Xin đừng hiểu về trang phục của tổ tiên như thế!

26/11/2009 17:43 GMT+7 | Văn hoá

(Nhân xem cuốn  tranh truyện “An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc”)

(TT&VH) - Tôi vừa được xem  cuốn tranh truyện “An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc” truyện của Nguyễn Thị Thu Hương, tranh của Hồ Vĩnh Phúc, do Nhà Xuất bản Giáo dục in năm 2007. Phần truyện thì tác giả viết theo truyền thuyết không có gì phải bàn. Riêng phần tranh xem xong tôi sửng sốt đến vã mồ hôi.

Hình vẽ An Dương Vương và Mỵ Châu
* Vẽ An Dương Vương cởi trần, đóng khố, chân đất

Tất cả người Âu Lạc từ dân thường dến quân sĩ đều vẽ cởi trần trùng trục, phần dưới thân che bằng lá cây. An Dương Vương luôn luôn đóng khố, bàn chân không guốc dép, cũng cởi trần, quanh cổ quàng một dải lông chim. Riêng Mỵ Châu có mặc váy và mặc yếm.

Tất cả người Hán từ Triệu Đà, Trọng Thuỷ đến quân lính đều áo mũ xênh xang như ta thường thấy trong phim truyền hình về truyện Tam Quốc.

Sự đối lập về trang phục này dĩ nhiên đưa đến cho người xem, mà đối tượng chính là các em học sinh nhỏ tuổi hiểu sai về nền kinh tế đời sống, văn hoá xã hội của hai dân tộc, một đằng quá hoang dã, một đằng quá văn minh (xem ảnh)

Ở đây tôi chỉ muốn nói rằng, vải vóc của dân ta thời cổ đại không phải quá hiếm hoi, đến nỗi vua chúa phải đóng khố như nhiều hoạ sĩ, điêu khắc sĩ đã vẽ và đắp tượng.

Hình vẽ An Dương Vương cởi trần đóng khố, bên cạnh là người mặc quần vỏ cây
* Người Lạc Việt đều đã có quần áo mặc


Truyền thuyết thời Hùng Vương cho biết, Mẫu Âu Cơ dạy dân trang Hiền Lương (Hạ Hoà Phú Thọ) cấy lúa trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Ứng với thời kỳ này là văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên cách nay 4000 – 4500 năm, đã phát hiện nhiều dọi xe sợi.

Nhà khảo cổ học uy tín GS.TS Hán Văn Khẩn nghiên cứu hàng chục di chỉ Phùng Nguyên đưa ra kết luận về vải như sau: “Dọi xe chỉ tìm thấy khá phổ biến trong văn hoá Phùng Nguyên…Như vậy nghề dệt vải đã phổ biến trong văn hoá Phùng Nguyên. Cư dân văn hoá này ít nhất cũng có hai loại vải mặc, đó là vải vỏ cây và vải dệt từ sợi” (Hán Văn Khẩn – Văn hoá Phùng Nguyên – NXB Đại học quốc gia Hà Nội – 2005).

Đấy là nói về vải vóc ở giai đoạn mở đầu thời đại Hùng Vương. Đến các giai đoạn sau như Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn thì nghề dệt vải đã phát triển ngang tầm các nghề thủ công khác như nung gốm với 35 mẫu hoa văn, đan lát bộ đồ dùng tre nứa gần như ngày nay, đúc đồng với trống Ngọc Lũ nổi tiếng. Các mộ táng thời Hùng Vương như mộ Tứ Xã (Phú Thọ) thuộc văn hoá Gò Mun cách nay hơn 3000 năm, mộ Châu Can (Hà Tây cũ), mộ Việt Khê (Hải Phòng) thuộc văn hoá Đông Sơn cách nay 2800 năm đến thế kỷ thứ III trước công nguyên đều có vải liệm in trên hài cốt.

Sách Lịch sử Việt Nam,tập I  (NXB KHXH, 1971) viết về vải thời Hùng Vương như sau: “Dấu vải in trên nhiều đồ đồng đồ gốm. Tượng người, hình người trạm khắc trên trống, thạp, cho ta biết y phục người đương thời đã khá phong phú. Người Lạc Việt mặc áo chui đầu gài khuy bên trái”.

Sách Lịch sử Vĩnh Phú của Vũ Kim Biên và Lê Tượng (in năm 1980) viết “Về cuối thời Vua Hùng tầng lớp trên may mặc khá xa hoa. Ở di chỉ Làng Cả (Việt Trì) tìm thấy bộ khoá dây lưng bằng đồng mỗi bên tạc 4 con rùa trang trí rất đẹp, to khoẻ, dự đoán là của một vị quan võ”.

Triệu Đà – Trọng Thủy quần áo lộng lẫy

* Xin đừng bắt vua quan phải “cởi trần, đóng khố” nữa


Đây là nhận thức về đời sống vật chất thời Hùng Vương từ 30 năm trước, ngày nay hiểu biết đó còn rõ hơn. Chúng tôi khẳng định, thời Hùng Vương theo truyền thuyết chỉ có Chử Đồng Tử quá nghèo khó phải luôn luôn đóng khố mà thôi. Còn nhân dân Lạc Việt cũng đóng khố trong lúc lội nước mò tôm cá, hoặc dầm mình cấy lúa chiêm sâu, nhưng sau đó về nhà họ đều có quần áo mặc, váy của nữ gọi là xiêm. Về mùa hè nóng bức thì nữ ít mặc áo mà chỉ mặc yếm. Những hình người hoá trang khắc trên trống đồng thạp đồng có thể hiểu đấy là áo dài cách điệu.

 Dân như thế thì tất nhiên vua chúa thừa điều kiện để có quần áo đẹp xứng với uy quyền. Chúng ta biết rằng thời đó các Vua Hùng đã dùng trống đồng để biểu thị uy quyền.

Sang thời An Dương Vương thừa hưởng thành quả sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp rực rỡ của thời Hùng Vương, không thể có chuyện quay trở lại hoang sơ mấy nghìn năm trước của cư dân nguyên thuỷ lấy lá cây làm áo, thủ lĩnh cởi trần đóng khố, như vậy được?

Phạm vi của một bài báo chúng tôi chỉ nêu sơ qua vài dẫn chứng như vậy, chứ chưa thể nói rõ được rằng nền văn minh Lạc Việt không hề thua kém, mà có cái còn hơn các nước trong khu vực cùng thời đại. Mong rằng từ nay trở đi các hoạ sĩ, điêu khắc sĩ đừng vẽ và tạc tượng vua quan thời Hùng Vương, An Dương Vương cởi trần đóng khố nữa.

Vả lại đã là sáng tác nghệ thuật thì đâu có cần phải bệ nguyên xi thực tế vào tác phẩm. Các hoạ sĩ Trung Hoa vẽ tổ tiên họ thời Tam hoàng Ngũ đế, Hạ, Thương, Chu, Xuân thu Chiến quốc (ngang với thời Hùng Vương) vua quan sĩ thứ đều áo mão xênh xang lộng lẫy, để vừa thoả mãn lòng khao khát thẩm mỹ của người xem vừa tự tôn dân tộc, chứ có phải là sự thật cả đâu. Là vì nghệ thuật thường có một khoảng cách xa với tự nhiên chủ nghĩa.

Việt Trì 11/2009
Vũ Kim Biên (nhà nghiên cứu)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm