Tranh Việt (Bài 2): Tranh Việt bao giờ "có cửa"?

16/09/2009 08:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nghệ thuật đã có mặt trên thị trường đấu giá nghệ thuật thế giới như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, không ai có thẩm quyền hơn một nhà kinh doanh nghệ thuật (art dealer), bởi so với tác giả, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, các giám tuyển hay các chủ gallery, ở những nước chuyên nghiệp, art dealer mới thật sự là người lăn lộn và có hiểu biết xác đáng về thị trường nghệ thuật. Tuy nhiên, do tính chất tự phát, manh mún và chắp vá, tại Việt Nam rất khó để phân định và gọi tên ai là ai trong vai trò chuyên nghiệp của mình.

Nhà sưu tập Lê Thái Sơn, thuộc thế hệ thứ ba của giới sưu tập Việt Nam, người đã có 12 năm kinh nghiệm, thuộc tuýp người đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều... Anh đã nhiều lần đặt chân đến các phiên đấu giá diễn ra trong khu vực, từ Christie’s, Sotheby’s cho đến các nhà đấu giá địa phương như Larasati, Borobudur... Chuyên đề tuần này xin giới thiệu bài viết, nói như Lê Thái Sơn, là một vài kinh nghiệm muốn chia sẻ, muốn tiết lộ, chỉ với hy vọng có thể góp một tiếng nói nhỏ vào việc cắt nghĩa con đường đến với các nhà đấu giá quốc tế của nghệ thuật Việt Nam.

Tranh Việt thời “cửa mở”

Giữa thập niên 1980, khi nền kinh tế châu Á trở thành một hiện tượng về sự tăng trưởng, xuất hiện tầng lớp thượng lưu và rất nhiều người trung lưu - những người bắt đầu quan tâm tới thị trường nghệ thuật - lần lượt các nhà đấu giá ở phương Tây sang mở các văn phòng tại Hong Kong và Singapore để tìm hiểu thị trường mỹ thuật, tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Rồi chính ở châu Á cũng đã mọc lên khá nhiều nhà/phiên đấu giá địa phương, ở Nhật, ở Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc... Riêng trong khu vực Đông Nam Á, đã có nhiều nhà đấu giá chuyên nghiệp, nhưng có bốn nhà đấu giá thường quan tâm đến tranh Việt Nam là Christie’s, Sotheby’s, Larasati và Borobudur.


Tác phẩm Cho chim ăn của Nguyễn Phan Chánh, 45x65,7cm, lụa, Christie’s năm 2004.
Ví dụ như Sotheby’s, họ đã đặt văn phòng tại Singapore ở khoảng năm 1985, nhưng tới những năm 1996-1997 mới diễn ra những phiên đấu giá đầu tiên đối với tác phẩm của nhiều họa sĩ trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Tranh Việt Nam xuất hiện đầu tiên ở các phiên đấu giá của Sotheby’s vào khoảng năm 1997, với những tên tuổi như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Bùi Xuân Phái... Ngay những năm sau đó, tranh Việt Nam đã có một vị trí không thể thiếu được ở những phiên đấu giá, bởi sự hâm mộ của nhiều nhà sưu tập, nhà đầu tư nghệ thuật đến từ Pháp, Singapore... Tranh Việt Nam đã đóng góp vào sự thành công về doanh thu của nhà đấu giá, rất nhiều các tác phẩm đưa ra chào bán đã có giá vượt xa sự phỏng đoán của giới chuyên môn, kéo theo đó là hàng loạt các danh họa được biết đến, như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... Những danh họa này trở thành đối tượng săn lùng của nhiều người nước ngoài, và được hâm mộ rất cao ở nhiều phiên đấu giá tiếp theo.
 
Rất nhiều người hâm mộ nước ngoài có thời kỳ lùng sục để mua bằng được tranh của các tác giả vừa kể trên, mua ngay ở trong nước, chứ không thông qua quy trình chuyên môn của nhà đấu giá, và cũng từ đó, tranh giả đã xuất hiện rất nhiều, rồi lần lượt có mặt trong các phiên đấu giá danh tiếng tại khu vực. Điều này đã góp phần vào việc “đóng lại cửa”, khiến cho tranh Việt có thể mất cơ hội được đấu giá.

Những khúc quanh

Gần đây, có vụ lùm xùm quanh chuyện họa sĩ Bùi Thanh Phương kiện nhà đấu giá nổi tiếng, làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, có nhắc tới một nhân vật tên Philip Ng (tên đầy đủ). Philip Ng là một thương gia người Singapore, một nhà đầu tư nghệ thuật. Ông ta quan tâm tới tranh Việt Nam ở những năm đầu thập niên 1990, thông qua sự tư vấn của chuyên viên nhà đấu giá; ông chỉ mua khi được bảo chứng bởi sự thẩm định của người phụ trách tranh Việt Nam tại các nhà đấu giá. Kể từ lúc đó đến tận bây giờ, phải thẳng thắn nói rằng kiến thức về tranh Việt của ông ta là rất ít ỏi, nên sự sai lầm vì “lệ thuộc” hoàn toàn vào người khác là đương nhiên.

Một người Pháp nghiên cứu về tranh Việt Nam, có tên là J.F.Hubert (Cố vấn cao cấp về tranh Việt Nam tại Paris), là một chuyên viên thẩm định của các nhà đấu giá danh tiếng, đã nhiều lần đóng dấu bảo đảm cho việc mua tác phẩm của Philip Ng, nên việc ông Ng nhầm lẫn một số tranh của danh họa Bùi Xuân Phái là điều hết sức bình thường. Ngay đến năm 2008, sau khi đã bán hết bộ sưu tập trong vòng 10 năm đầu tư tại Hong Kong, ông vẫn tự tin và khẳng định rằng số tranh của Bùi Xuân Phái là bản chính, bởi ông tin tưởng vào đánh giá của người tư vấn. Mà chuyên môn, quá trình làm việc và chữ tín của nhà tư vấn lại là một câu chuyện dài, có dịp chúng ta sẽ quay lại vấn đề này.

Tại nhà đấu giá, các tác phẩm trước khi được đem bán, phải trải qua rất nhiều khâu, và được sự đồng ý hay thẩm định bởi những chuyên gia về tranh Việt Nam, bằng những tờ xác nhận đảm bảo. Ở những thập niên trước, khi thị trường tranh bùng phát, đặc biệt là các tác phẩm của những họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có rất nhiều người nước ngoài, Việt kiều... săn lùng tranh tại Việt Nam, thị trường tranh giả xuất hiện. Đó là chưa nói, do không phân biệt được, các tác phẩm giả còn được “đóng mác” bởi cơ quan chuyên trách về xuất nhập khẩu văn hóa quốc gia, chưa kể những tác phẩm copy từ bản chính do đặc tính của hoàn cảnh lịch sử ngoại giao. Rất nhiều người Pháp, Việt kiều, các nhà sưu tập nước ngoài... đã sở hữu rất nhiều tác phẩm “giả như thật” là vậy. Và chính họ, ngày nay mang ra nhà đấu giá để bán lại, với sự đảm bảo bởi các chuyên viên đấu giá, và cả các giấy tờ xác nhận chính quy từ Việt Nam.

Tác phẩm Ngựa của Nguyễn Sáng, 45x70cm, sơn mài, Sotheby’s năm 2006.

Khoảng từ 1998 đến 2002 có H.Th.C., một nhà sưu tập Việt kiều, nổi danh tại Việt Nam và thị trường tranh trong khu vực, cũng là một đầu vào quan trọng. Ông là một trong những nhà cung cấp tranh cho các nhà đấu giá tại Singapore, Hong Kong. Ông có quan hệ tốt với người phụ trách tranh Việt Nam, nên nhiều tác phẩm copy trong bộ sưu tập của ông được bán tại nhà đấu giá “y như thật”. Đỉnh điểm, và chính xác là vụ scandal về tác phẩm Nguyễn Sáng, báo chí trong nước cũng đã tốn nhiều giấy mực về sự kiện này. Ông này cũng là người môi giới và giới thiệu cho nhà đấu giá nhiều khách hàng tiềm năng là Việt kiều.

Cũng đã xuất hiện nhiều người Việt tại Mỹ quan tâm tới tranh Việt Nam, như T.Ph., H.Ng. Trong đó H.Ng. là một trong những người thiệt hại nặng nhất, đã mất khoảng 600.000 USD vì mua phải tranh giả, sự việc kéo dài trong khoảng sáu năm, từ 2000 đến 2005. Tất cả số tranh đó đều được mua tại Việt Nam, trải dài từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn... của nhiều gallery danh tiếng, của một số nhà sưu tập đáng kính, qua sự “cài đặt chiến thuật” của một nhóm người. Sau này, có nhiều tác phẩm trong quỹ đạo tranh giả đó được gửi bán tại một số nhà đấu giá trong suốt mấy năm, số tiền thu được từ nhà đấu giá chỉ bằng khoảng 40% số vốn bỏ ra. Hiện nay, H.Ng. đã từ bỏ giấc mơ đầu tư vào nghệ thuật, như đã từng làm thời gian trước đó. Và nghệ thuật chân chính Việt Nam đã mất đi một "Mạnh Thường Quân" tiềm năng, tài lực và đầy nhiệt huyết. Còn tại Việt Nam, người ta làm tranh giả như thế nào? Có lẽ báo chí cũng đã phần nào hé lộ câu chuyện, thực hư thế nào, thì xin nói trong một dịp gần đây.

Và cú phản đòn

Các chuyên viên có biết tranh giả không? Câu trả lời là: Họ biết. Thậm chí, họ cũng có thể phân biệt được hầu hết các tác phẩm ở dạng nghi ngờ, với các tác phẩm không thật. Tại các nhà đấu giá chuyên nghiệp, hoạt động theo những nguyên tắc tưởng lạnh lùng, thì vẫn có những quan hệ mang tính cá nhân, và luật im lặng, nên tranh giả chui vào. Trong các vựng tập đấu giá, rồi các người điều phối phiên đấu, hay có những ghi chú, là người mua tự tìm hiểu lai lịch hay xuất xứ. Bởi thực tế cho thấy, ngay cả các vựng tập cá nhân của các danh họa Việt Nam, được thế hệ hậu bối in tại Việt Nam, cũng “độn” nhiều tranh giả.

Tác phẩm Mùa gặt của Nguyễn Tiến Chung, 64x122cm, sơn mài, Christie’s năm 2004.

Nói rộng hơn một chút, khi nhìn tranh giả được in trong các vựng tập đấu giá, nhiều người đã đồng ý ngầm với nhau rằng đã và đang có một đường dây tranh giả, đang làm ăn về tranh giả Việt Nam. Họ thuộc về một nhóm nhà sưu tập Việt Nam sống ở nước ngoài, kết hợp với một số người có thẩm quyền về tranh Việt Nam ở trong nhà đấu giá, cũng là những Việt kiều tại Pháp, Mỹ...

Tại Pháp, lượng tranh copy còn đa dạng, rải rác ở nhiều gia đình và các sưu tập tư nhân, phổ biến là tranh của Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái... Đó chính là hệ quả của một thời gian dài, từ những thập niên 1970 đến thập niên 1990, rồi cả hiện nay, một số người Việt đã cho những người nước ngoài, những Việt kiều (vốn thiếu thông tin)... “no đòn” vì tranh giả như thật, ở trong nước. Và bây giờ, chúng ta lại “no đòn” vì những hệ lụy của nó gây ra từ những nhà đấu giá khu vực, những “phản đòn” ngược lại vì lượng tranh giả vẫn được treo trên kệ nhà đấu giá.

Bên cạnh đó, giá tranh Việt vẫn thấp nhất trong khu vực, nếu chỉ so tác phẩm của những bậc thầy với nhau, nên vẫn còn có vẻ “lôi cuốn” được những người trong nước (!?). Hơn nữa, với thông tin là khoảng 90% tranh đẹp đang ở nước ngoài; mà nước ngoài thì đang mất niềm tin vào tranh Việt, nên nhiều người Việt gần đây muốn ra ngoài mua tranh mang về; nhưng do thiếu thông tin, nên cầm tranh giả là cái chắc. Như một cái vòng luẩn quẩn.
 
Công bằng mà nói, chúng ta đáng phải chịu những hệ lụy của món nợ về tranh giả này, bởi khi có nhiều thông tin hơn, những người có tranh giả Việt Nam ở nước ngoài sẽ tìm cách trút hết nó vào các nhà đấu giá khu vực và thế giới, bởi họ có cơ sở “pháp lý” để làm vậy. Kết quả của việc này, là đẳng cấp tranh Việt mất phẩm giá, thậm chí sẽ bị vắng bóng khỏi các nhà đấu giá danh tiếng trong tương lai bởi sự mất niềm tin của giới sưu tập trong khu vực, thế giới.

* Một số tác phẩm trong bài này đã từng xuất hiện ở các nhà đấu giá khu vực, được giới sưu tập và chuyên gia trong nước nghi ngờ là tranh giả!?

Lê Thái Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm