Lồng tiếng: Nghề 10 giây!

07/02/2009 11:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đến nay, nghề lồng tiếng tại Việt Nam vẫn chưa được xem là nghề chính thức, mà chỉ được hiểu là một công việc “khớp tiếng” thay cho diễn viên trong các phim không thu tiếng trực tiếp, những cảnh không thu được lời thoại, hoặc do giọng của diễn viên trong phim trường không phù hợp với nhân vật. Nghề lồng tiếng còn được gọi là “nghề 10 giây”, vì thường khi phim kết thúc, người xem có kiên nhẫn thì mới thấy cụm từ “nhóm lồng tiếng” chạy lên trong khoảng 10 giây.

* Công việc lồng tiếng

Có lẽ khái niệm về nghề lồng tiếng thì không cần nhắc đến nữa, vì báo đài cũng đã đề cập khá nhiều, người xem phim truyền hình ngày nay cũng đã khá quen thuộc. Quen thuộc từ thời các phim kiếm hiệp dài tập (thập niên 90 của thế kỷ trước), phim tâm lý xã hội của Nam Mỹ, của Châu Á… Riêng với nền điện ảnh Việt Nam, từ thời Pháp thuộc đến trước khi xuất hiện phim màu rộng rãi (trước thập niên 70), rồi phim truyền hình thời ti vi đen trắng còn phổ biến (trước thập niên 90)… nghề lồng tiếng đã theo gót.
 
Lồng tiếng cho phim

Vấn đề của nghề lồng tiếng hiện nay là ở thời gian, số lượng và chất lượng của người làm nghề; là sự hoàn chỉnh của sản phẩm mà công việc đó mang lại. Vì thực tế hiện nay cho thấy, với các phim bộ nhập ngoại, phần lớn từ Hàn Quốc và châu Á - khán giả vẫn còn “khoái nhĩ” với các nhóm lồng tiếng. Khoảng 1.500 tập phim truyền hình do các hãng phim Việt Nam sản xuất vẫn còn phải chạy vào phòng lồng tiếng trước khi chạy qua đài truyền hình để lên ti vi.

Đành rằng hiện nay đã có thêm công nghệ sitcom và thâu tiếng trực tiếp, nhưng với hơn 100 kênh truyền hình trong cả nước, số lượng tập phim cần có để phát cho mỗi kênh trong 1 năm lên đến 200 tập, vị chi cũng cần hơn 20.000 tập. Đó là chưa nói mỗi ngày có đến 2-3 “giờ vàng” để phát phim, hàng trăm ngàn tập tiêu thụ cũng hết. Mà khả năng sản xuất và nhập phim chỉ mới đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu, thành ra các phim được phát lại đều đều, giọng của những người lồng tiếng trải dài khắp nước, chẳng phân biệt vùng miền. Có ý kiến nói vui như rằng: sinh ra thường nói tiếng mẹ đẻ, lớn lên thì nghe giọng những người lồng tiếng.
 
Tăng Thanh Hà - một gương mặt đẹp cả hình và tiếng trong năm 2008

Một đơn cử cho “quyền lực” của nghề lồng tiếng trong năm 2008 là phim Bỗng dưng muốn khóc của Vũ Ngọc Đãng, được sản xuất và lồng tiếng tại Sài Gòn - giọng Nam bộ chủ đạo (chính Tăng Thanh Hà lồng cho vai của mình), nhưng được phát sóng trên VTV1 đi cả nước, thành ra khán giả khắp nơi (chẳng cần phân biệt giọng vùng miền) đã “nghe” chung một tiếng nói!?. Nghề lồng tiếng còn đi vào cả đài phát thanh, các clip quảng cáo và nhiều chương trình khác.
 
* Nghề 10 giây!

Công việc, tài năng và thu nhập của diễn viên lồng tiếng gắn liền với phòng thu, cần mẫn với kịch bản, bám sát với tính cách và sức sống của nhân vật. Dù xuất hiện suốt bộ phim và tốn khá nhiều công sức, nhưng lại ít được biết đến, vì như đã nói, “name list” (nhóm lồng tiếng) chạy lên chưa được 10 giây, đọc còn không kịp, huống chi nói đến chuyện nhớ.

Tại TP.HCM hiện nay có khoảng 4-5 nhóm lồng tiếng làm việc đều đặn, với khoảng 20 chục người giữ vai trò nòng cốt, còn các diễn viên chuyên làm nghề lồng tiếng thì lên đến khoảng 50-60 người, riêng những người cộng tác thời vụ thì lên đến cả trăm. Mấy nhóm thường được nhắc đến nhiều trước đây là Sài Gòn phim, Hồng Phúc, Minh Khánh, còn bây giờ thì có Xuân Tâm, Mộng Vân. Theo đạo diễn Trần Cảnh Đôn, Xuân Phước… ước đoán thì những lúc cao điểm, con số này còn có thể nhiều hơn; riêng cát-sê lồng tiếng cho mỗi tập phim thì vào khoảng 5-6 triệu, thuộc diện thấp, vì mỗi phim cần vài chục người để lồng. Riêng anh Xuân Tâm, một trong vài tên tuổi uy tín của làng lồng tiếng hiện nay, có thể xem là một đạo diễn lồng tiếng (Chef de plateau) - dù anh từ chối danh hiệu này, thì nói rằng cát-sê ổn định vẫn ở mức 4-5 triệu, tùy độ khó và thời lượng của mỗi phim.
 
Xuân Tâm - một sếp la-tô tên tuổi hiện nay

Chính Chef de plateau Xuân Tâm cũng cho biết nhóm của anh hiện có rất đông người cộng tác, nhất là trong làng kịch và cả giới ca sĩ, nhưng vẫn trong tình trạng làm không hết việc. Vì gần như tất cả các thể loại phim tại Việt Nam hiện nay đều còn cần đến lồng tiếng. Ngay cả công nghệ sitcom hay phim thu tiếng trực tiếp, sau khi dựng, nhiều chỗ tiếng không đạt hay bị nhiễm ồn, cũng phải lồng lại cho hay hơn.
 

Dù xuất hiện suốt bộ phim và tốn khá nhiều công sức, nhưng lại ít được biết đến, vì như đã nói, “name list” chạy lên chưa được 10 giây, đọc còn không kịp, huống chi nói đến chuyện nhớ…

Đạo diễn Võ Tấn cho rằng nghề này giữ vai trò rất quan trọng trong mặt bằng phim hiện nay, nhưng vẫn còn bị xem nhẹ, thậm chí là trả thù lao hơi bị “hẻo”. Anh cũng nói thêm rằng, số phim và số vai mà nhân vật diễn giọng nói thật hay, thật đạt còn quá ít, cho nên chính những diễn viên lồng tiếng đã cứu giúp rất nhiều phim. Trong Hương phù sa, Tăng Thanh Hà diễn quá đạt, tiếc là sau đó cô ấy đi Singapore học, sợ không mời được ai lồng tiếng Kết quả thì chị Kim Phụng (một ngôi sao lồng tiếng hiện nay, khoảng 40 tuổi) đã vào vai này rất ngọt, đạt trên 95% yêu cầu. Chính Kinh Quốc, Tiết Cương… cũng thừa nhận mình chịu ơn với rất nhiều người lồng tiếng.

Anh Xuân Tâm nói cái nghề này gọi là 10 giây cũng xứng, vì nguyên một tập thể làm việc quần quật, bất kể ngày đêm và thời tiết, vậy mà tiền tài và danh vọng chỉ là thoáng qua. Tuy nói vậy, nhưng anh Tâm vẫn khá tự tin vào công việc mình và các đồng nghiệp, vì họ còn “máu” với nghề.
Văn Bảy
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm