“Nới”, nhưng cấm… nhập nhèm!

19/08/2009 10:53 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuối tuần qua, Bộ VH, TT&DL đã chính thức đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng lần thứ hai. Trước đó, vào thánh 4/2009, bản Dự thảo này đã được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và sau đó được bổ sung, sửa đổi thêm một số điều khoản.

Cấm nhập nhèm

Cấm nhập nhèm giữa việc kinh doanh karaoke và việc dùng dịch vụ này để giải trí cho... nhân viên của cơ sở. Đó là thay đổi lớn nhất của bản dự thảo hoàn thiện so với lần đưa ra lấy ý kiến vào tháng 4/2009. Cụ thể, dự thảo yêu cầu các cơ sở kinh doanh nếu có trang bị hệ thống karaoke để phục vụ nhu cầu giải trí của nhân viên thì phải tách riêng với việc kinh doanh karaoke và không cho khách sử dụng nếu có nhu cầu.


Quán karaoke (Ảnh minh họa)
Theo ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH,TT&DL), quy định cũ cho phép những cơ sở có sở hữu trang thiết bị karaoke nhưng không dùng để kinh doanh thì không cần đăng ký giấy phép. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở “lách luật” bằng cách không thu tiền kinh doanh dịch vụ karaoke, nhưng lại thu thêm tiền từ những khoản khác đối với khách sử dụng dịch vụ này. Từ đó, nhiều biến tướng tiêu cực có điều kiện nảy sinh. “Tôi nghĩ, quy định này là công bằng và chuyên nghiệp - ông Tuyến cho biết - việc thiếu rạch ròi giữa kinh doanh và không kinh doanh đã tạo ra một số kẽ hở để những biến tướng tiêu cực có điều kiện nảy sinh. Vậy, điều khoản này có chức năng ngăn chặn việc tổ chức các hình thức karaoke theo kiểu “trá hình” như vậy. Ngược lại, về phần cơ sở, nếu họ cho nhân viên vào hát miễn phí trong phòng kinh doanh karaoke thì cũng chẳng sai trái gì”.

Vũ trường đủ điều kiện mới được kinh doanh khiêu vũ

Cũng liên quan tới việc kinh doanh karaoke, bản Dự thảo mới đã bỏ đi nội dung “cấm khiêu vũ trong phòng karaoke” - điều từng gây nên những dư luận trái chiều khi được công bố lần đầu. Thay vào đó, khoản 26 của Dự thảo quy định: “Kinh doanh khiêu vũ chỉ được thực hiện tại những vũ trường có đủ điều kiện quy định tại quy chế này”. Nói một cách khác, điều khoản này cũng tương đồng với việc “cấm khiêu vũ khi hát karaoke” và chỉ có sự thay đổi về câu chữ.

Bản thân ông Tuyến cũng công nhận: 14 bộ, ngành liên quan đều đồng ý với tôi về việc cấm khiêu vũ trong phòng karaoke. Việc thay đổi câu chữ chủ yếu có tác dụng tránh để dư luận hiểu lầm khi xếp khiêu vũ cùng các hoạt động mua bán dâm, sử dụng ma túy... cùng vào danh sách các hoạt động bị cấm trong phòng karaoke mà thôi.

Karaoke, vũ trường trong khách sạn 4, 5 sao được mở cửa tới 2h sáng

Bản Dự thảo hoàn thiện này cũng chính thức quy định: các khách sạn từ 4 sao trở lên nếu sở hữu dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường... thì được phép mở cửa tới 2 giờ sáng. Đây là thông tin không mới và về cơ bản đã được dư luận tán thành trong bản quy chế được đưa ra vào tháng 4 vừa qua.


Du khách nước ngoài ở trong các khách sạn 4 - 5 sao có thể được hát karaoke đến 2h sáng
Giải thích về việc chỉ “nới” tới 2 giờ sáng, ông Tuyến cho biết: chúng tôi đã tiến hành gửi câu hỏi khảo sát tới nhiều đối tượng là khách du lịch nước ngoài. Nhìn chung, việc mở cửa các dịch vụ này tới 2 giờ sáng là phù hợp với nhu cầu của họ. Những người có nhu cầu giải trí tới thời gian lâu hơn chỉ chiếm một thiểu số.

Hiện tại, theo thống kê, trên cả nước có 130 khách sạn từ 4 sao trở lên, trong đó có 35 khách sạn 5 sao. Theo lời ông Tuyến, ngoài số khách sạn này, đối với các khách sạn 3 sao, Bộ VH,TT&DL cũng đề nghị xem xét việc “nới” thời gian kinh doanh chỉ riêng với dịch vụ quầy bar lên 2 giờ sáng.

Giữ nguyên “điều khoản 200m”

Về “điều khoản 200m” (các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar phải cách tối thiếu 200m đối với các bệnh viện, trường học, chùa...), bản Dự thảo mới này vẫn giữ nguyên quy định trên.

Trước đó, trên địa bàn TP.HCM đã có đề nghị được “nới” khoảng cách này xuống còn 100m với lý do đã... trót quy hoạch theo thông số như vậy. Tuy nhiên, theo ông Tuyến, yêu cầu này đã chính thức bị bác bỏ: muốn công bằng thì không thể áp dụng một ngoại lệ nào. Và theo tôi được biết, rất nhiều trong số các nơi kinh doanh karaoke tại TP.HCM theo quy hoạch cũ (cách 100m) cũng đã chuyển đi tìm địa điểm thích hợp trong vòng 4 năm qua.

Hà Nội “dẹp” karaoke trong khu phố cổ Theo thông tin từ Vụ Pháp chế, hiện Sở VH,TT&DL Hà Nội đã hoàn thành bản quy hoạch hệ thống karaoke, vũ trường trong thành phố. Theo đó, các dịch vụ karaoke tại khu phố cổ Hà Nội đều không hề được cấp giấy phép kinh doanh. Từ năm 2006, Bộ VH,TT&DL đã đưa ra quy định cấm kinh doanh karaoke trong khu vực phố cổ.


Hoàng  Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm