KB Lễ hội sông Hồng là "bước đệm" cho KB Đại lễ 1.000 năm Thăng Long

14/10/2009 09:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tác giả kịch bản Đại lễ 1.000 năm Thăng Long khẳng định như vậy. Lý do mà ông đưa ra khá độc đáo: Văn hóa sông Hồng chính là giá đỡ căn bản để xây dựng văn hiến Thăng Long…”. Tối nay 14/10/2009, lễ khai mạc Những ngày VH,TT&DL các tỉnh đồng bằng sông Hồng (cũng do Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản) sẽ diễn ra tại thành phố Thái Bình…

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết:

- Sự hình thành và tồn tại của sông Hồng trên mọi phương diện: địa lý - chính trị - văn hóa... gần như quy định diện mạo của khu vực. Tôi tin, văn hóa vùng châu thổ có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn hơn diện tích 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng cộng lại.

Với ngót 3 thiên niên kỷ tồn tại, có thể coi lịch sử Thăng Long giống như đứa con sinh ra và lớn lên trong vòng tay phù sa của mẹ sông Cái! Và do cùng là những đứa con của mẹ sông Cái, người Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Đông (Hải Dương)... và Hà Nội, dù giọng nói, điệu cười, tập quán cư xử có thể có đôi ba nét hơi khác nhau, nhưng xét đến cùng đều chung một “điệu tâm hồn châu thổ”. Bởi vậy, khi được mời viết kịch bản văn học cho lễ hội này, tôi thấy mừng vô cùng. Việc đào sâu tìm hiểu về cái nôi phù sa của mẹ sông Cái sẽ là một bước chuẩn bị rất quan trọng cho việc xây dựng kịch bản về Đại lễ Thăng Long.

* Vậy trong lễ khai mạc này, theo ông yếu tố văn hóa chính cần được nhấn mạnh là gì?

- Sức mạnh căn bản của văn hóa Việt Nam mang phẩm chất, đặc trưng của “nước” chứ không phải “lửa”. Và với đồng bằng sông Hồng, vùng châu thổ được tạo nên bởi hệ thống sông mẹ, yếu tố “nước” lại càng thể hiện rõ nét. Vì thế, trong lễ khai mạc Những ngày VH, TT&DL các tỉnh đồng bằng sông Hồng, NƯỚC là yếu tố đầu tiên được tôn vinh. Đó chính là lý do tôi chọn cảnh diễn mở màn trong đêm khai mạc này là một màn múa đương đại mang tên Tình yêu châu thổ mô phỏng theo truyền thuyết Chử Đồng Tử. Chính câu chuyện độc đáo này đã làm nên sự khác biệt về văn hóa giữa vùng đồng bằng sông Hồng với những vùng đất khác. Chử Đồng Tử - Tiên Dung thực tế đã kể cho chúng ta nhiều điều vượt qua những những chi tiết của một truyền thuyết. Và con người vùng châu thổ này luôn bị ám ảnh bởi tâm thức đó.


Các diễn viên tập màn biểu diễn nghệ thuật phục vụ lễ khai mạc

* Thế còn đâu là yếu tố nghệ thuật đặc sắc của vùng đất này mà theo ông cần phải tôn vinh?

- Sinh hoạt văn hóa đồng bằng sông Hồng tồn tại rất nhiều loại hình nghệ thuật xứng đáng được tôn vinh, với chèo, rối nước, quan họ, ca trù, tranh dân gian, những trò chơi mộc mạc, sống động và gần gũi với sinh hoạt hằng ngày của những cư dân thuộc văn minh lúa nước... Trong khuôn khổ chương trình khai mạc, kịch bản “vẽ” ra một cuộc hội ngộ giữa các nhân vật chèo nổi tiếng nhất Việt Nam, từ Lưu Bình, Dương Lễ, Thị Màu, Xúy Vân, anh Nô, Kim Nham đến Quan Âm Thị Kính...

Nhấn mạnh tới những nét văn hóa độc đáo ấy, tôi muốn chia sẻ điều này trong lễ khai mạc: một dân tộc muốn bay trên đôi cánh của mình thì cần phải có cảm hứng về văn hóa; chỉ cảm hứng anh hùng ca thôi là chưa đủ. Cảm hứng anh hùng cho dân tộc ấy lòng can đảm và tự tin để đứng vững, cảm hứng văn hóa giúp họ tốt đẹp, nhân hậu và khoan dung hơn. Mất đi một trong hai cảm hứng này, dân tộc đó sẽ diệt vong...

Tái hiện cảnh vua Lý làm lễ cày ruộng

      Theo các đạo diễn của lễ khai mạc, một số màn diễn thể hiện cảnh vua triều Lý làm lễ Tịch điền (cày ruộng) và Hội nghị Diên Hồng (thời Trần) sẽ được đưa vào đêm khai mạc. Sở dĩ có điều ấy vì trong lịch sử, nhà Lý có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Hồng. Còn Thái Bình cũng là nơi phát tích của nhà Trần, một triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam.


Hoàng Liên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm