Quảng bá Văn học: Mình tự hỏi mình

13/01/2010 14:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tối 10/1/2010, hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài đã kết thúc.  Thiết nghĩ, không thể chỉ “mời bạn” đến và đưa ra các vấn đề “của mình”, mà rút cục, sau những ồn ào sự kiện, lại phải là “mình tự hỏi mình”. Câu hỏi trước nhất nhằm vào những người viết: Văn chương (nhất là “văn chương đương đại”) Việt Nam có gì để quảng bá?

>> Chuyên đề: Văn học Việt trước biển lớn hội nhập

1. Khi những cây văn chương trong vườn cảnh ra một cánh đồng lớn của quốc tế, nhà văn Việt Nam và nền văn chương Việt nói chung, bắt đầu thấm thía “mặc cảm thân phận”, cũng như nhiều nền văn học nhỏ khác. Phải “nhập siêu” ào ạt là tất nhiên, nhưng những người tham gia cuộc chơi văn chương đều muốn “xuất”. Nhưng khi “thế giới” (chẳng hạn nước Mỹ) thừa tâm thế chờ người ta dịch mình, thì những nền văn chương nhỏ, trước hết, phải tự mình giới thiệu mình.

Văn chương Việt chưa thể “bày ra gì thực khách ăn cái đó”, mà đang ở mức: cần “bày ra” càng nhiều càng tốt để “thế giới” (tức những phần còn lại trên địa cầu) “chọn” thử hợp khẩu vị với họ.

Văn học chiến tranh hút “người ta “ đọc, và có thể lấy những chuyện khuất lấp ra để câu khách chăng? Nhưng rộng hơn chiến tranh, là vấn đề lịch sử. Một bề dày lịch sử của dân tộc trong quá khứ và lịch sử đương đại Việt Nam đang được phơi dần trong văn học, không phải một lịch sử giáo khoa  Nếu có một mảng văn học chiến tranh/lịch sử chân thực, thì chiến tranh sẽ không phải là câu chuyện làm quà, không phải một “đặc sản” duy nhất của Việt Nam dưới mắt người nước ngoài.

Nói “đương đại”, tất nhiên, người ta sẽ nghĩ đến những nhà văn trẻ, những người, lẽ ra, đang ở trung tâm của đời sống văn học, bất cứ ở thời đại nào. Cái gọi là “nhà văn trẻ” ở Việt Nam vốn nhiều ý vị hài hước hoặc gây hoảng hốt. Nhưng cũng vô hại. Quan trọng là những người đang chuyển động trong đời sống văn hóa văn học đương đại. Khi một sự kiện lớn rơi trúng vùng sương mù dày đặc và nhạt nhòa của văn chương nhiều năm qua, việc chọn “cái đương đại” để giới thiệu cũng dễ làm thất vọng hoặc băn khoăn.

Như “quảng bá du lịch”, đó là việc đưa ra các đặc sản văn học vẽ nên gương mặt văn hóa Việt, cả những thứ có khi bình thường, thậm chí nhạt nhẽo với người Việt, nhưng lại được chuộng bởi khách phương xa. Do đó, việc giới thiệu, cũng như các catalogue hướng dẫn du lịch chỉ là bước khởi đầu, cũng không phải chuyện quảng cáo lọt tai, bắt mắt với những sự kiện ồn ào bề mặt. Cuộc chinh phục lâu dài là để người thêm hứng thú tìm đến ta, ta hút người. Thương hiệu văn học Việt Nam chỉ có với một nội lực văn hóa đủ mạnh để đứng vững trong những thay đổi lốc bão, cùng sự phát triển toàn diện của đất nước, với tiềm lực kinh tế và một nền chính trị cởi mở.
 
Có thể thấy rõ một “nỗi hoang mang” có thực khi người Việt phải chọn ra những gì để quảng bá. Không thể cứ mãi là chiến tranh. Hình như, không nhiều nhà văn Việt hiện diện như một ý thức về văn hóa trong sự đối diện với nước ngoài và các vấn đề toàn cầu. Nếu có được sự hấp dẫn đó, thì việc các nhà văn, dịch giả, nhà xuất bản nước ngoài tìm đến văn học Việt Nam sẽ không còn là việc quá không tưởng.

2. Thương hiệu văn học Việt, xét cho cùng, lại là thương hiệu chữ Việt, tiếng Việt. Ngôn ngữ đó đang được học, được tìm hiểu, được gìn giữ và phát triển ra sao? Thử thống kê lượng người học và sử dụng tiếng Việt trên thế giới. Lấy ý kiến của các chuyên gia văn học Việt Nam người nước ngoài, những nhà Việt Nam học, những sinh viên đang học tiếng Việt… để thấy nhu cầu và mức độ quan tâm của họ. Lắng nghe tiếng nói những người dịch trong và ngoài nước về những khó khăn/thuận lợi trong việc dịch văn học tiếng Việt… Đó có thể là những việc thiết thực.

Khi bàn về việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, có ngươi cho rằng, người học thường tìm kiếm ý nghĩa văn hóa trong ngôn ngữ. Đó có thể là một gợi ý để phát triển tiếng Việt và dịch văn học Việt: Không phải dịch cái hay theo tiêu chí câu hay, từ khéo của người Việt, mà dịch cái hay có khả năng mở những vỉa tầng văn hóa Việt, một khái niệm văn hóa với ý nghĩa bao trùm.

Quảng bá văn học Việt Nam không thể chỉ là tự đưa ra danh sách (dù là danh sách văn học Việt Nam từ cổ chí kim, danh sách tác phẩm của hội viên hội nhà văn, danh sách các tác phẩm tác giả được giải thưởng quốc gia– những giải thưởng hoàn toàn “made in Vietnam”, chưa thật sự có uy tín trên trường quốc tế hoặc được vinh danh rộng rãi) để “người ta” dịch, không cần biết độc giả có cần hoặc còn thích các món đó không. Văn học không thể chỉ được coi như một thứ tờ rơi giới thiệu tour du lịch. Không phải chỉ là chuyện mời khách tham quan Hạ Long hay Văn Miếu, không phải chỉ giới thiệu áo dài và nón Huế, không phải chỉ trên khẩu hiệu “Charming Viet Nam”.

Để quảng bá có thu hoạch, ở giai đoạn này, nhà văn phải nỗ lực tham gia vào quá trình đi chào hàng, nhưng nhiều dịch giả đã đề xuất một dây chuyền có hệ thống từ trong ra ngoài. Các nhà xuất bản trong nước sẽ là cầu nối của nhà văn, dịch giả và môi trường quốc tế, bởi không phải nhà văn nào cũng đủ điều kiện, tâm sức tự quảng bá mình, và giới xuất bản sẽ “nhạy” hơn cả với nhu cầu thị trường.

Nếu so sánh với các lĩnh vực nghệ thuật khác, có thể thấy nhiều năm gần đây, các trung tâm văn hóa nước ngoài ở Việt Nam như Viện Goethe, Trung tâm văn hóa Pháp, Hội đồng Anh… đều là những đại sứ văn hóa kích thích và tạo lập không gian sáng tạo cho các dự án nghệ thuật đương đại. Người làm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đa phương tiện, hiện nay có cơ hội xuất ngoại nhiều hơn bởi nhiều quỹ hỗ trợ. Trong khi đó, việc giao lưu, trao đổi sáng tác giữa các nhà văn Việt Nam và nước ngoài gần như không hoặc ít có, hoặc mang tính giao lưu, thiếu những hoạt động tạo liên kết.

3. Những hội thảo chỉ là cách đặt vấn đề. Cái thiếu, vẫn là những cái gốc: thiếu những người viết có sự hấp dẫn văn hóa; thiếu một sân chơi văn học, chẳng hạn, một tạp chí văn chương định kì với tinh thần đề cao sáng tạo, làm bạn với cái mới và có không gian trao đổi thẳng thắn giữa những người viết, người đọc Tiếng Việt trong/ngoài nước. Người viết, nhất là những người trẻ, cần sự kích hoạt sáng tạo từ đời sống văn chương.Người viết chưa ý thức/có môi trường để kích hoạt ý thức về mình, thì nói gì đến sự trưng ra cho thế giới một màu sắc địa phương, một tiếng nói địa phương trong thế giới toàn cầu?
1/2010

Nhã Thuyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm