tuần phủ Phú Thọ tổ chức tế ngày giỗ Tổ với sự chỉ đạo của Bộ Lễ, làm trước dân 1 ngày, tức là tế vào ngày mồng 10 tháng 3, để hôm sau dân sở tại tế lễ theo ngày giỗ cũ. Chủ tế là Tuần phủ Phú Thọ. Bồi tế, thông đạo tán, chấp sự là quan lại tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao. Định lệ 5 năm làm một hội lớn hay hội chính, lấy năm chẵn 5 như 1920, 1925...

Năm hội chính, ngay từ tháng giêng trên núi Nỏn đã treo lá cờ thần báo cho đồng bào xa gần biết. Theo thông sức của quan Tuần phủ, có khoảng 40 làng rước kiệu từ đình làng mình tới chầu, tất cả đặt ở chân núi để chấm giải. Giải là một bức trướng vua ban chứ không có gì khác. Riêng kiệu làng Cổ Tích là dân Trưởng tạo lệ được rước lên núi, nhưng cũng chỉ đến bãi bằng Đền Hạ là dừng lại.

Rước kiệu là một hoạt động tín ngưỡng rất tôn nghiêm và náo nhiệt. Một đám rước như vậy gồm 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Kiệu được sơn son thếp vàng đục chạm rất tinh vi. Thân kiệu là 2 con rồng dài gần 4m do 16 người khiêng. Cỗ đi đầu bầy hương hoa đèn nến, giầu cau, bình nước và nậm rượu. Cỗ thứ hai bầy nhang án bài vị thánh có lọng che. Cỗ thứ ba bầy bánh dầy bánh chưng hoặc xôi cùng thủ lợn luộc hoặc cả con. Ông chủ tế mặc áo hoàng bào đi sau kiệu thánh, các quan viên chức sắc đi theo hộ giá. Riêng kiệu nhang án có phường bát âm tấu nhạc hầu thánh đi hai bên. Trừ phường bát âm mặc lễ phục cổ điển (quần trắng áo the khăn xếp) còn các quan viên rước kiệu đều ăn mặc phỏng theo lối quan văn võ và binh sĩ trong triều. Những làng ở xa phải rước hai ba ngày mới tới Đền, bởi vậy phải có ê kíp thứ ba là đội quân hậu cần. Hàng ngày họ phải đem cơm nắm thức ăn nước uống từ nhà đến cho đám rước, đi đi về về rậm rịch.

Cũng nằm trong lễ thức tại Đền Hùng còn có tiết mục Hát Xoan. Hát Xoan xưa gọi là Hát Xuân, chỉ biểu diễn trong mùa xuân. Vì kiêng tên bà Lê Thị Lan Xuân vợ vua Lý Thần Tông, người làng Hương Nộn có công lớn giúp đỡ phường Xuân hoạt động nên gọi chệch đi là Hát Xoan. Đêm Hát Xoan kéo dài từ chập tối đến sáng tại Đền Thượng.

Tối đến ít người về nhà dù ở gần, tục lệ là ngủ lại. Bởi vậy họ đi xem đi chơi cho mệt rã rời rồi tiện đâu ngủ đấy. Giữa bầu không khí cởi mở ấy là hàng loạt trò chơi văn nghệ biểu diễn ngày cũng như đêm tự do thưởng thức không mất tiền. Ban khánh tiết chỉ cần treo lên ít giải làm vui, là các làng xã tự đem đến trò gà chọi, kéo co, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ thi, đấu vật, cờ người...Ban đêm bao giờ cũng có hát chèo tuồng ở các bãi rộng. Phường chèo tuồng đón ở các rạp về hay tự họ xin đến. Cũng có cả các đoàn nghiệp dư ở các làng đến Hội trổ tài. Tất cả các đoàn đó được Ban khánh tiết cho ăn cơm cá thịt và ít tiền lộ phí, biểu diễn cho dân xem không bán vé. Nói chung đi tới Hội là gặp không khí cởi mở thân thương tha thiết nghĩa tình.

Nhiều cải tiến so với xưa

- Giỗ Tổ năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Phó chủ tịch nước lên làm lễ, dâng tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm, cáo với Tổ hoạ xâm lăng và quyết tâm kháng chiến của dân tộc.

- Từ năm 1947 đến 1954 không làm được giỗ, nhưng nhân dân địa phương vẫn cúng bái đơn lẻ,

- Năm 1956 làm lễ hội lớn, do Bộ Văn hoá tổ chức, có rước kiệu. Sau đó thôi không rước nữa.

- Từ năm 1957 về sau, nhất là những năm đánh Mỹ, Lễ hội vẫn đông, nhưng rất đơn giản. Nghi thức là đoàn đại biểu quân, dân, chính của tỉnh và huyện xã sở tại dâng một bó hoa lên Đền Thượng, đi đầu là đoàn thiếu nhi xã Hy Cương đánh trống cà rình.

- Từ năm 1990 đến nay, lễ hội có cải tiến nhiều so với trước. Về lễ có các vị ở Trung ương về dâng hương hoa hoặc làm đồng chủ lễ với Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú (sau là Phú Thọ)...

Bài bản tế được cải tiến rất nhiều so với tế đình làng, chỉ giữ nguyên trang phục truyền thống. Chủ tế đứng yên tại chỗ nhận các lễ phẩm do chấp sự đưa đến để làm lễ, rồi trả lại chấp sự để dâng tiến, chứ không đi lại rồng rắn như cũ. Dàn nhạc cũng ngồi tại chỗ, cử lên hay ngừng im theo hiệu của Đông, Tây xướng. Chỉ dâng hương, hoa, rượu và chúc văn, còn các lễ phẩm khác đều bầy sẵn trong thượng cung. Hai hàng chấp sự khi đặt lễ phẩm lên ban thờ rồi, thì đi giật lùi bước một về chỗ cũ, chứ không quay lưng vào thánh.

Tại Phú Thọ, ngày 14/4 (tức mùng 1/3 Âm lịch), chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2010 được tiến hành đồng thời với khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII với chủ đề Linh thiêng đất Tổ Hùng Vương. Trọng tâm của Lễ hội Đền Hùng là Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra lúc 7h ngày 23/4 (10/3 âm lịch) tại Điện Kính Thiên với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, các hoạt động văn nghệ, triển lãm, thể thao, du lịch và các trò chơi dân gian tiêu biểu... sẽ diễn ra liên tục suốt 10 ngày của Lễ hội (từ ngày 14/4 - 23/4) tại thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng.


Vũ Kim Biên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm