Chuyện ly kỳ về người con nuôi Anh hùng Núp

16/02/2010 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Với hơn 70 tác phẩm điêu khắc được lưu giữ tại các bảo tàng trong nước, khoảng 100 tác phẩm nằm tại các bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng nước ngoài, vị thế của Đinh Rú trong nền mỹ thuật VN đương đại đã được khẳng định. Thế nhưng, không nhiều người biết Đinh Rú là cái tên được Anh hùng Núp đặt cho cậu con nuôi của mình.

Từ phiên dịch trở thành con nuôi Anh hùng Núp


 Anh hùng Núp - Ảnh Nguyễn Quang Tuệ
Điêu khắc gia Đinh Rú tên thật là Đằng Trên, người dân tộc Chăm, sinh ra ở Ninh Thuận. Ông mồ côi mẹ khi mới lên 10 tuổi, cha ông tục huyền với một phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi. Thuở nhỏ, ông theo cha - một thợ chạm tài hoa - đi khắp nơi. Sau này, cha ông chuyển nghề đi buôn bò khắp các tỉnh duyên hải Trung Bộ và đặc biệt là Tây Nguyên. Đến Tây Nguyên, tượng nhà mồ của đồng bào bản địa cũng như văn hóa nơi đây đã hút hồn cậu bé Đằng Trên. Đó có thể xem là bước đầu tạo dấu ấn trong tâm hồn để hình thành một nhà điêu khắc Đinh Rú sau này.


Khoảng năm 12 tuổi, như một cơ duyên của cuộc đời, Đằng Trên trở thành “người lính con” của bộ đội Việt Minh ở Trung đoàn 120 Tây Nguyên. Giao liên là công việc của “lính con” Đằng Trên lúc đó. Thời điểm này, ông đi hầu hết các buôn làng Tây Nguyên. Đi cũng đồng nghĩa là sống với văn hóa nơi ông đã đến. Và văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ, đã “ngấm vào” người ông tự nhiên như con suối, cánh rừng của đại ngàn xanh thẳm.

Năm 1954, Đằng Trên lên chuyến tàu đầu tiên tại Quy Nhơn (Bình Định) tập kết ra Bắc, đóng quân ở Nghệ An. Ở miền Bắc, ông đã gặp Anh hùng Núp - một người con huyền thoại của Tây Nguyên, nhân vật chính trong tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc. Đinh Rú kể về cơ duyên ông trở thành con nuôi Anh hùng Núp: “Khoảng năm 1956, Anh hùng Núp thường được mời đi nói chuyện ở các trường học. Nhưng thời điểm lúc đó, Anh hùng Núp chưa nói rành tiếng Kinh nên cần người phiên dịch. Cũng là duyên số, tôi được chọn làm phiên dịch từ tiếng Bana sang tiếng Kinh cho Anh hùng Núp. Nói thật, dù biết tiếng Bana nhưng tôi cũng không rành hết, do đó vừa dịch vừa đoán, cái nào không hiểu thì... tùy cơ ứng biến”.

Nhà điêu khắc Đinh Rú (sinh năm Đinh Sửu - 1937) còn là một chuyên gia về văn hóa Tây Nguyên. Năm 2007 ông lên Đắk Lắk để tư vấn cho trại điêu khắc tượng nhà mồ trong Festival Cồng chiêng Tây Nguyên. Tại đây, ông phát hiện rằng người ta đang dùng cồng chiêng không đúng cách. Vì mỗi dân tộc có một loại cồng chiêng riêng và mỗi loại dùng vào một dịp khác nhau. Trong ngày khai mạc một hội cồng chiêng, người ta đã dùng bộ cồng chiêng cho lễ bỏ mả để… chào mừng khách, điều này thật không phải phép.

Cảm tình với chàng trai mồ côi sau những chuyến đi phiên dịch cho mình, Anh hùng Núp đã nhận Đằng Trên làm con nuôi và đặt tên là Đinh Rú. Điêu khắc gia Đinh Rú giải thích: “Đinh là họ của ông già Núp, còn Rú ở Nghệ An có nghĩa là núi rừng. Ông già có một người con trai nhỏ hơn tôi tên là Đinh Rúc, còn tôi là Rú”.


Đinh Rú quý mối tình cha con này đến độ tên thật Đằng Trên chỉ còn trong giấy khai sinh và ông hiện hữu với đời bằng cái tên do Anh hùng Núp đặt cho. Hỏi về kỷ niệm với người cha nuôi anh hùng của mình, Đinh Rú kể: “Trong những tháng năm ở miền Bắc trước khi đi B (vào Nam) chiến đấu, ông già Núp được đi học ở trường bổ túc văn hóa của quân đội. Ông già than phiền rằng học cái chữ khó hơn đánh thằng Pháp, vì làm bài chính tả lần nào cũng bị điểm kém. Tôi thương ông lắm. Có thể chữ nghĩa học vấn ông không bằng ai nhưng tấm lòng vì quê hương của mình sạch bóng ngoại xâm thì khó ai bì kịp”.


Nhà điêu khắc Đinh Rú trong phút thư giãn khi đang tạc tượng
mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Vẽ quả bí và trở thành… điêu khắc gia

Đóng quân ở Nghệ An sau khi tập kết, Đằng Trên vừa học chữ vừa học quân sự. Năm 1957 có đợt chỉnh huấn, chỉnh quân. Cũng như những người lính khác, ông được phát giấy để viết báo cáo kết quả học tập. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, ông bất thần vẽ hai trái bí rồi tô màu thật đẹp để... báo cáo. Tất nhiên, các báo cáo đều được thu lại để nộp lên cấp trên. Riêng báo cáo của Đằng Trên đến tận tay Thiếu tướng Lê Quang Hòa. Liền sau đó, Đằng Trên được gọi lên Bộ tư lệnh Quân khu 4, Vị Thiếu tướng tinh đời hỏi: “Cháu thích vẽ lắm hả, nếu thích chú cho đi học?”. Lúc đầu, cậu trai Đằng Trên rất hoảng nhưng khi nghe vị tướng hỏi thế thì ông chỉ thốt lên được hai tiếng: “Thích lắm!”. Đinh Rú cầm quyết định về Trường Văn hóa Dân tộc và ngay sau đó (năm 1958) ông thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Việt Nam ở hệ trung cấp hội họa.


 Người đầu làng tác phẩm duy nhất đoạt giải Nhất - Giải thưởng Mỹ thuật TP.HCM 2009
Người dân ở phố Sinh Từ, Hà Nội vào năm 1958 hẳn còn nhớ một chàng trai nhỏ người, da đen làm nghề giặt quần áo mướn. Suốt năm 1958, để có thêm tiền lo việc học và mua màu, giấy vẽ rất tốn kém, mỗi ngày Đinh Rú phải giặt ít nhất 20 bộ quần áo để có 5 đồng. Hết năm 1958, khi đã biết vẽ, thay vì ngồi nói chuyện “nghệ thuật vị nghệ thuật”, Đinh Rú đã đem nghề vẽ ra ứng dụng “vị cuộc sống của mình”. Ông đã đi vẽ tĩnh vật, vẽ chân dung khắp Hà Nội. Ông đến các tiệm vẽ để nhận “hàng gia công”. Chẳng hạn, các chủ tiệm nhận của khách 10 đồng thì ông chỉ lấy 6 đồng. Do đó, Đinh Rú ngày càng đắt “sô” và đời sống lẫn tay nghề ngày càng được nâng cao.


Suốt thời gian học mỹ thuật, Đinh Rú luôn học xuất sắc và đỗ đầu khóa với số điểm tuyệt đối 20/20 qua tác phẩm Hũ gạo kháng chiến. Lẽ ra, kết quả học tập này sẽ thành tấm giấy thông hành để ông lên thẳng hệ đại học. Nhưng Đinh Rú lại rẽ ngoặt sang điêu khắc và... thi lại từ đầu. Từ bước rẽ ấy mới có một điêu khắc gia Đinh Rú nhiều cống hiến trong làng mỹ thuật ngày nay. Trong rất nhiều triển lãm, trại sáng tác hay các cuộc thi, hễ Đinh Rú “dự phần” thì chắc chắn ông có giải. Năm 2007, Đinh Rú được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Còn tác phẩm của ông có mặt hầu hết ở các bảo tàng trong cả nước và các bảo tàng của Anh, Pháp, Mỹ, Italia, Thụy Sĩ, Canada, Malaysia, Nhật Bản... Đặc biệt ở Nhật, Đinh Rú nhẩm tính rằng các nhà sưu tập tư nhân và bảo tàng đã mua của ông 48 pho tượng.

Nhiều người cho rằng tượng của Đinh Rú (đa phần bằng gỗ) là bước nối tiếp, kế thừa của tượng nhà mồ Tây Nguyên. Điều này hiển nhiên đúng nhưng không phải đúng hoàn toàn. Khi một người trong gia đình qua đời, ví dụ như người Gia- Rai, thì các thành viên trong gia đình mỗi người tạc một bức tượng để cắm quanh mộ người chết. Bởi họ quan niệm, người chỉ chết phần xác, còn phần hồn vẫn sống, do đó tạc tượng để người chết có bạn vui chơi, tâm tình. Đinh Rú cho biết: “Tượng nhà mồ giá trị ở chỗ cái hồn của người sống muốn gửi cho người chết chứ không hẳn là hình thức bên ngoài. Tôi tạc tượng cũng là tạc cái hồn của mình vào pho tượng”. Chính vì Đinh Rú tạc “hồn tượng” bằng những nét chạm khỏe khoắn như những vết rìu khắc vào thân gỗ của tượng nhà mồ nên được các nhà sưu tập ưa chuộng chăng?


Các tác phẩm để “ngổn ngang” trong nhà Đinh Rú
đều đã có bảo tàng, nhà sưu tập “đăng ký”

“Tôi không học để làm quan”

Sau năm 1975, Đinh Rú về giảng dạy ở Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Khi đang giảng dạy, ông Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình (nay tách ra thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) - một đồng đội cũ của Đinh Rú - gửi công văn mời ông về làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa. Không đắn đo nhiều, ông cảm ơn tấm lòng của đồng đội cũ còn nhớ đến mình, nhưng: “Tôi được học để làm mỹ thuật chứ không được học để làm quản lý. Chuyện quan quyền tôi không biết gì hết, tôi chỉ biết đục đẽo mà thôi”.

Một chiều nhạt nắng cuối năm Kỷ Sửu, tôi đến thăm nhà Đinh Rú trong một con hẻm ngoằn ngoèo ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Trên khoảng sân hẹp, “chàng” nghệ sĩ tuổi 73 mặc áo may-ô vẫn đang đánh vật với khối gỗ xà cừ. Ông bảo đang tạc tác phẩm Hoàng hôn và bình minh, Trăm năm trồng người để chuẩn bị tháng 8/2010 ra Hà Nội dự thi nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông cho xem thêm nhiều phác thảo dự định “thi công” trong nay mai, phác thảo nào cũng ghi rõ ngày tháng vẽ và năm sẽ “tạc”. Xem ra, kế hoạch làm việc của Đinh Rú đâu vào đấy cả rồi. Cho dù năm 2007, ông lâm trọng bệnh tưởng đã ra đi. Nhưng dường như thời gian đang “thỏa hiệp” với Đinh Rú, để ông mang đến cuộc đời này nhiều điều lạ, lạ như từng hốc cây góc suối của núi rừng...

Tượng đài Chiến thắng Phước Long là một trong những biểu tượng đẹp của tỉnh Bình Phước, thế nhưng không mấy ai biết đó là tác phẩm của Đinh Rú được hoàn thành vào năm 1983. Đinh Rú kể rằng Chiến thắng Phước Long thường xuyên được sử dụng làm logo ở các chuyên mục trên đài truyền hình và báo tỉnh Bình Phước, nhưng chưa hề được ai nói tới chuyện… tác quyền.


Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm