Khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Nhiều thách thức

25/06/2009 15:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuộc khai quật hầm số 1 trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu cách đây hơn 10 ngày. Cuộc khai quật này được dư luận háo hức chờ đợi nhưng cũng gây lo ngại về tính nguyên vẹn của di chỉ độc đáo nói trên.

Nằm dưới lòng đất gần Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, đội binh mã đất nung là một phần của khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên) - vị hoàng đế Trung Quốc đầu tiên. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 2.000 bức tượng đã được phát lộ, còn khoảng 6.000 tượng khác vẫn “ngủ yên” trong ba căn hầm. Cuộc khai quật tại hầm số 1 lần này dự kiến kéo dài trong 5 năm để đưa ra ánh sáng thêm 2.000 bức tượng.


Công việc khai quật tại hầm mộ số 1

Cuộc khai quật đầu tiên ở khu vực lăng mộ Tần Thủy Hoàng diễn ra từ năm 1978 đến 1984 và nhờ đó đã phát lộ được 1.087 bức tượng. Cuộc khai quật thứ hai bắt đầu vào năm 1985 nhưng kéo dài không lâu vì lý do kỹ thuật, đặc biệt là những khó khăn trong việc giữ nguyên màu sắc của các bức tượng. Yuan Zhongyi, nguyên Giám đốc Bảo tàng binh mã đất nung và là nhà khảo cổ đầu tiên đến khu vực này năm 1974, cho biết: “Khi tiếp xúc với không khí thì mặt ngoài của tượng dễ bị oxy hóa và trở nên xám xịt, lớp sơn sẽ bong và phân hủy trong vòng 5-6 phút”.

Từ năm 1990, Bảo tàng binh mã đất nung đã hợp tác với các chuyên gia Đức trong việc bảo vệ màu sắc của các bức tượng. Họ đã làm ra một loại sơn bóng để phủ lên lớp sơn sẵn có trên tượng, tránh cho chúng không bị hư hại. Tuy nhiên, chưa ai dám khẳng định hiệu quả lâu dài của biện pháp này. Các nhà khoa học còn phải đối mặt với một thách thức nữa là tìm cách khôi phục các lớp sơn đã bị phân hủy trong đất.


Đội quân đất nung ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Jiao Nanfeng, Giám đốc Viện Khảo cổ Thiểm Tây, là người nhiệt tình ủng hộ cuộc khai quật lần này bởi ông rất sốt ruột trước tình trạng bộ sưu tập của Viện không hề thay đổi trong suốt 24 năm qua. Nhưng theo ông, sẽ không có nhiều điều bất ngờ vì căn hầm số 1 đã được nghiên cứu kỹ.

Tuy nhiên, ông Cao Wei - Phó Giám đốc Bảo tàng binh mã đất nung - lại nghĩ khác: “Cuộc khai quật sẽ góp phần giải mã nhiều câu hỏi về lịch sử Trung Quốc và làm rõ hơn tập tục chôn các bức tượng đất sét từ đời Tần tới đời Hán”.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm