Cụ Nguyễn Du cũng… khóc!

03/09/2009 15:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Năm 2000, Khu di tích văn hoá Nguyễn Du nằm trong khuôn viên lưu niệm, thuộc khu đất Tiên Điền được xây dựng. Khu này được các nhà thiết kế dựa trên ý tưởng kiến trúc đình làng Việt rất bề thế, là nơi trưng bày giới thiệu hơn 500 tư liệu hiện vật quý hiếm liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Du. Trong đó, Thư viện Nguyễn Du có diện tích 500m2, với một phòng đọc đa chức năng, có trên 2000 đầu sách để phục vụ bạn đọc.

Chúng tôi và hẳn nhiều du khách ngưỡng mộ cụ Tiên Điền khi đến thăm khu di tích văn hoá này đều cảm thấy thật sự xúc động trước tấm lòng của một con người, một nhân cách, một tài năng đất Tiên Điền.

Nhưng thật điều đáng nói là khi bước vào phòng đọc của Thư viện Nguyễn Du, phía cuối  phòng đọc đặt hai pho tượng Nguyễn Du ngồi đĩnh đạc quắc thước, được làm bằng thạch cao. Đây là hai trong ba pho tượng được chọn lọc kỹ lưỡng từ nhiều tác phẩm của các nhà điêu khắc. Bức tượng đồng Nguyễn Du được đặt phía trước khu văn hoá, do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thuộc Công ty Mỹ thuật Trung ương thể hiện. Còn hai pho tượng đặt trong Thư viện, theo ông Đinh Sỹ Hồng - Trưởng BQL di tích Nguyễn Du, thì đây là hai tác phẩm của hai nhà điêu khắc Nguyễn Quang Dong và Tạ Quang Bạo. Thật buồn, khi chúng tôi tới gần hai pho tượng thấy chi chít xanh đỏ, đủ các loại mực, đủ loại nét chữ, rồi đủ loại họ tên được viết, vẽ ngoệch ngoạc xung quanh tượng.


Hai bức tượng cụ Nguyễn Du đều bị viết, vẽ ở đế tượng

Việc viết, vẽ bẩn của những kẻ thiếu ý thức lên các di tích lịch sử văn hoá, những năm gần đây, xảy ra với nhiều  di tích, nhưng thường là những di tích ngoài trời, không có người thường xuyên bảo vệ. Còn trường hợp hai pho tượng cụ Nguyễn Tiên Điền thì lại nằm ngay trong thư viện, nơi mà các học sinh - những người được dạy dỗ về chữ nghĩa đến đọc sách để mong được cụ Nguyễn phù hộ cho chút ít “lộc chữ”, thi thư - thì không hiểu ý thức để đâu mà lại viết, vẽ lên hình tượng của người cha đẻ truyện Kiều.

Chúng tôi đang đứng chôn chân, chạnh lòng trước hai pho tượng cụ Nguyễn thì có mấy người khách nước ngoài cũng tiến lại, đưa máy ảnh lên chụp. Họ hơi nhíu mày, băn khoăn, nhiều người còn chụp cận cảnh, đặc tả những dòng chữ ghi trên tượng. Có lẽ, những khách nước ngoài vì chưa hiểu tiếng Việt, họ tưởng đây là bút tích của danh nhân hoặc mật mã gì đó nên mới chụp ảnh để mang về nghiên cứu.

Thiết nghĩ, BQL di tích cần sớm có biện pháp cần thiết để khắc phục tình trạng trên, không gây phản cảm cho khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và tưởng nhớ đến Đại thi hào Nguyễn Du.

Xa xa nghe văng vẳng lời thơ cụ Nguyễn Tiên Điền, “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Trọng cụ Nguyễn, yêu chữ nghĩa, càng thấy giận những kẻ thiếu ý thức với tiền nhân, xin mượn lời của Bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương, nhắn gửi: “Ai về nhắn bảo phường lòi tói/ Muốn sống đem vôi quét trả đền”.

Văn Thiện

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm