Từ New York nghĩ về văn hóa nghệ thuật VN

05/02/2009 14:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nói đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật (VHNT) của thế giới thì người ta sẽ nhắc đến thành phố New York vì nơi đây hội tụ nhiều thiên tài VHNT của nhân loại, nhiều trung tâm VHNT với cơ ngơi hoành tráng và nhiều quỹ hàng đầu của Hoa Kỳ trong việc tài trợ cho các hoạt động VHNT. Mặt khác, sự thưởng thức VHNT của người dân New York cũng rất tinh tế. Trong vẻ muôn màu muôn sắc ấy, các hoạt động VHNT của châu Á mang một nét riêng biệt.

Đem bản sắc văn hóa châu Á đến với nhiều người

Hiện tại có khoảng 400 tổ chức VHNT châu Á tại thành phố New York, trong đó có nhiều tổ chức có qui mô lớn, như: Asia Society, Asian Cultural Council, Japan Society, Asian American Arts Alliance, v,v…

Ngoài các hoạt động VHNT do các tổ chức châu Á điều hành, một số tổ chức lớn & viện bảo tàng cũng tham gia xây dựng chương trình châu Á như Lincoln Center, American Museum of Natural History, Metropolitan Museum, v,v…
 
Phim “Trái tim bé bỏng” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân
được chiếu tại Trường ĐH Yale (Mỹ)

Ngân sách hoạt động của các tổ chức VHNT dựa trên các nguồn: (1) đóng góp từ cá nhân & công ty, (2) tiền tài trợ của chính phủ (liên bang, tiểu bang, thành phố), tiền quỹ, và (3) tiền đầu tư. Ðể thu hút nguồn tài chính từ đóng góp tiền, nhận tiền tài trợ & đầu tư, các tổ chức VHNT xây dựng nhiều chương trình đặc sắc đủ sức tác động đến mọi nơi, mọi người. Ðể tạo được ảnh hưởng, trong ban cố vấn của các tổ chức thường có mặt những nhà hoạt động chính trị về hưu của Chính phủ & Quốc hội Hoa Kỳ hay những nhà kinh doanh tên tuổi. Một ví dụ về tài chính của Asia Society, trong 6 tháng đầu năm 2007: tổng số tài sản là 189.5 triệu USD, trong đó nguồn đóng góp và nhận được tài trợ là 30 triệu USD và nguồn đầu tư là 84 triệu USD.

Các tổ chức VHNT có ngân sách lớn sẽ tạo ra những chương trình lớn, mang rõ nét tính văn hóa phương Ðông.

Nghĩ về Việt Nam

Với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, việc phát triển VHNT có nhiều điều kiện thuận lợi. Những thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội rất cần có những cơ sở VHNT lớn. Nhưng thực tế tại 2 thành phố lớn này dường như không có bảo tàng nghệ thuật đương đại tầm cỡ, không có những khu hòa nhạc hoành tráng, v,v… Những giá trị nhân văn của một thành phố lớn phải đi kèm theo những cơ sở VHNT đương đại đúng với tầm vóc. Chúng không những phục vụ cho người dân trong nước mà còn là điểm giải trí lý tưởng cho du khách nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh những ý tưởng xây dựng cơ sở VHNT, Việt Nam nên quan tâm đến những chính sách về việc thành lập tổ chức văn hóa hoạt động phi lợi nhuận. Những chính sách này sẽ kích thích cho những cá nhân hoạt động văn hóa có hiệu quả hơn và có bài bản hơn. Tại Hoa Kỳ, các tổ chức phi lợi nhuận điều hành 95% những hoạt động văn hóa của xã hội. Những tổ chức này theo sát với nhu cầu của xã hội, chính vì thế hoạt động VHNT của họ rất đa dạng và thiết thực.

Tôi ước mong tại VN sẽ xuất hiện những viện bảo tàng đương đại như MoMa (bảo tàng nghệ thuật đương đại tại New York), những sân khấu kịch nghệ như là Broadway (trung tâm kịch nghệ tại New York), những khu hòa nhạc như là Lincoln Center (trung tâm biểu diễn nhạc, múa, nghệ thuật trình diễn, phim, v,v… tại New York). Và hy vọng VN sẽ dần dần xuất hiện những người giàu có chuyển sang hoạt động xã hội như John D. Rockefeller, Carl Freeman, Henry Luce, Andrew Mellon, Bill Gate, v.v…Tôi tin rằng mọi việc sẽ đến!

Trần Thắng
(Chủ tịch Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam tại New York - IVCE)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm