Tự đi tìm người phê bình cho tác phẩm của mình

27/04/2009 13:37 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ngày 29/4 tới, tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’Escape, 24 Tràng Tiền), nhà văn Võ Thị Xuân Hà sẽ được mời tham gia chương trình “Mùa Xuân nước Pháp” bằng một chương trình nhỏ mang tên: “Không gian đa chiều trong bút pháp Võ Thị Xuân Hà”. TT&VH có dịp trò chuyện cùng chị xung quanh sự kiện này.

* Điều gì đưa chân chị đến với chương trình “Mùa Xuân nước Pháp” bằng cuộc giao lưu văn chương sẽ diễn ra tối 29/4?

- Đây là sáng kiến của chị Đỗ Minh Nguyệt, phụ trách sách tại L’Escape. Thêm nữa là sự yêu mến của một đạo diễn người Pháp (xin được giấu tên đã), bà rất yêu mến tác phẩm của tôi và sẽ “free” thù lao đạo diễn cho sự kiện này.
 
 

* Chị từng tổ chức nhiều cuộc giao lưu giữa nhà văn, nhà thơ và độc giả, chị thấy “thái độ” độc giả đối với văn chương hiện nay như thế nào?

- Hiện nay, nhiều cuộc giao lưu giữa tác giả văn chương và độc giả vẫn còn nghiêng về tính nghiệp dư, nhiều độc giả đến với những cuộc giao lưu nhưng vẫn chưa “ngấm” tác phẩm của tác giả đó nên khiến không khí cuộc giao lưu chùng xuống.

Độc giả vẫn quan tâm đến văn chương nhưng họ chỉ thích những tác phẩm mang tính tâm sự của giới trẻ, những cuốn sách “nói thẳng, nói thật” của người viết trẻ. Và hiện nay, độc giả trẻ lại còn thích ngôn ngữ teen một chút.

* Được biết, dịch giả - nhà phê bình trẻ Cao Việt Dũng đã được chị chọn mặt gửi vàng khi góp phần vào việc bình luận, giới thiệu tác phẩm của chị tới độc giả?

- Tôi chọn lựa Cao Việt Dũng vì tôi từng theo dõi rất kỹ các nhà phê bình từ trước đến giờ, tôi thấy bút pháp phê bình của Cao Việt Dũng rất thông minh và có chiều sâu. Tôi đề nghị, được chị Đỗ Minh Nguyệt, thay mặt cho L’Escape giúp đỡ liên hệ, và Cao Việt Dũng nhiệt tình nhận lời.

Sự nghiệp văn chương của tôi từ trước tới nay chưa hề có bạn phê bình đồng hành. Có thể nói nhân sự kiện này, chính tôi đã tự đi tìm người phê bình cho tác phẩm của mình.

* Theo chị, việc một nhà văn phải tự đi tìm nhà phê bình có nói lên vấn đề gì trong thực trạng văn học trong nước?

Tôi nói: Sự nghiệp văn chương của tôi từ trước tới nay chưa hề có bạn phê bình đồng hành, không có nghĩa là tác phẩm của tôi chưa có ai chú ý phê bình. Các tác phẩm của tôi đã được một số nhà phê bình chú ý như Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Thanh Sơn, Bùi Việt Thắng, Cầm Thi... Rồi có những sinh viên chọn tác phẩm của tôi làm luận văn tốt nghiệp như các sinh viên của nhà phê bình - giáo sư Hồ Thế Hà... Nhưng để có được bạn phê bình đồng hành với sự nghiệp của mình, hình như đó phải là cơ duyên.

Việc một nhà văn tự đi tìm nhà phê bình cho mình là một vấn đề hết sức bình thường trong nền văn học của bất cứ đất nước nào.

* Đối với nền văn học ở những nước phát triển, khi nhà phê bình lên tiếng thì tác phẩm đó thực sự như có được phép màu và gây ấn tượng rất tốt với độc giả. Chị thấy những nhà phê bình trong nước còn thiếu tố chất gì để làm “cầu nối” giữa tác phẩm và độc giả? Việc chị làm quy trình ngược: “nhà văn đi tìm nhà phê bình” có phải là sự lựa chọn khôn ngoan của người nhiều trải nghiệm trong nghề?

- Các nhà phê bình nước ta hiện nay? Tại sao lại cứ gộp tất cả nhỉ? Cơ bản tôi thấy có những nhà phê bình còn thiếu một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là thiếu tư duy khoa học. Viết phê bình không thể theo cảm tính được. Mà người phương Đông thì cứ hay cảm tính. Tư duy khoa học sẽ cho nhà phê bình con mắt tổng quan, nhận định dòng chảy văn học và vai trò từng cá nhân nhà văn với các tác phẩm trong dòng chảy đó. Khi đó họ sẽ nghiên cứu theo từng trào lưu, từng giọng điệu... Làm được điều đó, họ sẽ là một cầu nối giá trị giữa tác phẩm và độc giả. Thậm chí lại như một chất xúc tác giúp nhà văn định hình và khẳng định tốt hơn phong cách của mình.

Việc nhà văn tự đi tìm nhà phê bình không thể coi là một quy trình ngược. Cả hai phía đều có thể đi tìm nhau. Lối thẩm và cách cảm của Cao Việt Dũng tự tôi thấy hiện tại không thể nói là hợp với “tạng văn” của tôi. Nhưng tôi lại “chọn” Dũng, vì tôi tin sự thông minh và quan điểm “ngược” - nếu có - của nhà phê bình trẻ này sẽ giúp tôi được nhiều hơn trong những chặng tiếp theo của mình.

* Xin cảm ơn chị.
 
Nguyễn Thị Thu Thủy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm