Hồ sơ ca trù đã qua vòng thẩm định của UNESCO!

21/04/2009 09:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chiều qua (20/4), Bộ VH-TT&DL đã tổ chức họp báo giới thiệu về di sản ca trù đang đề nghị UNESCO (Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp!

1. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký UB Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đã được Bộ trưởng Bộ VHTT& DL ký duyệt và được gửi đến UNESCO vào ngày 13/3. Hồ sơ gồm tài liệu chính và phần phụ lục phụ trợ, đã chứng minh đầy đủ các yêu cầu về lịch sử, sức lan tỏa, hiện trạng của loại hình hiện nay, và chương trình hành động quốc gia để bảo vệ, phát huy loại hình di sản ca trù trong đời sống xã hội... Cả 2 phần nội dung của bộ hồ sơ gửi đi đều đáp ứng những quy định chuẩn của UNESCO. Sau 2 ngày gửi hồ sơ, ngày 15/3, Ủy ban UNESCO đã gửi bản góp ý để chúng ta chỉnh sửa, bổ sung hoàn tất hồ sơ và ngày 13/4 vừa qua, chúng ta đã kịp gửi lại bản cuối cùng đúng theo yêu cầu. Hiện nay, bộ hồ sơ ca trù đã qua vòng thẩm định và đang được UNESCO gửi cho các tổ chức phi chính phủ có chuyên môn xem xét và sẽ gửi bản trả lời vào ngày 25/6 tới. Đến ngày 28/9, Ủy ban UNESCO sẽ đánh giá hồ sơ đề cử cho đợt đăng ký đầu tiên này vào Danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Theo ông Lê Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc, hồ sơ ca trù đã được Viện Âm nhạc chuẩn bị công phu, có chất lượng khoa học cao, cơ bản đáp ứng các quy định của UNESCO. Từ năm 2005 đến nay, viện đã có 16 tháng điền dã, khảo sát tại địa bàn 15 tỉnh, thành phố, đã sưu tầm được hơn 4.000 trang tài liệu, đã tổ chức Liên hoan ca trù lần thứ I và Hội thảo khoa học quốc tế hát ca trù người Việt tại Hà Nội. Năm 2008, Viện Âm nhạc đã tổ chức hội nghị kiểm kê ca trù, hội nghị bàn về múa trong ca trù... Do vậy, ca trù có nhiều khả năng được UNESCO xét đăng ký vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
 
2. Gần đây, để thể hiện quyết tâm phát triển, bảo tồn và vinh danh loại hình nghệ thuật dân gian đã có lịch sử gần 1.000 năm này, các Bộ, ban, ngành, tổ chức, cũng như cá nhân đã và đang vào cuộc để thúc đẩy cho cuộc vận động này thành công. Mới đây nhất là triển lãm tranh Hội tụ để gây quỹ tài trợ cho việc bảo tồn và phát triển ca trù, ra mắt Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long (25 Tông Đản, HN), rồi đến những ngày biểu diễn và giao lưu văn hóa ca trù Hà Nội (tại ngôi nhà di sản, 87 Mã Mây)...

Tuy nhiên, theo GS Đăng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, để ca trù có sức sống mới, hồi sinh như ngày xưa là rất khó. Sau hơn 60 năm vắng bóng, nghệ nhân ca trù hiện nay còn rất ít. Cả nước vỏn vẹn còn 21 nghệ nhân ca trù. Nhưng trong 21 cụ đó, chỉ 12 cụ là còn sức khỏe và cũng chỉ biết khoảng 30 bài trong kho tàng ca trù mà thôi! Nếu không gấp rút để nghệ nhân truyền dạy thì các cụ sẽ mất đi...

“Tranh chấp” tên gọi “Ca trù Thăng Long”
 
Bên lề họp báo, có ý kiến cho rằng hiện nay có 2 đơn vị đang tranh chấp tên gọi Ca trù Thăng Long, liệu có ảnh hưởng không tốt đến quá trình xét duyệt như lời GS Trần Văn Khê nói, và nếu bị ảnh hưởng thì ảnh hưởng đến mức nào? Giáo sư Tô Ngọc Thanh trả lời: Cách đây 3 năm, Hội Văn nghệ dân gian có đầu tư thành lập CLB ca trù Thănh Long và cấp tiền cho CLB hoạt động và trở thành địa chỉ đỏ cho những người yêu ca trù. CLB này cũng chỉ chuyên dạy ca trù. Tuy nhiên, CLB cũng không đi đăng ký thương hiệu riêng. Mới đây có Trung tâm Văn hóa ca trù Thănh Long mở ra tại Bảo tàng Cách mạng VN. Thăng Long là tên quý, đến rượu vang còn mang tên Thăng Long nữa là... nên không ai phủ định ai cả. Tôi chỉ buồn là người ra sau không nghĩ đến người ra trước, nhưng suy cho cùng, ở đời thì phải “trăm hoa đua nở’’, làm thế nào để giữ được ca trù mới là quan trọng.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm