Phim underground Việt: "Ngầm" cũng nhộn nhịp (Bài 1)

15/12/2009 08:11 GMT+7 | Văn hoá

Phim underground Việt: "Ngầm" cũng nhộn nhịp

     Không có mặt và cũng không hề được nhắc tới tại LHP Việt Nam lần thứ 16 đang diễn ra tại TP.HCM trong suốt tuần này, nhưng không vì thế mà dòng ngầm của “phim underground”- một thuật ngữ còn khá mới mẻ ở Việt Nam, ngừng cuộn chảy.

     Tháng 11 vừa qua, bộ phim do một bạn trẻ (sinh năm 1988) đang học tại một trường đại học về kinh tế ở TP.HCM làm từ A đến Z, từ viết kịch bản, đạo diễn kiêm diễn viên chính, quay bằng… một chiếc máy ảnh kỹ thuật số đã thu hút sự chú ý của hầu hết cư dân các mạng phim ảnh. Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam có phim underground – một dòng chảy ngầm bên cạnh dòng phim chính thống (mainstream). Những “tay chơi” trong lĩnh vực này ở Việt Nam, cả người xuất thân từ các trường điện ảnh lẫn những kẻ chỉ đơn thuần yêu thích phim ảnh, đã âm thầm thực hiện tác phẩm của mình từ khoảng chục năm trở lại đây. 


     Điện ảnh underground - nói “không” với thương mại hóa điện ảnh - cho thấy sức mạnh tình yêu của các tín đồ điện ảnh. Và những thử nghiệm không giới hạn của phim underground phần nào “thách thức” sự làm mới của dòng phim chính thống.

Tổ chức chuyên đề: DƯƠNG VÂN ANH



(TT&VH Cuối tuần) - Xu hướng phim underground

Phim underground từ lâu đã được biết đến như một dòng phim không chính thống, biểu hiện cụ thể ở phong cách, thể loại và cả kinh phí thực hiện. Cuối thập niên 1950, nhà phê bình người Mỹ Manny Farber từng dùng thuật ngữ này để ám chỉ vai trò phản nghệ thuật của một số bộ phim không theo những khuôn mẫu sẵn có của điện ảnh lúc bấy giờ. Sau này, thuật ngữ này đã được sử dụng cởi mở hơn, thường được gán cho những bộ phim đang âm thầm cố gắng xây dựng một quy chuẩn nghệ thuật khác có tính chất đối lập với quy chuẩn nghệ thuật thịnh hành hiện tại. Trong suốt thập niên 1970 và 1980, thuật ngữ này có xu hướng mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn tích cực khi được dùng để nói đến mảng phim mang tính chất phản văn hóa của dòng phim độc lập.

Đến đầu thập niên 1990, thuật ngữ này gần như đồng nghĩa với dòng phim kinh phí thấp, có xu hướng chống lại điện ảnh chính thống và thách thức dòng phim độc lập đã được thương mại hóa bởi các hãng phim mới nổi như Miramax và New Line, cũng như dòng phim thể nghiệm mang nặng tính mô phạm, vốn chỉ thích hợp để trưng bày trong các viện bảo tàng. Cuối thập niên 1990 và đầu thiên niên kỷ mới, thuật ngữ này lại được nhìn nhận một cách cởi mở hơn nữa. Có một vài thời điểm, khái niệm phim underground tách biệt với phim thử nghiệm hay phim tác giả nhưng hiện tại, underground đã được dùng để chỉ những bộ phim có kinh phí cực thấp, những phim bỏ qua mô phạm điện ảnh và thậm chí cả những phim thử nghiệm chính thống.


Cảnh trong phim Tôi không thể ngủ của Mr Râu

Thử nghiệm để…thỏa chí

Tháng 5 năm 2009, cư dân mạng trên các diễn đàn www.yxine.com và các blog cá nhân xôn xao vì sự ra mắt của Slumdog Mafias, một phim nghiệp dư được làm bởi nhóm IU gồm các sinh viên đang theo học tại đại học Quốc tế - ĐHQG TPHCM. Phim kể về cuộc chiến tranh giành địa bàn của hai băng đảng tại Slumdog, một vùng đất nằm trong tưởng tượng của những người làm phim. Bộ phim gây ngạc nhiên lớn bởi những pha hành động đẹp mắt được quay và dàn dựng khá công phu, một kịch bản giàu kịch tính cùng khả năng kể chuyện rất lôi cuốn của đạo diễn. Trong một khuôn khổ nghiệp dư, mọi thành tố của phim đều đạt hiểu quả cao, khiến người xem tin vào thực tại đang diễn ra trên phim, thậm chí đôi lúc quên mất mình phải châm chước cho bộ phim được làm hoàn toàn bởi những người lần đầu tiên cầm máy quay. Là người chưa bao giờ học qua trường điện ảnh, thậm chí vốn phim đã xem cũng ít ỏi, Phúc Đoàn, nhà sản xuất và đồng đạo diễn của phim, đã khiến người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sử dụng máy chụp hình Canon Ixus 70 cùng thẻ nhớ 4 GB, Phúc và những người bạn của mình đã ghi lại nhiều thước phim sống động bằng cách sử dụng máy cầm tay theo nhân vật và hành động, sử dụng xe máy để thực hiện những cú dolly vòng 360 độ nhằm tạo kịch tính cao độ cho những cảnh đối đầu giữa hai băng đảng. Bản thân Phúc và nhóm bạn cũng không rành về võ thuật nhưng đã dàn dựng nên những pha võ thuật rất sinh động và đẹp mắt bằng cách tham khảo những bộ phim võ thuật nổi tiếng. Phúc cũng đã rất thông minh khi chọn cách kể chuyện theo lối chương - hồi, với những đoạn giới thiệu về hoàn cảnh, tính cách, sở trường mỗi khi nhân vật mới xuất hiện và lời dẫn cho chuyện phim bắt đầu hay tiếp tục. Cách kể chuyện này rất phù hợp trong điều kiện thu âm hạn chế của phim, nó cũng giúp khán giả nhập cuộc nhanh hơn vào chuyện phim. Đảm nhận hầu hết những vai trò chính yếu trong phim, từ sản xuất, đạo diễn, biên kịch, chỉ đạo võ thuật cho đến dựng phim, chọn nhạc, Phúc Đoàn cho thấy một khả năng làm việc linh hoạt, một phẩm chất cần có của một nhà làm phim độc lập. Cậu cũng tự phân vai và điều chỉnh tính cách nhân vật dựa theo cá tính bạn bè, tự dựng phim ngay sau khi quay và có những điều chỉnh về kịch bản trong suốt quá trình quay để bộ phim ngày càng hấp dẫn hơn. Khi hoàn thành bộ phim, Phúc chiếu phim trong giảng đường vào giờ nghỉ giữa hai ca học, đồng thời cậu cũng thực hiện một chiến dịch quảng bá nho nhỏ cho bộ phim trên blog cá nhân và diễn đàn điện ảnh. Nhờ thế mà bộ phim được biết đến rộng rãi bởi cư dân mạng.


Cảnh trong phim Căn phòng trống - phim thử nghiệm của Mr Râu

Thử nghiệm để tìm tòi cách biểu đạt

Nếu Phúc Đoàn làm phim cho bạn bè cậu và cho tất cả mọi người, thì ở một thái cực khác, có những người đang làm phim, trước hết cho chính mình. Mr Râu (nick name trong diễn đàn yXine) và những bộ phim của cậu là một ví dụ điển hình. Phim của Mr Râu thường gây nhiều tranh cãi. Có người thích bởi cách cậu chọn nhạc hay phong cách hình ảnh của phim. Có người lại thích thú bởi một thứ cảm xúc mông lung không dễ định hình, vừa dễ chịu, đôi lúc ngột ngạt mà những thước phim đem lại. Có người không cho đó là những bộ phim bởi chúng không có cấu tứ, không có cao trào, thậm chí không có cả câu chuyện mà chỉ toàn những trạng thái cảm xúc rất mơ hồ, dễ định tính nhưng lại khó định lượng. Tuy vậy, một điều không ai có thể phủ nhận chính là tư duy hình ảnh và âm nhạc rất riêng, không lẫn vào đâu mà Mr Râu đã thể hiện qua các bộ phim của mình. Để có được những thước phim ấn tượng, Mr Râu dùng đủ loại phương tiện: có khi là chiếc máy quay gia đình rất cũ, có khi là máy của người quay tiệc cưới mà cậu thuê được bằng số tiền ít ỏi kiếm được tại công trường xây dựng. Những tìm tòi của Mr Râu rất đáng khích lệ nhưng những ai đã từng xem phim của cậu vẫn mong chờ một bộ phim kết hợp được cả tư duy hình ảnh lẫn một câu chuyện được kể súc tích đúng với tinh thần “yêu là chuyện riêng của chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn muốn chia sẻ với những người khác” (bộ phim đầu tay Yêu là chuyện riêng của chúng tôi).

Không tự phát như trường hợp của Phúc Đoàn và Mr Râu, Trần Lý Trí Tân, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh TP.HCM tự tìm tòi, thể nghiệm nhiều phong cách phim khác nhau bằng việc liên tục làm phim với kinh phí cực thấp. Cắt, một phim cực ngắn của Tân với chỉ 250.000 đồng tiền thực hiện, đã lọt vào vòng tuyển chọn của LHP Việt Nam quốc tế 2009 (VIFF) cùng với Đứa bé nhìn thấy lửa, một phim tài liệu khác của anh. Ngắn gọn, đơn giản, súc tích nhưng đặc sắc trong cách kể, Cắt cho thấy một ý niệm về thời gian và dòng đời và gây ấn tượng bởi chút băn khoăn nhưng bình thản còn đọng lại trong khán giả sau khi xem xong. Trần Lý Trí Tân đã không bao giờ ngừng tìm tòi trong cách thể hiện. Sau 3 năm ngắn ngủi học trong trường, anh đã tự tìm cơ hội cho mình để thực hiện tám bộ phim ngắn, đa phần đều được làm với kinh phí cực thấp để thể nghiệm những ý tưởng rất riêng mà anh cho là điên khùng.

Hy vọng ở một thế đối trọng mới

Một điểm chung của tất cả các phim kể là đều có kinh phí cực thấp. Phim của Phúc Đoàn không tốn một chi phí nào khác ngoài tiền ăn uống trong những buổi quay. Phim của Mr Râu cũng chỉ tối đa 2 triệu đồng cho một phim (đáng lẽ chi phí này chỉ vài trăm ngàn nhưng vì nơi cậu sinh sống không có một cộng đồng làm phim mạnh và giàu đam mê để sẵn sàng hỗ trợ nên cậu vẫn thường trả thù lao cho diễn viên của mình).

Những phim của Phúc Đoàn hay Mr Râu, Trần Lý Trí Tân đang chỉ là những hiện tượng đơn lẻ và nhen nhóm tạo nên bộ phận phim underground tại Việt Nam. Những bộ phim này không cố tạo ra một xu hướng mới, không tìm cách lật ngược lại vấn đề, cũng không tạo ra thế đối trọng với những bộ phim chính thống. Tuy vậy, những người làm phim giải trí chuyên nghiệp chắc hẳn sẽ phải giật mình khi xem Slumdog Mafias của Phúc Đoàn. Bộ phim như một điểm sáng dù rất bé nhỏ nhưng cũng đủ sức để mọi người nhìn lại xem những bộ phim mình làm trước đây đã được xây dựng chặt chẽ về mặt cấu tứ, đã thuyết phục về nhân vật và diễn xuất của diễn viên hay chưa? Phim của Mr Râu, ở một thái cực khác, có thể khiến những người theo dòng phim nghệ thuật phải xem xét lại vấn đề tạo hình trong các bộ phim của mình. Điều này mở ra một hy vọng mới cho bộ phận phim underground, cùng một thế đối trọng thực sự với dòng phim chính thống.

Minh Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm