Báo chí (Bài 1): Buôn dưa lê toàn cầu?

21/06/2009 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Bùng nổ giải trí, teo tóp văn hóa?

Tính đến tháng 4/2009, trên cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí, khoảng 15.000 nhà báo được cấp thẻ, hơn 50 trang tin điện tử, hàng ngàn bản tin, hàng ngàn website (đó là chưa kể có cơ quan báo chí nắm giữ cả chục loại ấn phẩm, nhiều hơn số nhà báo được cấp thẻ là những nhà báo chưa được cấp thẻ và các cộng tác viên). Trong thời đại thông tin bùng nổ ngày nay, những con số thống kê trên đây có lẽ còn chưa chịu dừng lại cho dù Bộ Thông tin - Truyền thông có rục rịch nhiều lần chuyện “quy hoạch” - cũng giống như đô thị, quy hoạch thường đi kèm với mở rộng. Và, trong khi Bộ chưa quy hoạch, thì đã có nhiều thứ mở rộng trên báo chí, trong đó phải nói tới mảng báo chí viết về văn hóa (thường được ghép thêm với từ “giải trí” vì e ngại, mặc dù chức năng của văn hóa nghệ thuật đã bao gồm cả giải trí, nhưng phải đi kèm với thẩm mỹ và giáo dục, thì có thể giải trí không được nổi cho lắm!). Có thể có những báo, tạp chí không có trang Kinh tế, không có trang Pháp luật, không có trang Chứng khoán v.v..., nhưng trang Văn hóa - Giải trí thì hầu như chẳng tờ nào không có. Hình như, thiếu văn hóa - giải trí, thì đời thiếu đi hương hoa!

Nhưng văn hóa có đơn thuần chỉ là giải trí? Có phải chỉ là hương hoa? Và sự bùng nổ các trang báo, các bài viết về văn hóa - giải trí có đồng nghĩa với sự bùng nổ mức độ quan tâm về văn hóa của giới báo chí Việt Nam và công chúng?

Nhân ngày Nhà báo Việt Nam 21/6, TT&VH Cuối tuần xin dành một chuyên đề đặc biệt “mổ xẻ” một góc báo chí viết về văn hóa văn nghệ, trong đó có cả Thể thao & Văn hóa.

Thực hiện chuyên đề: NHÓM PHÓNG VIÊN TT&VH CUỐI TUẦN


(TT&VH Cuối tuần) - Cỗ máy khổng lồ có tên internet đã tạo điều kiện để cả thế giới xích lại gần nhau hơn, nhưng thay vì để trao đổi giao lưu văn hóa với nhau, thì người ta lại sa vào buôn dưa lê toàn cầu, đến mức bị những ảo giác về thế giới thật.

CÁI GÌ CŨNG TO NHẤT, LỚN NHẤT

 Ai cũng biết Thủy Top nổi tiếng vì điều gì...
1. Nửa đêm, mở internet ra. Gần như đương nhiên với hầu hết những người sử dụng internet Việt Nam là vào yahoo trước (vì cài đặt mặc định mà). Thủy Top - Sexy không có nghĩa là hở hang, dòng tít hấp dẫn bật ra giữa màn hình chủ, bên trên là bức ảnh cô gái đang đình đám hiện nay - mặt trắng bóc, miệng chúm chím, tay đặt lên môi như thì thầm, lại như gửi một nụ hôn gió.

Chắc chắn hàng vạn, hàng triệu người dùng internet Việt Nam đã thưởng thức cái tin đó, trước khi biết đến những chuyện trọng đại khác của đất nước hay của thế giới: Số ca nhiễm H1N1 tăng lên, Tiến sĩ đánh bạc bị xử lý nghiêm, Hàn Quốc muốn Mỹ đảm bảo lá chắn hạt nhân...

Phải nói là những người làm thông tin mạng đã trưng lên “top” món hàng gì là nhất định đó là thứ có đầy đủ đặc tính của “tôm tươi”. Tôi cứ thử xem hàng triệu độc giả có thể bồi bổ cơ thể được những gì khi mất từ 1 giây đến 30 phút cho cái tin Thủy Top - Sexy không có nghĩa là hở hang này. Trước hết biệt danh của cô Huỳnh Minh Thủy - Thủy top - trong vòng một năm nay, đã trở thành từ “hot” nhất nhì Việt Nam - và trở thành một thứ “siêu danh từ” rồi. Từ thứ hai là “sexy” - cũng là “siêu tính từ” của cả thế giới. Từ thứ ba “hở hang”, càng gây tò mò hơn nữa. Trong một mệnh đề mà có tới ba siêu danh từ và tính từ thì quả thực là sức mạnh không kém gì ba quả trọng pháo bắn thẳng vào cái đầu đang “khát nước” của độc giả.

Thời đại internet nên "mâm bát" thông tin lúc nào cũng bày sẵn sàng cho thiên hạ thưởng thức. Bên dưới bài về Thủy Top nói trên còn có từ “Thủy Top” để sẵn ở công cụ tìm kiếm văn bản và ảnh. Click vào đó bạn sẽ được thưởng thức món thông tin có nhan đề “Thủy Top” rất đa dạng như: Thủy Top - Bom sex nổ chậm, Tôi muốn thu nhỏ vòng một cuả mình..., cùng rất nhiều cái tít “khủng” khác.

Thế giới thông tin đã “chăm sóc” cho Thủy Top như siêu sao. Âu cũng là lẽ quy luật thường tình - người đang được công chúng quan tâm thì đưa tin về họ. Nhưng có cảm tưởng như người ta đang đói tin về Thủy Top quá, cho nên chuyện bé xé ra to; lành bành ra dữ. Đọc cái tít Thủy Top bật mí chuyện tắm rửa trên rừng, người “háo ngọt” trong đầu đã nghĩ ngay đến cảnh “dầy dầy sẵn đúc” mà Nguyễn Du đã miêu tả , nhưng ở đây có lẽ còn ngoạn mục hơn nữa bởi cảnh tắm táp liên quan đến một tòa thiên nhiên có kích cỡ nghe nói là trên 100cm. Những người thích phiêu lưu và giàu trí tưởng bở khác thì nghĩ đến cảnh tắm táp trong muỗi vắt khổ ải, giữa sông suối hoang vu... Nhưng khi cái “mí” tắm rửa trên rừng mà Thủy top “bật” ra trong bài viết trên chỉ có thế này: “Vì ở rừng, tôi gần như không biết địa hình và đường đi nên không dám đi quá xa để tìm sông hoặc suối tắm. Tưởng là phải ở bẩn như vậy trong mấy ngày thì chết. May là tìm được nhà dân. Chắc nhìn tôi lấm lem nên họ thương tình cho tắm nhờ. Ra về còn tặng thêm mấy trái dứa làm quà, ăn ngon ơi là ngon”.

Chưng hửng toàn phần!

Mà chẳng cứ những thông tin về Thủy Top mới hot. Cả những gì... giống Thủy Top, so sánh với Thủy Top cũng hot không kém. Người ta thông tin cả về những cô gái được coi là “đối thủ” của Thủy Top - đối thủ ở kích cỡ của vòng một - danh sách các cô này liên tục tăng lên, chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Đến ngay cả vòng một của Hoa hậu Mai Phương Thúy cũng được đem ra bàn tán với cái tít “chỉ đứng sau Thủy Top’”. Hiếm có khi nào mà kích cỡ vòng một của các cô gái lại được đem ra cân đo, so bì nhiều và công khai như bây giờ. Và cũng là lần đầu tiên có một cô gái - Thủy Top nổi lên là nhờ (hoặc có phần nhờ) vòng một được đồn đại là “lớn nhất Việt Nam”. Đây cũng là một kỷ lục duy nhất mà dù không thấy có các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu khả kính đến đo đạc, thẩm tra, cấp bằng công nhận (như ở Hội đồng biên soạn sách kỷ lục Guiness nào đó). Vậy mà danh tiếng còn nổi hơn cả ngàn cái kỷ lục Guiness khác.

Nhân đây cũng xin nói thêm một chút, ông cha ta ngày xưa với gu thẩm mỹ đặc trưng, làm ra những thứ nhỏ, xinh mà tinh tế đến độ tuyệt kỹ. Ngày nay, chả cứ vòng một của đàn bà, cái gì cũng thấy thích to, ban đầu là to “nhất Việt Nam”, sau đòi phải to “nhất thế giới”. Chứng cuồng Guiness là biểu hiện của phong trào chạy theo những cái khác biệt (đến mức dị biệt) về mặt hình thức - chứ không phải là sự tương xứng giữa hình thức và nội dung hay ở giá trị và ý nghĩa. Cả người thực hiện, người thông tin, lẫn người “háo” những tin tức dạng này đều lười động não để xây dựng tìm kiếm các giá trị thật sự mà tự bằng lòng với những cái nhất về hình thức dễ làm, dễ thấy, dễ nói, dễ nhớ... Ở đây, cái hình thức “đè bẹp” cái nội dung.

BUÔN CHUYÊN TOÀN CẦU HAY TÂY PHẢI HỌC TA

Theo dõi một vài trang mạng, tôi có cảm giác như cứ mấy tiếng lại tung ra một cái tin về các cô đào, anh kép nổi tiếng ở châu Âu, châu Á, nào thì đánh ghen, lộ ảnh nóng, sơ ý lộ nội y... Paris Hilton, Angelina Jolie, Brad Pitt, Trần Quán Hy, Chương Tử Di... đi đâu, đến đâu, làm gì, sơ sểnh cái gì cả thế giới đều được thông tin. Công thức là, báo Tây đưa cái gì, ta ngồi một chỗ “rình”, dịch ra bằng hết. Tốc độ chuyển nghĩa quả là đáng kinh ngạc. Nếu ai chịu khó theo dõi các thông tin về chuyện riêng tư của các tài tử bên Tây “ngự” trên truyền thông nước nhà thì còn biết kỹ càng hơn chuyện riêng tư của... vợ/chồng mình vậy.


Nhất cử nhất động của gia đình cô đào Angelina Jolie
đều được cả thế giới biết

Trong rừng thông tin kèm ảnh “toàn thịt là thịt” ấy, hấp dẫn nhất vẫn là chuyện “lộ ảnh nóng”. Chả hiểu ảnh nóng ấy chụp làm gì, giấu ở đâu, ai ăn cắp ăn trộm mà liên tục thấy bị “lộ”, bị tung lên mạng. Cái gì đã bị lộ ra rồi, thì cố gắng đậy nó lại, đằng này, báo Tây, báo ta làm cho nó lộ toét tòe loe ra cả thiên hạ biết mới... vui. Tôi chả hiểu một cô đào bên Tây ngồi ô tô nhấc chân lên trót lộ nội y thì có liên quan gì đến công chúng Việt Nam, nó góp phần bồi bổ cái gì, để lại tri thức nào, hay góp phần cảnh báo cho cái gì?

Trong cuộc sống đương đại của ta, hễ khi nào có một trào lưu xu hướng hơi thái quá, chẳng hạn tự do tình dục, người ta thường biện bạch: “Bên Tây người ta cũng thế” hoặc “Tây nó đã trải qua như vậy từ lâu rồi”. Nhưng tôi đồ rằng có những thứ mà mình xài còn vượt cả Tây! Thay vì lấy chuyện của Tây ra làm bài học tày liếp để ta dạy bảo nhau, thì đến lượt bên Tây sẽ lấy ta ra mà lè lưỡi. Khoảng một, hai năm gần đây, bùng nổ từ teen, rồi hotgirl (và cả hotboy) nữa, những danh từ này không những nóng bỏng trên thế giới mạng, mà nó còn trở thành một “khái niệm”, một “danh hiệu” để mà bình bầu, bàn tán, tranh luận với nhau về phong trào muốn nổi tiếng nhờ khoe thân thể (lại vừa có bài “hot” Con trai cũng... show hàng). Ban đầu tôi cũng cứ tưởng rằng cả thế giới thời bùng nổ internet này đều lên cơn sốt “hotgirl”, “hotboy”. Thế nhưng khi search từ “hotgirl” trên google, tôi ngạc nhiên thấy hầu hết các kết quả đều từ các trang web tiếng Việt hoặc có nguồn gốc từ Việt Nam. Hình như chính chúng ta đang xài quá độ từ “hotgirl” với mục đích hâm nóng những trang web chứ không phải là “Tây”!

ẢO GIÁC VỀ THẾ GIỚI

Cách đây dăm bảy năm, một hội thảo về văn hóa, một phát hiện mới về khảo cổ, một vấn đề về quản lý văn hóa... có thể thu hút sự quan tâm của hầu hết các phóng viên văn hóa của các báo. Nay thì một hội thảo về văn hóa rất lớn có khi chỉ lên lèo tèo vài cái tin trên các báo. Dường như “dòng chủ lưu” về văn hóa trên báo chí đã thay đổi.

Thông tin giải trí đã đè bẹp các thông tin về văn hóa văn nghệ, văn hóa tri thức. Sự trở lại của dòng sách ba xu, tập hợp các phóng sự văn hóa xã hội của các NXB là một minh chứng cho điều đó.

Việc tiêu thụ thông tin thuần túy với mục đích giải trí có thể để lại những ảo giác cho người đọc về thế giới họ đang sống. Suy cho cùng thì chính người đọc đang bị thiệt. Cỗ máy khổng lồ có tên internet đã tạo điều kiện để cả thế giới trở thành một ngôi làng, nhưng thay vì trao đổi giao lưu các thông tin văn hóa với nhau, thì vô hình trung người ta lại chỉ tán gẫu với nhau mà thôi. Ngày trước các bà các mợ buôn dưa lê với nhau chuyện trong ngõ, trong xóm. Ngày nay thế hệ trẻ buôn chuyện toàn cầu. Hàng ngày mở máy tính ra, lướt qua những trang web đình đám nhất và yên tâm rằng ngày hôm ấy, giờ ấy, văn hóa trên cả thế giới chỉ có ngần ấy chuyện thôi, lộ hàng, hở đồ lót, có bồ mới..., còn ngoài ra thế giới văn hóa có gì khác đâu? Thế nên, mỗi một tuần lễ phim nước ngoài được tổ chức ở Việt Nam, những người đi xem về lại kinh ngạc nhận ra rằng, hóa ra điện ảnh thế giới không chỉ có mấy phim gọi là “bom tấn” được đưa tin rền rĩ trên các báo hàng năm trời!

Người đọc bị cuốn theo dòng thông tin, mà đôi khi dòng thông tin ấy lại bị chi phối bơi những công cụ truyền tin mạnh, những ý đồ PR của ai đó. Người ta tưởng rằng đã biết tất cả về thế giới, nhưng thực ra lại chỉ là một góc nhỏ bé và đầy khiếm khuyết của thế giới.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm