Cải lương đang tuột dốc không phanh

11/03/2010 14:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không phải chỉ những năm gần đây mọi người mới nghĩ đến chuyện “cứu” sân khấu cải lương (SKCL), loại hình nghệ thuật đặc sắc của nước nhà, đang tuột dốc không phanh. Thế nhưng cả chục năm nay, vẫn chưa có một kế hoạch khả thi nào được đưa ra.

Tất cả đều dang dở

Đầu những năm 2000, theo chỉ thị của UBND TP.HCM, một loạt những chương trình nhằm chấn hưng SKCL tập hợp nhiều thế hệ nghệ sĩ đã rầm rộ diễn ra. Tuy nhiên cũng như bao “phong trào” khác, những hoạt động này nhanh chóng “mất lửa”.

Tới năm 2004, hơn 30 tấm HCV triển vọng Trần Hữu Trang đang rải rác khắp nơi được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tập hợp về lập nên nhóm Thắp sáng niềm tin (TSNT). Đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế thừa là yêu cầu cần thiết nhất của SKCL và những gương mặt trẻ này là một “nguồn lực” đáng hi vọng để “thắp” lại ngọn lửa” cải lương đang leo lét.

Sự có mặt của TSNT đã thực sự đem lại luồng gió tươi mới cho SKCL vốn đã quá già nua, cũ kỹ. Thế nhưng bước sang tuổi thứ năm thì TSNT đang đối diện với muôn vàn khó khăn. Lực lượng nghệ sĩ hùng hậu với hơn 30 cá nhân vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan đã rơi rụng dần, chỉ còn lại khoảng 10 người bám trụ. Những suất diễn thưa vắng khán giả đến chạnh lòng khiến nhiều người trong nghề không khỏi chán nản. Tác giả Hoàng Song Việt, người “nuôi” TSNT trong những năm qua, luôn cố gắng duy trì một suất diễn/ tuần cho nhóm, cũng không biết mình còn “cầm cự” thêm được bao lâu. Và quan trọng nhất, dường như các nghệ sĩ trẻ đã không còn tha thiết với sân khấu như những ngày đầu. TSNT đã “giảm lửa”.


Cảnh trong một vở diễn của nhóm Thắp sáng niềm tin, vở diễn được đầu tư nghiêm túc,
dàn diễn viên trẻ luôn hết mình trên sân khấu
nhưng vắng khán giả vì thiếu ngôi sao

Năm 2007, CLB Cải lương hài cũng đã có cuộc ra mắt khá rầm rộ với báo giới và công chúng TP.HCM. Trong xu thế tiếng cười đang được ưa chuộng, cải lương cũng cố gắng thay đổi bản thân để “sống được”. Việc tập hợp hàng loạt “cây cười” (dù người của kịch nói vẫn nhiều hơn cải lương) trong đó danh hài ăn khách Hoài Linh là nòng cốt đã hứa hẹn lôi kéo thêm nhiều khán giả đến với SKCL. Tuy nhiên, vở diễn ra mắt và cũng là duy nhất của CLB là Đứa con tiền kiếp dù có Hoài Linh vẫn “chết yểu”. Đến hôm nay không còn mấy ai nhớ đến SKCL từng có CLB Cải lương hài.

Năm 2008, đôi nghệ sĩ tài danh Minh Vương - Lệ Thủy thành lập Sân khấu vàng (SKV) tập hợp những nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng”, chủ trương đem đến cho công chúng những vở diễn với “chất lượng vàng”. Thế nhưng có vẻ SKV chỉ làm tốt công tác từ thiện hơn là tác động tích cực đến SKCL. Và hoạt động “chập chờn” cũng như sự xuất hiện của những chương trình tổng hợp cũng khiến SKV ít nhiều “mất chất” trong mắt những khán giả khó tính.

Sân khấu Bình Thới của Công ty Hoàng Anh Tú rồi sân khấu Hoa sen trắng (chuyên về tuồng Phật giáo) của nghệ sĩ Châu Thanh cũng ra đời với đầy quyết tâm dàn dựng những kịch bản cải lương đúng nghĩa. Thế nhưng chỉ sau một vở diễn ra mắt đã “im hơi lặng tiếng”...

Vì sao nên nỗi?

Bỏ qua những lý do đại loại như: thiếu kịch bản hay, bị cạnh tranh bởi các loại hình giải trí thời thượng... mà mọi người đã “nhàm tai” hàng chục năm nay, thì câu trả lời cho sự dở dang của những kế hoạch trên gần như chỉ có một: “không thể tập hợp được nghệ sĩ”.

Nhiều người không hề thiếu tiền để đầu tư cho cải lương nhưng không phải dễ để tập hợp được ê-kíp nghệ sĩ cho một vở diễn. SKCL khủng hoảng thật nhưng nghệ sĩ thì chưa bao giờ thiếu sô diễn. Chính các nghệ sĩ cải lương (chứ không phải diễn viên kịch) mới đang dẫn đầu về chạy sô trong giới sân khấu. Trong khi lịch chạy sô của các “cây cười” luôn đặc kín thì dự định “mỗi tuần một suất diễn” của CLB Cải lương hài chỉ là chuyện viển vông.

Mỗi khi được hỏi đến hoạt động của sân khấu Hoa sen trắng, nghệ sĩ Châu Thanh chỉ cười buồn: “Anh chị em nghệ sĩ ai cũng có công việc riêng hết, rất khó để xếp lịch cho mọi người tham gia vở diễn, huống chi tuồng dài thì thời gian tập tành cũng phải nhiều hơn...”. Hệ quả của việc này chính là những chương trình tổng hợp chắp vá, thiếu tập tành, tiết mục cũ kỹ, dàn dựng sơ sài, nghệ sĩ không thuộc tuồng, vô hồn trên sân khấu... đang ngày càng phổ biến.

Tâm lý chuộng sao

Mặt khác, tâm lý chuộng ngôi sao của một bộ phận khán giả cũng góp phần “bức tử” SKCL. SKV nếu không đủ mặt Minh Vương - Lệ Thủy thì giảm hẳn sức hút. Nhóm xã hội hóa Vũ Luân hoàn toàn phụ thuộc vào cặp đôi Vũ Luân - Tú Sương. Có những khán giả không cần biết chất lượng chương trình ra sao, chỉ cần sự có mặt của ngôi sao mình yêu thích là đủ. Và một nghịch lý diễn ra là những vở diễn nghiêm túc, được đánh giá cao về chất lượng nhưng thiếu vắng ngôi sao (nhóm TSNT, sân khấu Bình Thới) thì khán giả chỉ thưa thớt trong khi những chương trình tổng hợp chất lượng bấp bênh vẫn “sống được” nhờ “rợp trời sao”. Chính những chương trình như thế đã đẩy khán giả chân chính ngày càng xa rời SKCL.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm