Khán giả ơi là khán giả!

10/10/2009 13:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - 12 ngày, 26 vở diễn với sự so kè quyết liệt của 2 phong cách kịch Bắc - Nam đã thực sự đem lại không khí sôi động cho mùa hội diễn 5 năm mới có một lần. Các khán phòng thường chật kín người xem dù là kịch Nam hay kịch Bắc và dù thời gian thi là sáng, chiều hay tối. Tuy phần đông khán giả là người trong nghề, là giới truyền thông nhưng cũng không thể phủ nhận hội diễn đã thực sự tạo được sức hút.

Trên sân khấu, các đơn vị dự thi đã đem đến cho khán giả những gì tinh hoa nhất nên sự hưởng ứng của người xem là niềm động viên rất lớn cho họ.


Nỏ thần, vở diễn đạt kỷ lục về lượng người xem 

Tuy nhiên, nhìn từ hàng ghế khán giả thì hội diễn không phải chỉ toàn một màu hồng. Bỏ qua những luộm thuộm, thiếu chuyên nghiệp trong công tác tổ chức thì ngay cả khán giả, những người đến thưởng thức nghệ thuật mà phần đông là những người đang làm nghệ thuật, vẫn tỏ ra thiếu... lịch thiệp. Trước mỗi suất diễn, mặc dù BTC đã nhắc nhở khán giả tắt điện thoại hoặc chuyển sang chế độ rung để không làm ảnh hưởng đến không khí vở diễn, thế nhưng không có suất diễn nào lại thiếu vắng vài tiếng chuông điện thoại hồn nhiên reo vang vài lần. Có người còn trả lời điện thoại to tiếng làm những khán giả nghiêm túc không khỏi bực mình.

Trong suất diễn vở Linh hồn Việt cộng của Đoàn Kịch nói Hải Phòng, có một khán giả ngồi ở những hàng ghế đầu đã ngon giấc từ lúc nào không hay kèm theo tiếng ngáy vang làm không ít khán giả cứ che miệng cười, dù trên sân khấu đang diễn ra cảnh “bi”...

Những vở kịch đã tạo được tiếng vang như: Nỏ thần, Ngàn năm tình sử, Cánh đồng bất tận, Mắt phố... thì khán giả không còn chỗ để mà đứng. Các đơn vị xã hội hóa ở TP.HCM được BTC ưu tiên cho bán vé trong hội diễn để đảm bảo doanh thu. Tuy nhiên điều này cũng đã kéo theo không ít lộn xộn khi nhiều khán giả “vé mời” hoặc không vé đã ngồi nhầm chỗ khán giả đã mua vé. Đáng buồn là những người này thường không tự giác trả chỗ mà phải có sự can thiệp của nhân viên nhà hát và đã tạo ra nhiều tình huống rất khó xử khi khách mua vé là người nước ngoài.

Một nghệ sĩ bày tỏ suy nghĩ: “Bán vé doanh thu thì đã bán cả năm rồi. Còn hội diễn 5 năm mới có một lần tại sao không thể dành hẳn suất diễn đó cho bạn bè đồng nghiệp đến học hỏi, giao lưu chứ?”. Đây cũng là một câu hỏi rất đáng để suy nghĩ và cần rút kinh nghiệm để các kỳ hội diễn sau thành công hơn vì từ đây sân khấu xã hội hóa đã thực sự được thừa nhận và có vị trí xứng đáng trong nền sân khấu nước ta.

Ngọc Tuyết

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm