Ai sống trên lưng nhà văn? (Bài 1): Nhà văn còng lưng nuôi “tầm gửi”

24/11/2009 09:06 GMT+7 | Đọc - Xem

    Ai sống trên lưng nhà văn?

     Ai cũng biết nghề văn vốn dĩ là cái nghề chẳng sung sướng gì và từ lâu đã được chính những người viết văn quy thành cái nghiệp, nghiệp chướng. Ai không may vướng phải cái nợ chữ nghĩa thì đúng là mang nghiệp giời đày, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường thật giả, trắng đen lẫn lộn này. Để viết được một cuốn sách, mỗi nhà văn phải mất cả năm, thậm chí nhiều hơn thế nhưng với số lượng “ấn bản tượng trưng” của hầu hết các nhà xuất bản trong vòng một vài nghìn thì nhuận bút 10% giá bìa sách cùng lắm chỉ được dăm triệu bạc. Chả thế mà có lần nhà văn Chu Lai đã nói rằng: Đừng tưởng nhà văn sướng, viết văn là múc óc ra mà ăn dần đấy! Thế nhưng, trong lúc hầu như nhà văn nào cũng than khó sống nổi bằng nghề viết văn thì những người kinh doanh tác phẩm của họ ngày càng đông đảo và nhiều người sống rất khỏe, thậm chí giàu to. Ai và bằng cách nào đang sống trên lưng các nhà văn? Chuyên đề tuần này hy vọng “bóc” một phần nhỏ của “tảng băng chìm”.

Tổ chức chuyên đề: NHÓM PHÓNG VIÊN TT&VH




(TT&VH Cuối tuần) - Nhà văn, những người vốn đã bị coi là “nghèo rớt mùng tơi” thì trong cơ chế thị trường này, họ lại càng thấm thía nông nỗi “bảy nổi ba chìm” của mình. Chẳng thế mà nhà văn Trang Hạ đã than thở rằng: “Có nhà sách mặc cả “trọn gói năm chục triệu còn kệ anh muốn làm gì thì làm”. Có nhà xuất bản yêu cầu cho hồn vía văn học vào thân xác, đồng tính, nói chung là những thứ bán chạy trong thời nay. Có công ty sách quịt từ cái bìa 350.000 đồng trả cho họa sĩ trở đi. Nhà văn phải bấm bụng lè tiền ra cho suôn sẻ đứa con tinh thần của mình…”

Lại chuyện lập lờ đánh lận… số in

Quy ước thông thường khi một nhà văn in tác phẩm ở một nhà xuất bản/công ty sách nào đó. Họ sẽ được hưởng 10% đến 15% giá bìa sách tính theo số bản in. Cả hai bên đều vui vẻ bắt tay nhau đồng ý với bản thỏa thuận ấy. Có điều sự ra đời của những đứa con tinh thần chẳng bao giờ được như vậy. Hợp đồng giấy trắng mực đen thì vẫn có nhưng chuyện quịt tiền vẽ bìa của họa sĩ, rồi trừ nhuận bút vào tọa đàm giới thiệu sách, hay gán sách thay nhuận bút… thì chẳng hợp đồng nào ghi. Mấy ai mất thì giờ đi kiện những thứ không phải tiền… tỷ. Đặc biệt mánh “lập lờ đánh lận…số in” của nhà xuất bản khiến không ít nhà văn lao đao. Chẳng ai có thể tin được những nhà văn “nổi đình nổi đám” hiện nay như Trang Hạ, Cấn Vân Khánh, Di Li, Bùi Anh Tấn, Trần Thu Trang,… mà mỗi lần in, nhà xuất bản/ nhà sách chỉ nhỏ giọt 1000 đến 2000 bản, thế họ lấy lãi đâu mà sống?

Số ấn bản phát hành (danh nghĩa) in đằng sau mỗi cuốn sách là một cách trốn nhuận bút nhà văn hiệu quả nhất. Bởi thực chất nhà xuất bản/nhà sách in thêm bao nhiêu bản thì các nhà văn cho dù có biết cũng chỉ còn nước “ngậm bồ hòn”. Thời Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, nhà văn thường không mấy khi được trả nhuận bút hoặc nếu có thì nhuận bút chỉ mang tính tượng trưng, các chủ bút có chủ trương in tác phẩm cho nhà văn là tốt lắm rồi. Hơn nửa thế kỷ sau, dường như các công ty sách làm việc bằng máy tính kết nối mạng vẫn có quan niệm giống như chủ bút thời làm việc bằng máy dập chữ nổi.

Trong hội nghị tuyên truyền pháp luật chống in chui, in lậu tại TP.HCM sáng ngày 29/10, ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục xuất bản cũng phải thốt lên rằng: “Hàn Quốc có khoảng 25 triệu người mà mỗi đầu sách in trung bình khoảng 7.000 ấn bản vậy mà ở Việt Nam mỗi đầu sách in cũng chỉ 1.000 đến 2.000 bản. Đó chỉ là con số ảo. Thực tế con số in chui, in nối bản không xin phép, sách lậu gấp 4 đến 5 lần”. Nhà văn người Australia Jan Cornall sau chuyến thăm Việt Nam đã ngạc nhiên: “Nước Việt Nam có tới hơn 80 triệu người và tôi thì chẳng bao giờ tin một cuốn sách mỗi lần ấn bản 1.000 cuốn, kể cả những cuốn sách dở nhất đi chăng nữa”.

Câu chuyện của nhà văn Trang Hạ là một dẫn chứng sinh động. Cuốn sách rất ăn khách của chị dịch in ở một nhà xuất bản thông qua công ty X chỉ được trả 10% nhuận bút trên 2.500 bản. Đến khi, một nhân viên kế toán vì mâu thuẫn với công ty X nên bỏ việc, mang theo toàn bộ giấy tờ sổ sách thì mới vỡ lở ra rằng thực tế bản in lên đến 23.000 bản chứ không phải 2.500 như trong hợp đồng!

Nhà văn Cấn Vân Khánh cũng nhiều lần in ở công ty X ấy. Cái thời “Khi nào anh thuộc về em” nổi như cồn mà số lượng bản in lúc nào cũng lấn cấn một, hai nghìn bản dù tái bản đến mấy lần. Mấy lần nói chuyện, chị bảo : “Cũng phải xem lại thế nào thôi”. Rồi cũng chẳng thấy chị xem lại nữa, cũng chẳng phải chị “thấp cổ bé họng” gì mà có lẽ cái “sĩ diện” của nhà văn thường thì nhiều hơn so với các doanh nghiệp làm sách.


“Tầm gửi” in lậu ngang nhiên “hút máu” nhà văn

Mấy nhà văn nhiều khi ngồi với nhau, chống cằm ao ước “Biết bao giờ mình mới có sách bán ở vỉa hè?”. Câu chuyện tưởng nực cười mà hóa ra lại phổ biến ở xứ này. Nghĩa là cứ khi nào có sách bán ở vỉa hè cũng gọi là có chút tên và ngược lại cứ có chút tên sách sẽ bán đầy vỉa hè. Hóa ra, cái vỉa hè Hà Nội có khi lại là cái bút thử nghiệm chính xác gấp mấy lần đánh giá của các nhà phê bình này nọ. Các nhà chức trách hô hào “tiêu diệt” sách lậu mà biết đâu vẫn dừng bên mấy “hiệu sách vỉa hè” mua dăm ba quyển cho tiện.

Những cuốn sách nào hơi có dấu hiệu “có vấn đề” một chút được các đầu nậu “đánh hơi” ngay tắp lự. Sách nhà xuất bản vừa ra được vài ngày vỉa hè đã bán tràn lan. Thậm chí có cuốn nhà xuất bản mới lên khuôn mà ở vỉa hè đã thấy bán. Hàng loạt những tên tuổi văn học dù “cây đa cây đề” hay đang “hot” một khi đã vào tay các đầu nậu sách đều phải chịu chung số phận “bám đường hít bụi” như nhau. Ngay cả những cuốn đã bị đình bản thu hồi, cấm xuất bản vì lí do này khác vẫn được bày bán và mời mọc ngang nhiên như: Rồng đá, Thời của thánh thần, Online balô

Cái thời ngồi vỉa hè hít bụi, đuổi ruồi bán sách của các đầu nậu có lẽ rồi cũng được thay thế bằng những hình thức “lịch sự” hơn, “tiên tiến” hơn nhờ sự thâm nhập của công nghệ thông tin vào giới đầu nậu. Vào các trang rao vặt trên mạng sẽ thấy đầy rẫy những thông tin quảng cáo sách giả với lời giới thiệu “Hàng fake tốt, bản đẹp, giao hàng tận nơi” với tên và số điện thoại công khai của người bán. Lúc này thì sách nối bản chui cũng phải chào thua độ chuyên nghiệp của loại hàng giả này. Sách in giả chia làm hai “trường phái” in với tiêu chí khác nhau: trường phái thứ nhất là không cần làm giống hệt, có nghĩa là mức đầu tư thấp, sơ sài nên giá có khi chưa đến 50% giá in bìa. Trường phái thứ hai là làm giống y hệt và bán giá như giá bìa. Với loại sách này, nhiều khách hàng mua sách tại một số nhà sách ở Đinh Lễ cũng không thoát sách giả.


Người chịu thiệt hại nặng nhất vì nạn sách giả vẫn là nhà văn

Là cuốn tiểu thuyết trinh thám - kinh dị đầu tiên ở Việt Nam, Trại Hoa Đỏ của nhà văn Di Li gây ra một cơn “sốt” sách và đặc biệt rơi vào tầm ngắm của các đầu nậu sách. Ngay lập tức, Trại Hoa Đỏ đầy rẫy tại các điểm bán sách lậu vỉa hè Hà Nội. Giá bìa cuốn sách là 82.000 đồng nhưng giá trên mạng quảng cáo chỉ 45.000 đồng. Ra vỉa hè khéo mua còn rẻ hơn. Chính tác giả cuốn sách kể lại rằng có lần chị cũng ra vỉa hè thử mua tác phẩm của mình. Chủ hàng ra giá 50.000 đồng. Sau khi cò kè bớt một thêm hai và bị chủ hàng mắng: “Lậu thì lậu, chị trả thế chưa đến giá em nhập vào!”, chị đành ngậm ngùi mua một cuốn sách giả của chính mình về làm kỷ niệm với giá 35.000 đồng. Nhà văn Trần Thanh Hà, biên tập viên NXB Công an nhân dân, nơi ấn hành tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ cho biết: “Hiện nhà xuất bản đã gửi công văn cho thanh tra ngành văn hóa về việc điều tra in lậu/giả sách Trại Hoa Đỏ nhưng đã bốn tháng trôi qua mà vẫn chưa có câu trả lời”.

Cũng phải nói luôn rằng, việc xử lí sách lậu/sách giả của các cơ quan chức năng còn quá lỏng lẻo, “đầu voi đuôi chuột”, “bắt cóc bỏ đĩa”. Bắt cả tấn sách lậu in công phu trong cả nhà xưởng cũng chỉ bị phạt hành chính lấy lệ dăm ba triệu. Đơn cử vụ sách lậu đình đám ở Thái Nguyên trước đây huy động cả Cục cảnh sát điều tra trật tự xã hội, rồi các NXB cũng tham gia phối hợp, chủ đầu nậu Nguyễn Hữu Chiến bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc, đến khi bị bắt thì mang ra xử phạt… hành chính. Do bởi sự răn đe lấy lệ như vậy dẫn đến các nhà xuất bản cũng chán khiếu kiện và sách lậu/sách giả vẫn ngang nhiên in ấn. Ngay trong cuối tháng Chín vừa qua, lực lượng công an Hà Nội đã “đột kích” vào một xưởng in lậu tại Đình Thôn - Mỹ Đình thu đến cả vạn cuốn sách thành phẩm thì mới thấy thị trường sách lậu/sách giả hiện nay ở nước ta vẫn đang “xôm trò vui như hội”.

Thứ “tầm gửi” sách lậu “hút máu” nhà văn không những về mặt quyền lợi vật chất mà nó còn như một sự xúc phạm tới những giá trị tinh thần cao quí. Chẳng thế mà nhà văn Trang Hạ đã phải xót xa kêu lên rằng “Ai là tác giả rồi mới nếm trải cảm giác đau đớn thất vọng khi cầm phải một cuốn sách lậu. Không phải vì món tiền nhuận bút bị mất (vốn đã ít ỏi rồi, so với nhà văn mạng hạng trung bình ở nước ngoài ra một cuốn cũng kiếm được khoảng 500 triệu VND) mà vì thấy công sức tâm huyết mình bị lợi dụng, thấy như bị phản bội”.

Nguyễn Anh Thế

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm