Thực sự yêu lính, sẽ viết được những tác phẩm hay

07/02/2010 15:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trong ba giải Nhì (không có giải Nhất) về văn xuôi cuộc thi thơ và truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội 2008-2009 vừa trao giải ngày 4/2, có một tác giả đoạt giải là đại úy biên phòng từng công tác 5 năm tại 11/12 trạm biên phòng ở Hà Giang. Anh là Nguyễn Phú, tác giả của chùm tác phẩm: Rau cay, Đồi lau sau hoa tím. Cả hai tác phẩm này đều được anh thai nghén và cho ra đời trong những ngày còn làm nhiệm vụ tại Hà Giang.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với anh.

 Nguyễn Phú - giải Nhì văn xuôi cuộc thi thơ và truyện ngắn tạp chí VNQĐ 2008-2009
* Trước tiên xin được chúc mừng “tác giả - đồng chí” Nguyễn Phú, sau là muốn biết Nguyễn Phú “là ai” được không?


- Tên thì khỏi trình bày lại nữa nhé. Tôi sinh năm 1981, quê Phú Xuyên, Hà Tây cũ. Gia đình tôi không có ai công tác trong ngành quân đội và với văn chương càng không. Tôi mê và tập viết văn từ khi còn nhỏ nhưng đến năm 19 tuổi mới có bài thơ đăng báo đầu tiên ở báo Hà Tây, bài Mừng Đảng, mừng Xuân.

* Không “con nhà nòi” (kể cả trong quân đội lẫn văn chương) nhưng Phú lại thi vào Học viện Biên phòng, vừa cầm súng bảo vệ biên cương, chia ngọt sẻ bùi cùng bà con dân bản vừa cầm bút viết văn và đoạt giải. Phú quyết định vậy hay do ai, điều gì tác động đến Phú chăng?

- Trước đây thì tôi nghĩ chẳng có ai tác động, nhưng bây giờ, tôi nghĩ đó là bà nội. Bà tôi tuy chỉ biết mặt chữ nhưng bù lại bà thuộc rất nhiều ca dao, dân ca, hát ru cổ. Chính bà đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn tôi bằng những câu ca dao, dân ca, hát ru cổ mà bà có. Đó có lẽ chính là mạch nguồn đọng lại trong tôi để rồi sau này lớn lên, những trải nghiệm, những va đập mình với thực tế đã đưa tôi đến với văn chương.

Gia đình tôi nghèo nên sau khi học xong THPT, tôi định không thi ĐH. Nhưng sau những lần “đấu tranh tư tưởng”, tôi nghĩ cách tốt nhất để vừa giúp bố mẹ, vừa mở ra cơ hội, tương lai cho chính mình là phải thi đỗ đại học. Tôi thi đỗ Học viện Biên phòng. Đầu tiên theo học tôi nản lắm, vì thú thực biên phòng tôi không thích lắm nhưng lâu dần thì thấy quyết định của mình không có gì đáng phải ân hận cả.

Trong quá trình học ở học viện tôi chỉ đọc và tích lũy. Khi chuyển lên Hà Giang công tác (2006) được nửa năm tôi mới bắt đầu viết trở lại cho một số tạp chí nhỏ.

* Thế rồi chính dải đất cực Bắc của tổ quốc đã cho anh những tác phẩm hay mà minh chứng cụ thể nhất là một trong ba giải Nhì cho hai tác phẩm Rau cay, Đồi lau sau hoa tím trong cuộc thi thơ và truyện ngắn 2008-2009 của tạp chí VNQĐ vừa qua?

- Sau khi tốt nghiệp, năm 2006, tôi lên Hà Giang. Hà Giang có tất cả 12 đồn biên phòng thì đến 11 đồn tôi đã đến công tác.

Cảnh vật và con người Hà Giang cũng như cuộc sống của các chiến sĩ biên phòng mà tôi có dịp được tiếp xúc đã cho tôi nhiều nỗi day dứt và quyết định chọn đề tài về những gì diễn ra xung quanh nơi tôi công tác để viết. Khi tôi chọn viết về đề tài này, nhiều người cho rằng tôi đang tự làm khó cho mình. Nhưng tôi lại nghĩ, đối với một người viết phải viết bằng tâm huyết, viết bằng những trăn trở và day dứt nhất về cuộc sống, về con người bằng quan niệm: trên cùng một mảnh đất, mỗi người sẽ tự biết gieo những hạt giống của mình để gặt hái những vụ mùa của riêng mình.

Tuy nhiên, giải Nhì cho Rau cay, Đồi lau sau hoa tím là một cú hích để tôi tự tin hơn và nỗ lực hơn đối với lao động viết văn chứ tôi không dám nói đó là cả một vụ mùa tôi đã gặt được (cười).

* Trong Rau cay, Đồi lau sau hoa tím, chất liệu cuộc sống nơi anh đã đến, đi và gặp được tái hiện như thế nào?

- Trước tiên, hai truyện ngắn đoạt giải được bắt nguồn từ hoàn cảnh thực tế của chính những nơi tôi đến, đi qua và đã gặp ở Hà Giang như anh nói. Trong đó có rất nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện có nguyên mẫu được “bê nguyên” từ sự thật của cuộc sống. Chẳng hạn như chuyện chiến sĩ biên phòng kết hôn cùng với giáo viên cắm bản hoặc các cô gái bản ở Hà Giang trong Đồi lau sau hoa tím hay chiến sĩ biên phòng người Kinh lên công tác đã quyết định gắn bó lâu dài với Hà Giang, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” (phương châm ba cùng với nhân dân của bộ đội biên phòng - PV) với đồng bào... Hoặc đó là chứng kiến về thân phận những người vùng cao trước những lạc hậu đang còn tồn tại và gây ra rất nhiều hậu quả không tốt, làm ảnh hưởng đến không chỉ đời sống vật chất mà còn ảnh hưởng đến tâm hồn của bà con dân bản (Rau cay)...

Nói chung, truyện ngắn của tôi hầu hết viết về đời sống vùng cao Hà Giang với một câu hỏi lớn mà tôi luôn day dứt và không biết khi nào mới trả lời được: Bao giờ miền núi tiến kịp miền xuôi?

* Vừa với tư cách một người viết, một người đọc, anh thấy những tác phẩm viết về đề tài người lính những năm gần đây như thế nào?

- Tôi mới chỉ bước vào con đường văn chương, một con đường rất dài và nhiều gian khổ nên có thể chưa có được cái nhìn sâu vì chưa bao quát được tất cả đời sống văn học nói chung, về đề tài người lính riêng. Nhưng trong thời gian qua, tôi thấy dù Tổng cục Chính trị đã phát động rất nhiều cuộc thi viết, nhưng đứng ở vị trí người đọc tôi ít gặp được những tác phẩm hay về người lính hôm nay.

Có thể hạn chế này là do đời sống người lính đóng khung trong đơn vị, không có tác động với bên ngoài, không có những tình tiết, những hy sinh như thời chống Pháp, chống Mỹ mà các nhà văn tiền bối đã làm được. Nhưng cá nhân tôi tin ở những người viết. Nếu ai thực sự gắn bó với người lính, yêu lính, đồng cảm với lính thì chắc chắn sẽ tìm được cách viết ra những tác phẩm hay.

* Anh là một trong số những người viết rồi đây sẽ cho ra những tác phẩm xứng tầm như anh nói?

- Tôi mới vừa chuyển công tác từ Hà Giang về hẳn Học viện Biên phòng (1/2010) để làm công tác giảng dạy. Kế hoạch của tôi trong năm nay là sẽ in một tập truyện ngắn nhưng chưa biết đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình là gì nữa.

* Cảm ơn Nguyễn Phú về cuộc trò chuyện.

Yên Khương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm