PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Cần hiểu đúng về tính khoa học của môn Văn

02/07/2009 15:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Mỗi khi điểm Văn thấp, người ta thường kêu ca là cách ra đề và chấm thi môn Văn đầy bất ổn, cách dạy và học văn khuôn mẫu, khô cứng, giết chết sáng tạo. Rất nhiều ý kiến, nhất là các nhà văn, nhà thơ - cho rằng, hãy để cho các em học Văn theo cảm nhận riêng của mình, không bày đặt các bài văn mẫu, ra các đáp án theo kiểu “đếm ý ăn tiền”, rồi chấm theo thang điểm chi tiết đến từng 0,25 điểm. (Theo họ, bài văn chỉ có thể chấm với tiêu chí là “hay” hoặc “không hay” mà thôi ).

Trước quan điểm nêu trên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, tác giả sách Ngữ vănTHCS và đồng chủ biên sách Ngữ văn THPT nâng cao.

Môn văn cũng có đúng/ sai, và những tiêu chí khoa học

* Mặc dù nhiều nhà văn, nhà thơ nghĩ như trên, nhưng cá nhân tôi lại cho rằng, dạy và học văn trong nhà trường không chỉ đơn thuần là dạy và học cách cảm thụ nghệ thuật thuần tuý; mà là dạy và học một môn khoa học về văn chương (văn học = khoa học về văn chương). Tiếp cận dưới góc độ một môn khoa học, thì rõ ràng môn Văn cần phải có những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy tắc…, thậm chí có cả đúng/sai nữa; chứ không phải là chỉ khen “hay quá, hay quá” một cách chung chung, u u minh minh, bất khả tri luận… Là một nhà khoa học giáo dục ông nhận thức vấn đề này như thế nào?


PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

- Trước hết tôi tán thành quan niệm văn học trong nhà trường là một bộ môn khoa học về văn chương. Và vì thế nó cần được xem xét và đối xử như các bộ môn khoa học khác. Nghĩa là cũng có đúng/ sai, có những tiêu chí khoa học của nó.

Với ba phần lớn: văn học, tiếng Việt và làm văn, nhiệm vụ trực tiếp của môn học này là hình thành ở người học hai năng lực thiết yếu: Đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản. Năng lực đầu giúp học sinh biết tiếp nhận, thưởng thức và đánh giá sản phẩm của người khác và năng lực sau biết tạo ra sản phẩm (nói và viết) của chính mình. Cả tiếp nhận lẫn tạo lập đều cần dựa trên những cơ sở khoa học. Phần lớn các nước mà tôi biết, môn học này được coi là môn học công cụ, giúp người học biết đọc và biết viết (Literacy). Biết đọc thực chất là biết giải mã (decode) một văn bản, chuyển hệ thống kí hiệu thành một thông điệp có nghĩa, đúng với nội dung mà người kí mã (code) muốn truyền đạt. Trong cuộc sống văn bản cần đọc hiểu rất phong phú, văn bản văn học chỉ là một trong các loại ấy. Đối với hầu hết các văn bản thông thường, kết quả giải mã cần giống nhau. Đọc một thông báo ở ga tàu mà mỗi người hiểu một cách thì rất gay. Viết một biên bản hay làm một hợp đồng mà ai hiểu thế nào cũng được thì hỏng. Và vì thế, cách đọc-hiểu cần có cơ sở khoa học, phải căn cứ vào nghĩa của câu, chữ và văn cảnh cụ thể. Nếu một văn bản thông thường mà hiểu khác nhau thì hoặc là người viết không đạt, hoặc là trình độ người đọc kém.

Phức tạp nhất trong môn học này là việc dạy đọc-hiểu văn bản văn học, một loại văn bản đặc biệt, sản phẩm của tư duy hình tượng, của hư cấu, mang đậm tính mơ hồ, đa nghĩa... Tuy nhiên ngay cả với loại văn bản “phức tạp” này, cũng không thể nhân danh tính đa nghĩa mà cho rằng tuỳ người đọc, muốn hiểu thế nào cũng được. Nghĩa của một văn bản văn học được tạo nên bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố người đọc. Mỗi người có thể hiểu một cách khác nhau. Nhưng cũng cần thấy bên cạnh các nghĩa có thể thay đổi (inconstant), do quy ước chung về ngôn ngữ và tư duy, về các nguyên tắc thi pháp của mỗi thời kì, mỗi thể loại, tác phẩm văn học luôn có các nghĩa rất ổn định (constant) mà ai đọc cũng hiểu và cảm nhận như thế. Học sinh rất cần được trang bị những hiểu biết này như là một trình độ văn hoá cơ bản...

* Nghĩa là tác phẩm văn học cũng có “mẫu số chung” cho sự cảm nhận, chứ không phải là cảm nhận thế nào cũng được? Vậy tính đa nghĩa của văn bản được hiểu như thế nào?

- Đúng thế, có “mẫu số chung” trong tiếp nhận, nếu không thì làm gì có tri âm, tri kỉ giữa người đọc với người đọc, giữa người đọc với tác giả. Và điều đó cũng không có gì mẫu thuẫn với tính đa nghĩa của văn bản văn học. Tính đa nghĩa của một văn bản văn học ít nhất thể hiện ở hai phương diện: a) Nó có thể mang lại cho một người đọc nhiều ý nghĩa khác nhau  không phải chỉ có một chủ đề, hay một tư tưởng, một ý nghĩa duy nhất); b) và ngoài “mẫu số chung” ra, nó mang lại cho những người đọc khác nhau những ý nghĩa khác nhau. Từ đây có thể tạo nên những nhóm tri kỉ tri âm khác nhau, những trường phái tiếp nhận khác nhau...

Tôi buộc phải nói hơi dài về những điều cơ bản trên đây, để dẫn đến kết luận này: đúng là dạy Ngữ văn có dạy và học về cách cảm thụ nghệ thuật, giúp học sinh biết cảm thụ văn học đúng hướng... như thế cũng có nghĩa là phải dạy đọc hiểu văn bản - tác phẩm một cách khoa học; không phát biểu một cách vu vơ và chung chung, đại khái. Với những tác phẩm đa nghĩa, cần khuyến khích học sinh đưa ra nhiều cách hiểu, cách cảm nhận độc đáo, sáng tạo, nhưng phải có lí, có căn cứ... chứ không phải muốn hiểu thế nào cũng được, để rồi phân tích câu thơ: “Sông dài trời rộng bến cô liêu” (Tràng giang) là “Huy Cận muốn nói đến cái bến có tên cô Liêu đã tự tử ở nơi này” như có HS đã viết”.

Thang điểm nên chi tiết đến mức độ nào?

* Xin hỏi thẳng ông nhé, trong một bài làm văn có thể có “đúng/sai” chứ? Như thế nào là sai? Nếu Văn học là môn khoa học thì có lẽ vấn đề “đúng/sai” phải đặt lên trước vấn đề “hay/dở”?

- Có đúng/ sai chứ. Xác định đúng/sai dễ hơn hay/dở. Hay/dở phụ thuộc nhiều vào cảm nhận chủ quan, với người này là hay nhưng với ngưòi khác như thế là dở; còn đúng/sai mang tính khách quan, có thể kiểm chứng được. Trong tiếp nhận, nếu hiểu câu thơ của Huy Cận như tôi vừa nêu trên là sai hoặc viết như sau không thể coi là đúng: “Tố Hữu được giải Nobel (1960)”; “Chế Lan Viên là một nhà văn, nhà thơ rất nổi tiếng trong thời phong kiến”, “Nguyễn Tuân tên thật là Nguyễn Kim Thành (1920-1987)”; “Chí Phèo là một thanh niên khỏe mạnh, giỏi giang, ai lấy được nó như có một con trâu trong nhà. Thị Nở “là một người làm công cho nhà tên thống lý”… Trong tạo lập (làm văn) nếu đề bài yêu cầu bàn về vai trò, tác dụng của rừng mà người viết lại bàn về các biện pháp bảo vệ rừng là không đúng hướng (lệch đề) thậm chí lại bàn về nguồn gốc các loại thú rừng chẳng hạn thì là lạc đề, là sai.

* Vậy việc có đáp án, và thang điểm chi tiết có hợp lý không, thưa ông?

- Việc có đáp án, thang điểm là cần thiết, nhất là trong các kì thì tuyển cần phân loại học sinh. Vì nếu không như thế thì rất khó khăn cho việc chấm bài để bảo đảm sự thống nhất, công bằng. Tuy nhiên đáp án, biểu điểm có cần chi tiết không? Chi tiết đến mức nào thì cần căn cứ vào từng đề thi cụ thể. Chẳng hạn nếu là “đề mở” (ví dụ: Quan niệm của anh/chị về tình yêu tổ quốc?) thì không nên làm đáp án chi tiết, chỉ nên nêu lên các yêu cầu chung và hướng giải quyết, còn nội dung cụ thể để học sinh tự đề xuất, thể hiện. Ngay cả với loại đề cảm thụ văn học, thì đáp án cũng chỉ nêu lên các ý cơ bản, ổn định, còn lại cần dành một số điểm cho những phát hiện cá nhân, những suy nghĩ sáng tạo của người viết, những ý này có thể không nằm trong đáp án…

Kỳ 2: Bài thi văn là kiểm tra văn hóa, chứ không phải đáp ứng sở thích cá nhân!

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm