Thanh Lam: "Tôi chán rồi!"

08/06/2009 08:30 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Không ít người đã chờ đợi live show Tiếng vọng tình yêu (Echo of love) tại Nhạc viện TP.HCM (29/5 vừa qua) với sự trở lại của "nữ hoàng" Thanh Lam. Nhưng chỉ bốn ngày trước live show, Lam mới từ Đông Âu về lại Hà Nội (trong khi nhiều ca sĩ "chạy sô" Mỹ thì "nữ hoàng" lại "chạy" ngả Đông Âu), và hai ngày trước đêm diễn mới hối hả bay từ Hà Nội vào TP.HCM.

Để mời được Thanh Lam trả lời phỏng vấn, chỉ còn cách “bắt tại trận” chị ở đâu đó và vào cuộc ngẫu nhiên chứ không có chuyện hẹn trước. Rủ đi chơi thì “hối hả”, rủ làm việc là “trốn” ngay, đó là bản tính nghệ sĩ không thể chối cãi của Lam (qua tiết lộ của một người bạn rất thân của chị). Sinh lực trên sân khấu vẫn còn đầy, nhưng như chính Lam nói: “lúc nào đó nhuệ khí cạn”, nên cái quãng để thúc bách và mang chị đến với chiếc micro thì...

Thật ra, trong live show Tiếng vọng tình yêu nói trên và album Thanh Lam Acoustic vừa ra mắt, Thanh Lam, nói một cách “phủi” tức là “người hát thuê” cho “chủ dự án” - nhiếp ảnh gia kiêm tay chơi hi-end thứ thiệt Lê Thanh Hải. Nói một cách lịch sự, chị là “khách mời”, và nói một cách “kinh tế”, đó là “hợp đồng đánh lẻ” của Thanh Lam. Mấy năm qua, Lam đã “đánh lẻ” khá nhiều, từ việc nhận lời làm khách mời live show của vài ngôi sao phía Nam đến bay hải ngoại, xuất hiện truyền hình... “Đánh chẵn” có chăng cũng chỉ là “ôn kỷ niệm” bằng hình ảnh Lam xưa, chứ không còn máu lửa tạo khuynh hướng, “phá phách”... như bản tính trước đây. Biết tình hình đóng băng chung, biết quy luật thăng trầm và tâm tư của nghề hát, người hát, nhưng theo dõi diva, nhiều người vẫn nghĩ ngợi (dùm) khi nhìn lại... “con đường Lam đi”.

Lam từng huy hoàng ở thời kỳ gắn với nhạc Thanh Tùng, Thuận Yến... khi mở màn cho lối hát cá tính dữ dội, chấm dứt thời kỳ “dịu êm” trong trình diễn nhạc nhẹ Việt Nam. Sau đó là dấu ấn rực rỡ nhất trong sự nghiệp theo đánh giá của giới nghề, bằng CD Mây trắng bay về, thực hiện cùng Quốc Trung, Dương Thụ. Bẵng đi một thời gian, khi đã nhường sân chơi bề nổi cho các ngôi sao mới tung hoành, Thanh Lam trở lại đình đám bằng cái bắt tay với Lê Minh Sơn ở nhánh rẽ dòng nhạc dân gian đương đại (lúc này chị tự nhận mình đã tìm đúng được “khối thuốc nổ” công phá năng lượng bên trong). Nhưng rồi năm qua, người ta lại thấy diva lặng lẽ quay về bằng Lam xưa, với âm nhạc thời kỳ đầu. Và mới nhất là Lam với hình ảnh âm nhạc ít ai ngờ đến, Lam Acoustic. ...

* Ca sĩ tài năng thực sự có thể hát ở bất kỳ sân khấu nào, không phân biệt thể loại âm nhạc, công chúng. Chị có đồng ý với quan điểm này không?

- Nếu chỉ chăm chăm vào việc chiều lòng khán giả bằng những bài hát “dễ đi vào lòng người” thì tôi không làm được. Tôi mong muốn con đường mình cân bằng giữa những gì mình muốn và xu hướng khán giả mong đợi.

* Chị đi qua quá nhiều ngã rẽ trên con đường âm nhạc, cuối cùng muốn xây dựng hình ảnh hay thông điệp gì?

- Cái tôi muốn xây dựng là cái tôi đang có đây rồi, khi tôi đã có một chỗ đứng trong lòng người nghe. Bạn hỏi tôi điều này có thể vì thấy tôi làm đĩa nhạc acoustic với Lê Thanh Hải? Trong dự án này tôi chỉ là một cộng tác viên thôi. Nó không phải trong sự tính toán con đường của riêng mình. Thật ra, trong năm qua tôi đã thu một đĩa pop classic, có tên là Nơi bình yên, nhưng chưa phát hành. Đến bây giờ tôi không quá đặt nặng mình phải làm cái gì, phải có mục tiêu gì khủng khiếp. Con đường của tôi vẫn theo xu hướng là nhạc nhẹ, kết hợp nét dân tộc, cổ điển. Sự thật là tôi có hát nhạc gì thì mọi người vẫn ấn tượng tôi hát thế nào hơn, như vậy không phải là dòng nhạc nữa mà trường phái hát. Âm nhạc cũng cần uyển chuyển, không nên quá căng thẳng.

* Nhưng trên con đường của chị lại có quá nhiều kiểu “uyển chuyển”, như việc nhận lời hát chung với những ngôi sao thị trường, việc bẻ lái qua nhiều dòng nhạc khác, làm người ta đôi khi hoang mang về thiên hướng và đẳng cấp của Thanh Lam?

- Tôi không quá đặt nặng chuyện đỉnh cao. Nghệ sĩ quan trọng phải sống được bằng nghề của mình. Đừng đặt người ta vào những vị trí hình nộm do ai đó mong muốn. Nghệ sĩ vẫn phải sống, vẫn sinh tồn. Người ta có thể làm những thứ không nằm trong sở trường, ngoài cả sở thích, cũng là chuyện bình thường. Để sống bằng nghề. Đối với tôi, việc tham gia việc này việc kia cũng là để sống được bằng nghề của mình. Dòng nhạc của tôi kén khán giả, giả dụ, tôi cứ hát mãi như vậy thì sống bằng gì? Tôi phải lo cho con cái, phải lo cho chính mình. Vấn đề của tôi ở đây là đã có tên tuổi rồi, nên không ngại gì nữa. Nếu bây giờ tôi có đi làm thuê cho người ta, hát một bài nhạc sến thì qua cổ họng của tôi cũng sẽ không sến. Tôi có sự tự tin của mình, khi đã có một cái “móng” chắc. Tôi hát vì thích, cũng có thể do người ta đặt hàng. Có thể sắp tới tôi tham gia một đĩa với Đàm Vĩnh Hưng, do Hưng đặt hàng.

* Để “tồn tại” được, có thể phải để bản năng nghệ sĩ chi phối, hơn cả việc hình thành ý thức chuyên nghiệp?

- Thật ra nếu chỉ có bản năng thì tôi cũng không thể nào ở vị trí này được. Nhưng tôi không phải là người có mưu lược, chiến lược cho mình. Có thể đấy là cái kém của tôi. Nhưng theo bạn, bây giờ ở Việt Nam ai xứng đáng được coi là nghệ sĩ chuyên nghiệp?

* Nhiều người đang cố gắng làm điều đó. Và người ta có quyền kỳ vọng điều đó ở chị - diva số một?

- Tôi rất buồn, thậm chí không muốn hát nữa vì thấy môi trường âm nhạc Việt Nam hiện nay quá “tả pí lù”, cả người làm nhạc lẫn khán giả. Trường hợp của tôi, khi đã leo lên đỉnh dốc là chấp nhận đánh rơi số lượng fan của mình. Có lẽ cũng chính thực tế đấy làm tôi chẳng muốn hát nữa chăng? Tôi nghĩ đến lúc nào đó, tôi chẳng còn nhuệ khí nữa rồi. Bạn hiểu rồi đấy, nhuệ khí là thứ cần phải được nuôi dưỡng, thúc đẩy bởi những động lực chứ không thể còn mãi như những năm đầu đi hát được.

* Nhuệ khí không còn nhưng bản lĩnh thì sao?

- Đủ bản lĩnh, nhưng chán. Trong hoàn cảnh này, mặt bằng này, người nghệ sĩ họ có lòng tự trọng đến một lúc nào đó thấy chẳng cần thiết, chẳng quan trọng phải dấn thân vào cái gì nữa. Cốt lõi sự nghiệp của một người nghệ sĩ, với tôi, là khi chết đi, anh ta sẽ để lại cái gì? Mơ ước của tôi không phải là bây giờ có bao nhiêu tiền, tên tuổi được đặt trước, đặt sau những ai. Cuộc sống của tôi, những gì càng thản nhiên thì tôi càng có được dễ dàng. Đó là định mệnh của tôi.

* Cũng là định mệnh khi chị tồn tại trong nền âm nhạc mà ở đó Thanh Lam được coi là “không có đối thủ” và “chơi vơi” trên đỉnh cao của mình?

- Tôi không phải là người lúc nào cũng coi trọng sự cạnh tranh. Tôi nghĩ mình sinh ra được ông trời cho một cái áo. Cái áo đó vừa vặn với mình thì mặc thôi. Tôi không quá nề hà chuyện mình mặc áo hồng, cô kia áo xanh, cô nọ áo đỏ...

* Không có đối thủ cũng không có cả đối trọng. Chị cũng không đặt nặng chuyện này?


- Rất khó. Ở nước ngoài, ca sĩ kết hợp với một nhà sản xuất, nhạc sĩ nào đó thì họ sẽ làm việc dựa trên lợi nhuận thu được qua những dự án. Còn ở Việt Nam thì sao? Quốc Trung từng làm cho tôi, Anh Quân làm cho Mỹ Linh... vẫn là chồng làm cho vợ. Bạn đã thấy một người nào làm chuyên nghiệp thật lâu với một người chưa? Sau này, cũng nhiều lần tôi muốn làm việc chung với Quốc Trung, nhưng anh cũng bận quá nhiều việc. Có thể khi mình không còn là vợ sống chung nữa thì cũng không còn tâm huyết làm cho mình nữa? Đấy! Mình có muốn cũng không được cơ mà.

* Nếu chọn âm nhạc của một người để đi cùng Thanh Lam suốt đời, đó có thể là ai?

- Tôi vẫn chưa tìm được.

* Trong những lý do, có thể vì giọng hát của chị?

- Lối biểu cảm quá mạnh mẽ của tôi chưa phù hợp với môi trường nghe của người Việt Nam bây giờ. Trong khi đó các nhạc sĩ đều muốn gọt giũa cho tôi mềm mại hơn. Thật ra ở nước ngoài, nghệ sĩ kiểu như tôi không hiếm, nhưng ở Việt Nam thì quá ít, nên cái gì mình làm cũng vênh vênh so với mặt bằng chung. Điều này cũng khó cho tôi.

* Nhạc của Lê Minh Sơn cũng không phải là ngòi nổ để giải phóng chị khỏi cái “khó” đó?

- Thật ra nhạc của Sơn cũng cá tính, có độ điên điên, ngầu ngầu như tôi, nhưng để có độ tinh tế tổng thể thì Sơn vẫn còn trẻ. Chắc dần dần, sau này cộng tác lại thì sẽ hay hơn. Hơn nữa, để bắt cả sự nghiệp của Sơn chỉ làm việc với tôi thì không được. Cuộc sống của Sơn cũng có những mối lo riêng. Sơn cũng cần kết hợp với những ca sĩ trẻ khác.

* Ở vị trí hàng đầu, có tính chi phối rất lớn với âm nhạc Việt nói chung, chị thấy mình có thể làm gì để góp phần thay đổi diện mạo “tả pí lù” của nó?


- Tôi nói thật là hiện tại mình chẳng còn cuồng vọng, khao khát chinh phục gì cả, trong một môi trường âm nhạc quá bình dân. Nếu muốn đối chọi một cách kịch liệt, đeo đuổi chuyên nghiệp một cách ráo riết... thì phải có môi trường, ít nhất phải có hàng chục người như vậy thì còn có “dòng suối” để mà hòa vào, đẩy mình lên. Thử nhìn mà xem, tôi có thể làm gì? Trong 5 đến 10 năm nữa, khi cuộc sống vật chất no đủ hơn, người ta cảm nhận được giá trị của đời sống tinh thần cao hơn thì âm nhạc mới có thể phát triển đúng vị trí. Chứ trong vòng quay của xã hội như bây giờ, không làm gì được đâu. Có thể thế hệ người nghe sau này được giáo dục âm nhạc tốt, thì mới tạo ra một cái nền, một mảnh đất tốt để nghệ sĩ phát triển đích thực. Nếu nói đến cái tổng thể hơn thì có cả người làm, người nghe, người phê bình, từ đài phát thanh, truyền hình, báo chí... cũng cần đưa ra những giá trị đúng.

* Không cuồng vọng, nhưng với sự nghiệp của mình, chị định liệu tương lai thế nào?

- Thật ra thời gian này tôi không thích hát lắm đâu, nhưng vẫn phải hát vì đam mê. Mà cũng phải hát để sống chứ. Bạn thấy không, mặt bằng chung rất khó khăn để nuôi dưỡng máu lửa. Sô diễn của tôi năm ngoái được làm công phu như thế mà phải bán từng vé, đến tận ngày cuối cùng. Trong khi đó nếu một tên tuổi như vậy, cách làm như vậy thì ở nước ngoài người ta phải bán vé hết trước nửa năm. Nếu có khán giả yêu nghệ thuật như vậy, yêu âm nhạc như vậy thì nghệ sĩ mới nuôi hoài bão được. Không thì cô đơn lắm. Trong cuộc sống, tôi tin có sự may rủi. Có những đoạn mình “mắc”, nhưng cuối cùng cũng đi qua được vì gặp điều nào đó tốt hơn - hoặc là không bao giờ gặp (cười). Có thể giai đoạn này tôi hơn chững lại, nhưng cũng có thể năm sau hay năm sau nữa tôi sẽ làm một cái gì đó rất hay. Một lần nữa, với tôi, mọi cái hãy để thản nhiên.

Đỗ Duy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm