Đưa cồng chiêng vào dạy trong trường!

14/11/2009 15:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chúng tôi có mặt tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh, thành phố Pleiku, Gia Lai, trong khuôn khổ diễn ra lễ hội cồng chiêng quốc tế 2009. Trước mắt chúng tôi, nhiều đoàn nghệ thuật trong nước cũng như quốc tế đang sôi nổi, hào hứng biễu diễn và giao lưu nét văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình.

Sau khi xem phần biểu diễn hấp dẫn của đoàn cồng chiêng Indonesia, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Sulistyo Tirtokusumo, Giám đốc nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa và Du Lịch Indonesia, Trưởng đoàn nghệ nhân cồng chiêng Indonesia tham dự lễ hội này. Ông Sulistyo Tirtokusumo cho biết: Có 300 dân tộc tại Indonesia và mỗi dân tộc có nét văn hóa cồng chiêng riêng biệt. Cồng chiêng là một phần cuộc sống của dân tộc chúng tôi. Đất nước chúng tôi đã đưa bộ môn cồng chiêng vào dạy tại trường trung học và đại học. Như các vị vừa chứng kiến bài biểu diễn của đoàn nghệ nhân chúng tôi có 2 nghệ sĩ múa là 2 sinh viên trường đại học nghệ thuật Indonesia. Họ có thể múa, hát và chơi nhạc cụ dân tộc. Ngay cả trường đại học ở Mỹ, Úc cũng có khoa cồng chiêng Indonesia.


Biểu diễn của đoàn cồng chiêng Indonesia

Từ kinh nghiệm của Indonesia, nhìn lại Việt Nam, chúng tôi không khỏi băn khoăn về việc bảo tồn, phát huy cồng chiêng. Trao đổi với GS Trần Văn Khê, ông bày tỏ: Để bảo tồn được văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thì cốt yếu cần phải trả lại không gian văn hóa cồng chiêng như vốn có. Thực tế hiện nay nhiều buôn làng Tây Nguyên đã mất dần đi cái không gian nguyên sơ ấy. Việc đem cồng chiêng đến sân khấu hay đến nước ngoài chỉ là việc quảng bá và biểu diễn cái phần “xác” chứ chưa có phần “hồn”. Và nếu buôn làng Tây Nguyên mất dần đi cái không gian nguyên sơ ấy thì công việc của chúng ta là cố giữ lại những không gian nào còn nguyên vẹn. Thiết nghĩ cần phải giữ lại không gian nguyên sơ để tiếng cồng, tiếng chiêng được vang lên, để nghệ nhân có nơi biểu diễn, giữ lại được nét xưa.

Mặt khác, GS Trần Văn Khê cũng bày tỏ lo ngại: Một số người đề nghị thực hiện chỉnh cồng chiêng theo thang âm bình quân của phương Tây (7 nốt nhạc của phương Tây - PV). Tuy nhiên, đây là việc làm không nên vì làm như vậy sẽ phá hỏng nét đặc thù của thang âm, điệu thức bản địa và làm mất cả bản sắc dân tộc Tây Nguyên. Không thể đem tiếng nói âm nhạc Tây phương để thay thế cho ngôn ngữ âm nhạc Tây Nguyên được. Giáo sư Trần Văn Khê nhấn mạnh: Chúng ta tự hào có nét nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc, riêng biệt. Khi người nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng hòa nhập cả tâm hồn, thể xác vào làm một.

Trong khuôn khổ Lễ hội Cồng chiêng quốc tế 2009, ngày 14/11/2009 sẽ tổ chức hội thảo “Về sự biến đổi kinh tế - xã hội và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và các nước trong khu vực”. Qua hội thảo này, hy vọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng Tây Nguyên sẽ tiếp tục phát triển.

     12 nhạc sĩ cùng “hòa tấu” cồng chiêng. Họ gồm: Nguyễn Văn Hiên, Khánh Vinh, Kiều Tấn Minh, Lê Tấn Dũng, Xuân Hoàng, Quang Minh, Trịnh Thùy Mỹ, Trương Đức Hàm, Ngọc Tường, Kpa Ylăng, Thế Hiển, Lê Xuân Hoàng vừa cùng nhau ấn hành album mang tên Âm vang cồng chiêng với 17 ca khúc. Album này có được từ chuyến đi thực tế sáng tác của chi hội 3, Hội Âm nhạc TP.HCM vào đầu tháng 10 vừa qua tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, người thực hiện album cho biết: Chuyến đi vừa rồi nhằm tìm cảm hứng sáng tác, không ngờ các nhạc sĩ hưng phấn quá nên tác phẩm tuôn ra ào ạt.

      Âm vang cồng chiêng ra đời cùng lúc Festival Cồng chiêng quốc tế Gia Lai vừa khai hội, nên album này được xem như đang “hòa tấu” với tiếng cồng chiêng trong những ngày lễ hội diễn ra.

H. Nhân
Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm