Tiến sĩ khoa học Phó Đức Tùng: Cái lý của phong bì

24/03/2010 07:59 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Gần đây, “văn hóa phong bì” là một trong những chủ đề thường xuyên được bàn đến, ở nơi công sở, cơ quan cũng như trên các diễn đàn, lúc tán gẫu vỉa hè. Có vẻ như ai cũng hiển nhiên coi đây là một loại tệ nạn, nhưng không thể tránh khỏi, như một căn bệnh bẩm sinh của xã hội. Thực ra, mọi sự khi đã tồn tại trên phổ rộng, cho dù có rất nhiều mặt trái, nhưng cũng phải có lý do chính đáng của nó.

Vấn đề phong bì có thể được chia làm mấy loại chính sau:

Loại thứ nhất là đút lót cho quan tham, với mục đích đạt được những quyền lợi bất hợp pháp, thậm chí gây hại cho xã hội. Loại này không thể coi là một loại “văn hóa”, dù hiểu chữ văn hóa đấy theo bất kỳ nghĩa nào. Tuy nhiên, có thể thấy rõ vấn đề ở đây là mục đích đằng sau chứ không phải bản thân việc đưa phong bì. Tham lam vốn cũng là tính người, có điều dừng ở đâu để không gây hại cho người khác. Cộng thêm vào đó cần có những cơ chế kiểm soát và thưởng phạt nghiêm minh, công hiệu. Ở các nước khác, cơ chế giám sát hiệu quả hơn nước ta nhiều, nhưng thực ra cũng chỉ giảm bớt chứ không loại trừ hoàn toàn lệ nhận đút lót.

Loại thứ hai là chi phong bì cho quan chức, nhân viên hành chính, nhằm đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho những quyền lợi hợp pháp. Chúng ta phải thấy toàn bộ hệ thống hành chính là một bộ máy làm việc theo nguyên tắc ăn lương cố định cả đời, làm việc theo giờ, với công suất quy định. Không một pháp luật nào có thể ép cán bộ hành chính làm việc quá tải. Trong khi đó, nền kinh tế lại theo hướng kinh doanh thị trường, coi thời gian, tốc độ là tiền bạc. Hai hệ thống này vốn không tương thích với nhau, vì không cùng nguyên lý vận hành. Vì vậy, khi bị buộc phải phối hợp với nhau thì việc thị trường hóa hành chính bằng phong bì là lẽ thường. Nó giúp hệ thống hành chính tăng được công suất phục vụ tổng thể lên một cách đáng kể và cũng giúp phân bố dịch vụ này một cách tối ưu. Người nào cần nhanh thì trả nhiều tiền, người nào không cần gấp thì có thể trả ít tiền và chờ đợi. Vấn đề chỉ trở nên nghiêm trọng khi vì thiên vị phục vụ một số đối tượng nhiều tiền mà những người dân thường không còn chỗ để được hưởng những dịch vụ tối thiểu pháp luật đã quy định. Khi đó ta sẽ có trường hợp 1 ở trên.

Cũng có một số ý kiến cho rằng vì muốn ăn tiền mà giới hành chính sẽ chủ bụng “hành”, gây nhiều phiền toái. Điều này quả thật cũng có xảy ra. Nhưng nếu xét một cách khách quan thì chẳng ai có thể muốn hành người khác cho vui cả. Nếu thật sự coi hành chính là một loại dịch vụ thị trường, trả càng nhiều tiền càng hưởng chăm sóc tốt thì sẽ chẳng có vấn đề gì. Lại có người trả nhiều tiền mà vẫn không được việc, vì chạy không đúng cửa, không đúng cách. Điều này cũng là bình thường, bất kỳ ai cầm tiền đi mua hàng, dù là ngoài chợ hay siêu thị mà không hiểu biết về cái mình định mua cũng có thể phải trả “ngu phí”, nhất là đối với những thứ hàng hóa, dịch vụ vô hình. Chuyện tiền mất tật mang là vấn đề thường nhật của mọi tính toán đầu tư, chẳng riêng gì trong lĩnh vực phong bì. Ở phương Tây từ thời công nghiệp, hệ thống hành chính được chuẩn hóa, đơn giản và thuận tiện. Mức sống cũng như chất lượng dịch vụ nhìn chung rất cao nên trong những việc thường nhật, người ta ít phải lo chuyện phong bì. Nhưng hễ cần những việc gì hơi khác thường một chút thì cũng không thể tránh khỏi việc quan hệ. Tất cả những năng lực quan hệ này đều được quy về một loại gọi là “social competence” hay là năng lực hòa nhập cộng đồng. Gần đây, năng lực này đã trở thành một trong những năng lực sống còn và rất quan trọng trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực.

Trong tất cả các loại nỗ lực thiết lập quan hệ xã hội để được hưởng lợi thì việc đưa phong bì dù sao cũng còn là nhanh nhất, dễ nhất và ít hao tổn nhất cho cả đôi bên. Nếu bị buộc phải đi ăn nhậu, trai gái với đối tác hay lo mua quà đúng, thậm chí chỉ cần tìm lời nói đúng lúc đúng chỗ cũng đều phiền toái cả. Vì thế, phàm là những quan hệ cầu cạnh, tranh thủ lẫn nhau để hưởng lợi thì phong bì vẫn là tiện dụng nhất.

Loại thứ ba là việc phát phong bì đại trà trong các hội nghị, hội thảo. Những việc này đã thành thông lệ, thường thì cũng chẳng mang lại lợi ích gì cụ thể cho bên phát tiền, nhưng nếu không phát thì không xong. Nhiều đơn vị tổ chức những loại hội họp này thường méo mặt vì lo phát phong bì. Tuy nhiên, theo tôi điều này cũng có thể coi là một nét văn hóa dưới góc độ phong tục tập quán. Từ những xã hội nguyên thủy, những bộ lạc sơ khai tới những làng xã, thôn xóm nông nghiệp thì ai có việc phải triệu tập cộng đồng tất cũng phải có chút gì khao làng. Trong cộng đồng đến dự thì lại phân cao thấp, người cao thì phải được chú ý hơn. Có thế thì mới có mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng và cộng đồng cũng có một số trách nhiệm nhất định. Rồi những người đi dự lại có phần mang về cho gia đình, đó cũng là lẽ thường. Tóm lại thì cá nhân, tổ chức nào đã chủ trì việc mời người ta đến dự, chẳng vì lợi lộc cũng vì cái danh, thế thì cũng chẳng có gì quá đáng.

Tóm lại, cốt cách con người chẳng nằm trong phong bì, cũng không vì phong bì mà thêm bớt được mất. Muốn người ta làm gì cho mình thì trả tiền. Lấy tiền của người ta thì phải làm cho người ta việc tương ứng. Đằng nào cũng tốn tiền thì đưa phong bì để người ta tự sử dụng còn hơn lãng phí vào việc người ta không cần. Làm được những điều đó một cách minh bạch, khách quan, vô tâm và thiện chí thì theo tôi, cũng có thể được coi là văn hóa vậy.

Tiến sĩ khoa học Phó Đức Tùng

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:
“Văn hóa phong bì” nhập nhằng tốt-xấu, tình cảm-mua bán

Cái gọi là “văn hóa phong bì” là hiện tượng giáp ranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp và tính thực dụng thời hiện đại. Khác với xã hội phương Tây vốn dựa trên nền tảng kinh tế, mọi quan hệ đều rất rạch ròi sòng phẳng kiểu “ăn bánh trả tiền”, xã hội truyền thống Việt Nam là một xã hội nông nghiệp với nguồn tài nguyên trù phú, con người không cần phải bươn chải nhiều nên người Việt coi trọng sự ổn định hơn là phát triển. Để phát triển thì con người ganh đua, cạnh tranh với nhau, còn muốn ổn định thì mọi người phải giữ quan hệ tốt với nhau, mà muốn quan hệ tốt tất yếu phải coi trọng tình cảm. Truyền thống “trọng tình” được biểu hiện qua việc quan tâm lẫn nhau, quà cáp cho nhau để thể hiện cái “tình” hoặc “tri ân” người đã giúp đỡ mình. 

Tuy nhiên ngày nay chúng ta đang chuyển từ một xã hội nông nghiệp sang một xã hội công nghiệp, từ làng xã nông thôn nhỏ hẹp trong sang đô thị rộng lớn theo kiểu phương Tây. Và sự ra đời của “văn hóa phong bì” có thể xem là một thứ sản phẩm quái thai hòa trộn nhập nhằng giữa cái cũ là tình cảm với cái mới là “mua bán”: hình thức là “tình cảm” nhưng nội dung là “mua bán”. Trong hàng trăm ngàn phong bì có thể có rất nhiều phong bì mang tính mua bán, hối lộ nhưng vẫn có những phong bì thực sự mang tính tình cảm và việc phân biệt hai loại này không phải là khó khi xét đến thời điểm cùng giá trị tinh thần và vật chất của phong bì.

Bên cạnh đó, thực trạng kinh tế của chúng ta hiện nay cũng tạo môi trường “hợp pháp” cho phép “văn hóa phong bì” phát triển: đó là tình trạng đồng lương chính thức của các công chức còn xa mới đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho mình và gia đình. Đó là lý do hợp lý, hợp pháp cho cả người đưa và người nhận phong bì. Người quản lý cũng không thể thẳng tay xử lý cấp dưới khi đồng lương mình thay mặt nhà nước trả cho người ta không đủ sống, và khi bản thân mình cũng nằm trong vòng luẩn quẩn “trao-nhận phong bì”…

Như vậy, trong khi nguyên nhân “giao thời giữa truyền thống và hiện đại” thuộc về văn hóa thì trách nhiệm trong việc “đồng lương không đủ sống” thuộc về nhà quản lý; khi nào mà nhà quản lý điều phối được “tổng nguồn thu” trong xã hội sao cho bảo đảm để công chức toàn tâm toàn ý làm một việc ở một nơi và nhận được đồng lương xứng đáng. Khi nào mà cả xã hội hiểu rõ rằng người làm việc chân chính thì sẽ có một cuộc sống thoải mái, không cần đến những khoản phụ thu, còn người nhận hối lộ thì sẽ mất việc thì lúc ấy “văn hóa phong bì” cũng sẽ “thoái trào”…

Ninh Lộc (ghi)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm