“Thơ VN thế kỷ 20”- chọn thế nào là việc của Hội đồng!

04/08/2009 16:42 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - “Có lẽ bạn đương chờ những bài nghiên cứu vô tư và khách quan. Bạn cũng sẽ thất vọng. Vô tư thì tôi đã vô tư hết sức, nhưng khách quan thì không…”, “Bạn cũng đừng so sánh thơ trích nhiều ít. Ai lại lấy số trang, số dòng mà định giá một nhà thơ?” Cách đây hơn nửa thế kỷ hai “cụ” Hoài Thanh - Hoài Chân đã “nhỏ to” như thế thì mở đầu cho “Thi nhân Việt Nam”. Tôi xin được chép lại trước khi bàn về tuyển “Thơ Việt Nam thế kỷ 20” của nhóm tuyển chọn của Hội Nhà văn Việt Nam được quan tâm rộng rãi trên báo chí cả về chuyện tiêu chí cũng như về số lượng bài tuyển của mỗi tác giả..

1. Thông tin về việc Hội Nhà văn Việt Nam lập hội đồng tuyển chọn “Thơ Việt Nam thế kỷ 20”, tập hợp tác phẩm của khoảng 200 nhà thơ làm cho “thiên hạ xôn xao”. Mà xôn xao nhiều nhất vẫn là...các nhà thơ. Ai cũng thắc thỏm xem “bảng vàng, bia đá” ấy có tên mình không, “suất” mình được bao nhiêu bài...

"Thi nhân Việt Nam" - tuyển tập mang đậm dấu ấn
tuyển chọn của Hoài Thanh - Hoài Chân

Cuốn (hay bộ) sách ấy chưa hình thành, cũng chưa được BCH Hội Nhà văn duyệt, cho nên khó có thể bàn xem việc tuyển chọn là xác đáng hay không. Nhưng tôi cho rằng việc ra hợp tuyển, tuyển tập, thậm chí tổng tập là chuyện bình thường trong ngành xuất bản. Việc đặt những cái tên “hiển hách” như “hay nhất thế kỷ” hay “hay nhất mọi thời đại”... thì cũng là chuyện của... thị trường! Người ta đã làm nhan nhản, pháp luật đâu có cấm đặt tên sách “hoành tráng”? Nếu chẳng may, chúng có trở thành những tuyển tập “dở nhất trong năm”, hay “ẩu nhất mọi thời đại”... thì đương nhiên cái giá phải trả sẽ là sách “ế chỏng gọng” trên thị trường, đồng thời người làm sách cũng bị mất uy tín.

Cho nên, ra sách gì, “tinh tuyển” bao nhiêu thứ, theo tiêu chí nào là quyền của người làm sách (miễn là làm đúng pháp luật). “Quyền” lớn thì trách nhiệm trước người đọc cũng lớn. Nhưng việc tuyển chọn ở bất kỳ nơi nào, bởi bất kỳ ai cũng phản ánh dấu ấn cá nhân của người thực hiện, nhất lại là việc tuyển chọn về văn chương - là thứ “tự cổ vô bằng cớ” – hay, dở khó cân đo, đong đếm chính xác được mà phụ thuộc rất nhiều vào thẩm mỹ cá nhân. Cho nên không thể có một “tuyển chọn” nào có thể đáp ứng được tất cả mọi người, đại diện cho ý chí của thi hào cả nước, kể cả sự tuyển chọn “chính danh” của Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng ý Hội Nhà văn là hội nghề nghiệp của những người làm văn chương cả nước, là nơi có nhiều “cây cao bóng cả” rất có uy tín trên văn đàn, thế nhưng, không có nghĩa là phải coi việc tuyển chọn của các “bác” ấy là “khuôn vàng thước ngọc”, là “chuẩn mực” (giống như chuẩn mực hành chính) và bắt cả thiên hạ phải “gật gù” theo. Mà tôi tin rằng các bác ấy cũng không mong muốn như vậy...

2. Vậy thì việc gì phải ầm ĩ? Hãy cứ để các bác trong Hội đồng thơ thong thả tuyển chọn theo các tiêu chí mà các bác đề ra (tiêu chí càng “oách” bao nhiêu thì đương nhiên cái “tầm” của tuyển tập lại càng phải lớn bấy nhiêu); các bác thích chọn nhà thơ “chiếu trên” hay “chiếu dưới”, thơ trẻ hay thơ già, thơ truyền thống hay thơ cách tân..., tóm lại khuynh bên nào cũng là tùy; bởi vì cuối cùng, các bác sẽ phải “cược” cả uy tín của mình cũng như của Hội mình vào kết quả tuyển chọn.

Nhìn lại Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Chẳng hiểu hai cụ khi làm tuyển tập này có phải “đội tên” hội hè, đoàn thể nào không? Và sức ép nữa, có ông quan Tổng đốc hay cụ Thượng thư nào chống ba-toong đến bảo phải cho thơ của mình hay của “cậu ấm” nhà mình vào tuyển tập hay không? Cá nhân tôi chỉ đọc được tâm sự của cụ là: “Khi tuyển chọn tôi chỉ biết có thơ”.

Dù hai cụ tự nhận là “chỉ biết có thơ”, và “không khách quan”, nhưng 45 nhà thơ được vinh danh trong Thi nhân Việt Nam từ 1932 - 1941 (hai cụ cũng không cần phải lấy tròn năm, tròn thập kỷ, thế kỷ...) đã và đang được đánh giá như là một bảng “phong thần” cho Thơ Mới. Nhân đây tôi cũng xin có ý kiến là ngày nay dư luận có xu hướng hơi thái quá khi đề cao Thi nhân Việt Nam, coi như một chuẩn mực bất biến, trong khi đó, dù rất có giá trị, nhưng không phải sự lựa chọn nào của tuyển tập này cũng được thời gian chứng minh. Vì thế, về cơ bản, tôi tán đồng với việc có thể một số tác giả có tên trong Thi Nhân Việt Nam nhưng không được tuyển vào “Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20” sắp làm.

3. Vì thế, hỡi các nhà thơ và các bạn yêu thơ, nếu chính bạn hay thần tượng của bạn không có tên trong “Tuyển tập thơ thế kỷ 20” tới đây của Hội Nhà văn VN thì cũng không có nghĩa là bạn hay thần tượng của bạn là... không có giá trị gì. Chẳng qua họ chỉ không nổi bật trước 6 ông bà trong hội đồng tuyển chọn tuyển tập này mà thôi. Bạn hoặc thần tượng của bạn sẽ có cơ hội trong các Tuyển tập khác của những Hội đồng tuyển chọn khác (là cá nhân, tập thể, hoặc thậm chí là... của thế giới). Nhưng cơ hội lớn nhất bền lâu nhất, hơn mọi bia đá bảng vàng chính là...trong trái tim người đọc.

Ngược lại, dù bạn hay thần tượng của bạn có tên trong đó hẳn hoi trong Tuyển tập hoành tráng, “chính danh” nói trên, nhưng cũng không có nghĩa là sẽ đi vào... bất tử. Nói như cụ Xuân Diệu, thời gian sẽ “vặt lông vịt” (vịt vặt lông đi mới biết con nào béo và có giá trị, còn con nào chỉ là vịt cỏ, gầy giơ xương). Tác phẩm cũng vậy, thời gian là thước đo công bằng nhất. Còn các Tuyển tập thì chỉ là góp phần hoặc gợi ý để đưa những tác phẩm tốt nhất bám trụ lại với thời gian, chứ không thể làm cho tác phẩm trường tồn.

4. Nhưng dù sao dư luận cũng có quyền được đòi hỏi ở các “bác” trong nhóm tuyển chọn, ấy là sự dụng công. Hai cụ Hoài Thanh - Hoài Chân khi làm Thi nhân Việt Nam có “lập ngôn” hẳn hoi ở đầu sách, lại có bài “phi lộ” trước mỗi tác giả như một “minh chứng” cho sự lựa chọn của mình - sau đó mới là việc chọn thơ. Thế nên ngày nay các bài “bình thơ” của các cụ về mỗi tác giả trở thành những “luận điểm” để nhận diện các tác giả này, và được học trò đua nhau chép chẳng khác gì bài văn mẫu.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2005 cũng rất công phu “bình chú” như vậy, cho dù cuốn sách này mang đậm dấu ấn cá nhân của anh trong việc tuyển chọn.

Vậy thì tuyển “Thơ Việt Nam thế kỷ 20” tương lai có được công phu thế không? Những sự thao thức, trăn trở của các “bác” trong Hội đồng khi quyết định chọn ai, mong các “bác” can đảm viết ra để “chứng minh”, đồng thời để định hướng cho người đọc, chứ không phải là chỉ bày tỏ quan điểm của mình một cách vô cùng ngắn gọn và dễ dàng là qua... lá phiếu!
 
Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm