Nhạc sĩ Xuân Oanh từ góc nhìn của thượng nghị sĩ Tom Hayden

31/03/2010 15:47 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Nhạc sĩ Xuân Oanh đã qua đời ngày 27/3 tại Hà Nội. Tang lễ nhạc sĩ Xuân Oanh sẽ được tổ chức vào sáng nay, 31/3 tại Nhà tang lễ số 5 - Trần Thái Tông


 Nhạc sĩ Xuân Oanh
1.
Có thể nói về ông như là tác giả ca khúc bất hủ 19 tháng Tám. Cũng có thể nói về ông như một nghệ sĩ có tài cầm, kì, thi, họa, thông thạo 7 ngoại ngữ trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp, vốn kiến thức Đông- Tây, kim- cổ.


Là nhà ngoại giao nhân dân, từ năm 1951, Xuân Oanh đã tham gia thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, rồi trở thành Tổng Thư kí kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban. Trong Hội nghị Paris về Việt Nam, từ 1968 đến 1972, ông tham gia phái đoàn Việt Nam với tư cách đại diện Ủy ban Bảo vệ hòa bình Việt Nam và Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ-Pháp, vận động phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Ông cũng từng đón tiếp nhiều nhà hoạt động chống chiến tranh từ Mỹ tới thăm Việt Nam giữa những ngày chiến tranh ác liệt, trong đó có cựu thượng nghị sĩ (TNS) G.McGovern, nguyên ứng cử viên Tổng thống Mỹ, nữ nghệ sĩ Jane Fonda và chồng bà khi đó là Tom Hayden...

2. Tưởng nhớ Xuân Oanh, tôi xin giới thiệu một phần bài viết của Tom Hayden về ấn tượng của ông đối với Xuân Oanh, mà ông coi là “người bạn gần gũi nhất” của mình ở xứ sở này.

Tom Hayden nguyên là Thượng Nghị Sĩ bang California, ông từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, lãnh đạo Chiến dịch Hòa bình cho Đông Dương từ 1972 đến 1975. Bài viết của ông đăng trên báo Mỹ The Nation ngày 10/3/2008 trong đó ông có linh cảm như là cuộc gặp cuối cùng của mình với Xuân Oanh:

“Mùa Giáng sinh năm 2007, tôi trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau 32 năm. Tôi cảm thấy có nhu cầu bức xúc phải trở lại nơi ấy một lần nữa - đó là nỗi tiếc nuối đã rời khỏi một đất nước mà tôi đã từng tới thăm bốn lần trong chiến tranh. Tôi muốn hiểu những bài học có ý nghĩa lâu dài, dựa trên trải nghiệm cá nhân, muốn tìm lại những hướng dẫn viên, phiên dịch viên đã từng tháp tùng những “người dân” Mỹ đi thăm những khu đổ nát do “kẻ thù” Mỹ gây ra. Những người ấy có lẽ đã trở thành những cầu nối quan trọng về ngoại giao giữa hai nước chúng ta trong thời kì sau chiến tranh.


Tom Hayden và Jane Fonda trả lời phỏng vấn báo chí sau chuyến thăm
của Jane tới Hà Nội để phản đối các vụ ném bom của máy bay Mỹ

Phần lớn trong số họ đã trải qua cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ và giờ đây chắc đã ngoại 80. Liệu họ có còn không? Sau sự hào hứng với thắng lợi và thống nhất đất nước sau năm 1975, họ đã thích ứng ra sao với một Việt Nam không còn chiến tranh? Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Đỗ Lê Châu cho biết, rất nhiều trong số những nhà cách mạng lão thành ấy vẫn còn sống.

Châu hào hứng với việc tôi trở lại Việt Nam và hỏi tôi muốn gặp ai. Tôi bảo anh rằng người bạn gần gũi nhất của tôi là một nhà thơ, nhạc sĩ, nhà phiên dịch Đỗ Xuân Oanh, người hồi ấy có lẽ chừng 40 tuổi. “- Tôi có thể giúp ông tìm ra người ấy - Châu cười bảo tôi - ông ấy là cha tôi”. Mắt tôi trào lệ...

Tôi đến thăm Đỗ Xuân Oanh, người đã đón tôi tại sân bay Hà Nội vào một ngày tháng 12 của 42 năm trước. Ông vừa dịch xong một số bài thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam sang tiếng Anh. Ông sống một mình sau khi vợ ông qua đời vì bệnh tật.

Như trong kí ức của tôi, Xuân Oanh yêu mến nước Mỹ theo kiểu không giống ai. Chẳng hạn, sau khi học tiếng Anh qua đài BBC, ông đã dịch cuốn Huckleberry Finn sang tiếng Việt, một thách thức ghê gớm. Là nhạc sĩ, ông có thể hát được rất nhiều bài hát phản đối chiến tranh do người Mỹ sáng tác. Là một người lãng mạn, ông rất dễ cảm xúc và thân thiết với rất nhiều người Mỹ.

Tôi đi trên lối nhỏ lát xi măng qua những căn hộ đến cửa ngôi nhà nơi Xuân Oanh đã sống 50 năm ở đó. Oanh đứng ở cửa, cái bóng gầy nhỏ của Xuân Oanh mà tôi vẫn còn nhớ được. Ông nắm tay tôi, dẫn tôi vào căn phòng không cửa sổ, nơi có bộ sa lông và chiếc piano là những đồ dùng đáng kể nhất. Trong phòng còn có giá vẽ và bếp. Chúng tôi ngồi và nhìn nhau. Oanh nắm tay tôi để lên đầu gối mình, trong khi những người khác ngồi xung quanh. Đó là chuyến thăm cuối cùng hơn là một dịp để nối lại một câu chuyện cũ.

“Ông có muốn làm một ngụm không?” Oanh tủm tỉm hỏi tôi, chỉ tay vào chai Jim Beam vơi còn một nửa. Tôi từ chối vì ngại có chuyện gì xảy ra với ông sau li rượu. Vợ tôi bảo Xuân Oanh có vẻ vẫn khỏe so với tuổi 85 của ông. Vợ tôi hỏi liệu Xuân Oanh có thể chơi piano không. Và Xuân Oanh chơi một bản nhạc theo phong cách cổ điển châu Âu. Ông cho tôi một bản in bài hát, có đề tặng “ Người bạn quý” và một lưu niệm nhỏ có hình một cô gái Việt Nam xinh đẹp mang cặp sách... Tôi tự hỏi liệu chúng tôi có cơ hội gặp được nhau trở lại hay không...

Chúng tôi quay ra lối nhỏ dẫn ra con đường tấp nập xe máy. Xuân Oanh nhìn tôi một hồi lâu và bảo: Chẳng điều gì có thể đoán trước được đâu!

Đó là những câu nói cuối cùng của ông trước khi chúng tôi chào giã biệt...”

Bùi Ngọc Hải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm